Chàng trai có hành trình 10 năm đi cứu mẹ trong ổ buôn người đó là Cao Văn Quân, 29 tuổi, ở thôn Bắc Mễ, xã Bình Dương, tỉnh Quảng Ninh. Mẹ Quân sống trong cảnh đơn chiếc, một mình nuôi cả bầy con nên phải gánh vác mọi việc trong gia đình. Bà thường chạy chợ bán hàng ở Móng Cái, sáng đi, chiều về.
Chiều ấy, Quân nhớ rất rõ, gió Bắc lùa về se sắt khiến khí trời đất biển thêm lạnh lùng. Lũ trẻ chờ mãi mà vẫn không thấy mẹ về. Qua bữa cơm tối, chúng hoảng loạn thật sự, chạy đi báo bà con cô bác trong làng. Mọi người ùa đi tìm mẹ bọn trẻ mà không thấy.
Một ngày kia, có một người đàn bà lạ xuất hiện với một người làng. Người đàn bà ấy quê tận Sao Đỏ, Chí Linh, Hải Dương về bảo với chị của Quân: “Mẹ mày bị bắt và bán cho một lão già Trung Quốc rồi. Bà ấy tìm cách trốn về mấy lần đều bị bắt lại, bị đánh cho thừa sống thiếu chết, tìm cách trốn mà khó lắm”. Quân khi ấy tròn 15 tuổi, trông già dặn hơn so với đám bạn cùng lứa, bảo với chị: “Tôi quyết định rồi, tôi đi tìm mẹ về, chừng nào chưa tìm được, tôi chưa về, mọi người đừng chờ tôi”.
Trong số những người quen biết Quân có một người đàn bà tên Liên, đã lấy chồng bên Trung Quốc. Liên cũng đang tìm cách vượt biên sang với chồng. Chọn một đêm tối trời, cả đoàn gồm 4 người: bà Liên, Quân và hai cô gái trẻ theo bà sang biên giới tìm chồng ngoại, cùng xuống chiếc thuyền thúng bé tẹo teo sang bên kia sông, phía phần đất của Trung Quốc. Đêm ấy, Quân không ngờ rằng chuyến đi của mình kéo dài những 10 năm.
Nơi họ đến là nhà ông Vương Phổ, ở xã Vầy Miễn, Kiên Trì, Quảng Đông, Trung Quốc. Đến nơi, ông Vương Phổ và bà Liên bàn tán gì đó kín đáo lắm. Quân và hai cô gái trẻ được ăn uống, nghỉ ngơi ba ngày. Đến ngày thứ tư, bà Liên mới bảo với Quân: "Lệ phí một người sang đây là 3 nghìn Trung Hoa". Quân không bán được thì ở lại nhà bà làm công, khi nào trả xong thì đi tìm mẹ. Bà Liên nói Quân cứ lo làm trả nợ, việc tìm mẹ cậu bà ấy sẽ hỏi giúp.
Thế là Quân bị đưa vào rừng làm vườn, đập đá, xây nhà, công việc của một nô lệ thật sự. Ba năm trời đằng đẵng như thế, Quân bị vắt kiệt sức, không được ra khỏi rừng, hoàn toàn bị cách ly với thế giới bên ngoài, không giấy tờ tuỳ thân, bất đồng ngôn ngữ, văn hoá…
Một lần Quân ốm, khi tỉnh dậy, cậu thấy mẹ đang chăm sóc cho mình. Người đàn bà khóc ngặt nghẽo: “Trời ơi! Sao con dại thế, ai bảo sang đây, mẹ đang tìm cách về với các con mà…”.
Mãi sau này Quân mới biết, bà Liên đã biết mẹ cậu từ ba năm trước nhưng vì muốn giữ chân Quân lại làm công trả nợ nên không nói. Quân không thể ngờ được là hai mẹ con cậu chỉ cách nhau vài quả đồi, vài cây số, mà hơn ba năm trời không gặp được. Chỉ khi thấy Quân đã kiệt sức, bà Liên mới giao cậu cho mẹ.
Quân được mẹ chuộc ra, về nhà bố dượng, cũng ở Kiên Trì. Ông bố dượng bắt Quân gia nhập băng nhóm buôn người. Tại đây Quân mới chứng kiến hết được tội ác của tập đoàn phạm tội này. Lải Cào là đại ca một đám đàn em có tới vài trăm tên, địa bàn làm ăn của chúng rộng khắp vùng Đông Nam Á. Chúng chủ yếu xua quân đi Lào, Campuchia, Việt Nam… kiếm gái về bán sang Ma Cao, Hong Kong… và buôn ma tuý xuyên lục địa.
Mẹ Quân cũng đành chịu bó tay khi con trai mình bị người chồng đem “gửi” vào tay chính bọn người đã bán bà. Quân được nhận 300 NDT một tháng. Số tiền này Quân tích góp để mong có ngày đưa được mẹ hồi hương.
Một buổi sáng mùa hè Trung Quốc oi nồng nắng, khi mọi người đang ăn cơm thì nghe tiếng khóc và la lối. Mẹ Quân chạy vào báo có một cô gái trẻ người Việt, khá xinh xắn, bị bán cho một ông lão 80, giờ đang đòi tự tử.
Cô gái ấy tên Tuyền, xinh nhất nhóm nhưng lại bị một ông già trên 80 tuổi lắm tiền bỏ ra mua. Cô khóc lóc van xin mãi không được liền lao đầu vào gốc cây định tự tử. Bọn buôn người túm cô lại để “đấu giá”. Để cứu cô gái, Quân cũng tham gia trả giá. Cậu mua Tuyền với giá 2.800 NDT.
Nguyễn Thị Tuyền sinh năm 1973, trong một gia đình nghèo ở xã Đồng Lạc, huyện Yên Thế, Bắc Giang. Học hết cấp 2, cô phải nghỉ học phụ giúp gia đình kiếm tiền trả nợ. Rồi cô bị một người Nguyễn Thị Hà lừa bán sang Trung Quốc. Cô lọt vào tay bọn buôn người từ đó.
Sống với nhau một thời gian, Quân và Tuyền cảm mến nhau thật lòng. Một năm sau, họ sinh một bé gái, đặt tên là Cao Thị Dung. Từ ngày có bé Dung, ngày về Việt Nam càng được nung nấu.
Vào dịp cuối năm 2005, ba mẹ con Quân xin đi chợ huyện sắm đồ cho vợ chồng Quân ra ở riêng. Nhân đó, 3 mẹ con lén lút bắt xe đến gần cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn. Khi về đến Việt Nam, người đàn bà - mẹ Quân - đứng sững lại, nước mắt giàn giụa. Bà nói vợ chồng Quân cứ quay về, bà phải sang lo cho bé Dung.
Bà mẹ xô hai đứa con sang phần đất Việt bằng hơi sức cuối cùng. Vợ chồng Quân về quê báo với công an và chính quyền địa phương, mong mẹ và con gái sớm được cứu về. Quân cho biết, trước khi chờ công an ra tay, chính anh sẽ sang cứu mẹ và con gái.
(Theo Nhà Báo & Công Luận)