![]() |
Những em bé bị bỏ rơi được nuôi dưỡng tại khoa nhi BV Hùng Vương, TP HCM. |
Tại Khoa Kế hoạch hóa gia đình Bệnh viện (BV) Từ Dũ, những bà mẹ tới khám thai lúc nào cũng đông, trong đó có khá nhiều bà mẹ tuổi vị thành niên. Theo số liệu của BV Từ Dũ, mỗi năm có hơn 300 bà mẹ trẻ dưới 16 tuổi đến sinh tại BV này, trong đó hầu hết là có thai ngoài ý muốn. Chính đây là nguyên nhân khiến tình hình bỏ con sau khi sinh tăng nhanh trong những năm gần đây.
Bác sĩ Dương Phương Mai, Trưởng Khoa Kế hoạch hóa gia đình BV Từ Dũ, cho biết nhiều bà mẹ trẻ đến đây để bỏ thai nhưng do thai quá lớn, không thể nạo phá được nên khi sinh xong, họ âm thầm bỏ trốn. Cũng có một số trẻ bị gia đình bỏ rơi do dị tật bẩm sinh như vô sọ, não úng thủy, sứt môi chẻ vòm, đầu nho, nhiễm HIV... hoặc vì quá nghèo. Tất cả những đứa trẻ bị bỏ rơi đã được nuôi dưỡng tại Khoa Nhi của 2 BV trên, chờ ngày chuyển về những trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi thuộc Sở LĐ-TB-XH TP HCM.
Các thủ tục pháp lý ban đầu cần tiến hành để xác nhận một đứa bé bị bỏ rơi trong BV, nếu làm không tốt thì đây có thể là kẽ hở để kẻ buôn người lợi dụng. Ban Giám đốc BV Từ Dũ và BV Hùng Vương cho biết: Khi phát hiện có trẻ bị bỏ rơi, sẽ gọi bảo vệ BV đến làm chứng và mời công an phường đến lập biên bản, có sự xác nhận của các bác sĩ ca trực và nữ hộ sinh. Tiếp đó, BV sẽ viết thư liên lạc với gia đình sản phụ 3 lần theo địa chỉ lưu trong hồ sơ bệnh án trong vòng một tháng, dán thông báo trường hợp bỏ con tại trụ sở công an khu vực. Nếu trong vòng một tháng không có ai đến nhận con thì đứa bé sẽ được làm thủ tục để đưa về các trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi.
Các BV không tự ý cho con nuôi
Nữ hộ sinh Nguyễn Thị Thu Hồng, Khoa Nhi BV Hùng Vương, kể rằng mỗi ngày chị phải chăm sóc các bé, theo dõi tình trạng sức khỏe và cân nặng đến lúc chúng được khoảng 4-5 tháng sẽ chuyển đi các trung tâm để BV nhận nuôi những đứa trẻ mới. Cứ như vậy, hết đợt này đi, lại đến đợt khác vào.
Bác sĩ Vũ Thị Nhung, Giám đốc BV Hùng Vương, cho biết nếu gia đình đứa bé quay lại trong thời gian bé còn nằm trong BV thì sẽ được nhận lại con nếu chứng minh đầy đủ giấy tờ đúng là mẹ đứa trẻ. Còn nếu trẻ đã được Sở LĐ-TB-XH TP chuyển sang trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi thì gia đình phải liên hệ với những nơi này. Cả BV Từ Dũ và BV Hùng Vương đều không tự ý cho con nuôi cho bất kỳ ai nhằm tránh những rắc rối, vì gia đình trẻ có thể quay lại đón con và để hạn chế tình trạng buôn bán trẻ sơ sinh. Những người có nhu cầu xin con nuôi phải liên hệ thẳng với trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi và Sở LĐ-TB-XH TP. Riêng những trẻ bị dị tật bẩm sinh nặng thì được chuyển vào Làng Hòa Bình tại BV Từ Dũ.
Buôn bán công khai
Qua khảo sát tại 4 xã Phú Thành A, Phú Ninh (huyện Tam Nông), Mỹ An Hưng A, Bình Thành (huyện Lấp Vò) tỉnh Đồng Tháp, cơ quan chức năng phát hiện có 26 trẻ em bị mua bán, trong đó có 4 trường hợp chưa tới tuổi đến trường, 95,2% có hoàn cảnh nghèo, gia đình đông con, nhiều em phải bỏ học, trình độ học vấn hầu hết là tiểu học. Các em bị mua bán thông qua các hình thức công khai như giới thiệu đi làm việc ở trong và ngoài nước, cho con nuôi... Các nạn nhân được đưa từ Đồng Tháp đến các trạm trung chuyển là các tỉnh, thành: TP HCM, Cà Mau, Bà Rịa - Vũng Tàu, sau đó đưa sang Campuchia, Đài Loan, Malaysia.
(Theo Người Lao Động)