- Bây giờ, ông thích nghe thể loại nhạc gì?
- Tôi nghe trở lại nhạc cổ điển, những gì mình yêu thích thời còn trẻ, cả contemporary classic (các tác phẩm của Boulez, Messiaen, Gershwin, Britten, Schoenberg), nghe để cập nhật, nghe để làm nghề và những lúc rảnh rỗi để lòng mình dịu lại thì nghe Ennya, Secret Garden, Jan Gabareck.
- Có một nhận xét, nhạc trẻ Việt hiện nay bội thực ca khúc não tình mà đói những tác phẩm âm nhạc nghiêm túc. Ông là người đi trước mà vẫn đương đại, ông đánh giá thế nào về giới nhạc sĩ trẻ?
- Tôi không cộng tác với nhiều người và tôi lại chỉ hoạt động trong lĩnh vực nhạc nhẹ nên không thể đánh giá chính xác về giới nhạc sĩ trẻ nói chung. Về những nhạc sĩ sáng tác và phối khí trẻ tuổi (trên dưới 30) trong khu vực của tôi, họ đã có phần nhỉnh hơn thế hệ đi trước về mặt đẳng cấp. Tất nhiên về vốn sống và văn hóa nền chưa được dày đã cản trở họ trong việc tạo ra những giá trị nghệ thuật đỉnh cao. Tuy vậy, tôi vẫn thấy ở họ lấp ló những tên tuổi có nhiều hứa hẹn. Những tên tuổi này thường tập trung ở hai trung tâm lớn: TP HCM và Hà Nội như: Việt Anh, Hoài Sa, Đức Trí, Ngọc Châu, Quốc Trung, Anh Quân, Huy Tuấn, Lê Minh Sơn, Đỗ Bảo và gần đây qua Bài hát Việt phát hiện thêm Võ Thiện Thanh, Giáng Son, Nguyễn Vĩnh Tiến, Dương Cầm, Nguyễn Xinh Xô, Văn Phòng... Một đội ngũ tài năng khá đông đảo đấy chứ!
Nhạc sĩ Dương Thụ. |
- Ông toàn làm album cùng với những người trẻ tuổi. Có lúc nào ông cảm thấy đuối sức và muốn nghỉ ngơi?
- Sức khỏe thì dĩ nhiên không thể đua được với họ rồi. Năm 2003, tôi đã bước vào tuổi 61 và nội tạng không được tốt lắm (bệnh tim mạch, sỏi mật, hai năm rồi đã trải qua hai lần phẫu thuật) nhưng nhờ giời, sức làm việc của tôi vẫn còn tốt nên không phải đua sức gì cả. Tôi chưa bao giờ làm thất vọng những người cộng tác với mình. Viết lách, biên tập, dàn dựng âm nhạc là những công việc thú vị. Có thể thức trắng đêm, có thể quên bữa mà vẫn không đánh mất sự hào hứng, vẫn không cảm thấy bơ phờ mệt mỏi. Ở tôi có một nghịch lý không biết nên giải thích thế nào: Già ngay khi còn trẻ (tuổi hai mươi đã như ông cụ non, nói năng nghiêm chỉnh, thích triết lý, và chơi toàn với những người lớn tuổi). Còn bây giờ về già thì ngược lại, ngược lại một cách tự nhiên chứ chẳng cố ý gì cả.
Hiện tại, tôi hào hứng làm việc, chưa nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi. Bao giờ không ai cần mình nữa thì dù còn khỏe vẫn phải nghỉ thôi. Cuộc sống khắc nghiệt lắm, nhất là đối với những người làm nghề như tôi. Chỉ cần chùng xuống một tí là tụt hậu ngay, là "rớt đài". Cho nên không "trẻ" là "chết". Với tôi, trẻ là sức sống là sống, trẻ không là tuổi.
- Ca từ của ông thường chạm khẽ vào cảm giác của người nghe nhưng những gì để lại thường là dai dẳng và càng ngấm càng cảm được cái say đắm của tác giả. Ở ngoài đời, với cuộc sống tình cảm riêng, ông có phải là người như thế?
- Người viết bài hát dịu dàng, tinh tế vẫn có thể là một anh chàng vụng về và chẳng dịu dàng một chút nào. Có vẻ tôi cũng hơi... như thế.
- Ông từng kết hợp nhiều với nhạc sĩ Bảo Chấn. Sau vụ "Tình thôi xót xa", ông nghĩ gì về người cộng sự của mình?
- Bảo Chấn là người bạn nghề rất thân thiết, chúng tôi đã cùng làm việc với nhau hơn 20 năm nay. Thời gian như thế là quá dài để ta biết về một người bạn tốt, sống khiêm nhường và luôn biết cách học hỏi cái hay ở người khác. Ở Sài Gòn sau 1975, trong lĩnh vực nhạc nhẹ, Bảo Chấn thuộc loại hàng đầu.
Vụ Tình thôi xót xa là một tai nạn lớn, anh ấy cần rút kinh nghiệm. Tôi có cảm tưởng dư luận đã dồn anh ấy đến chân tường và có những người còn muốn xô anh ấy đến miệng vực để anh rơi xuống đó. Như thế là nhẫn tâm. Ai cũng có những sai lầm, cũng có những lúc không làm chủ được bản thân mình, không nên vì một sai lầm mà vùi dập con người họ, hủy hoại sự nghiệp của họ.
Bây giờ, Bảo Chấn vẫn âm thầm làm việc, chủ yếu trong lĩnh vực phối khí và biểu diễn. Đầu năm tới, tôi và anh anh ấy sẽ thực hiện một chuyến lưu diễn dài ngày, ở đâu và thời gian cụ thể thì chưa nói được.
- Tuổi thơ của ông trong ký ức có một dấu ấn mà bao giờ ông cũng nghĩ đến đầu tiên mỗi khi nhớ lại, đó là điều gì vậy?
- Đó là ngôi nhà cũ của gia đình đã bị dỡ bỏ vào những năm 1960. Tôi hay nằm mơ về nó. Với tôi, ngôi nhà ấy không chỉ là nhà mà còn là biểu tượng của gia đình, của quá khứ tôi.
- Vậy ông có phải là người sống "nệ cố"?
- Không nên "nệ" một cái gì nhưng nếu biết sống với cả ba "thì" vẫn tốt hơn.
- Có những kỷ niện nào từ thời ấy đi vào ca từ trong những sáng tác rất trẻ của ông?
- Tôi không làm văn chương, cũng không phải là người kể chuyện bằng bài hát nhưng âm nhạc thực chất là hồi ức của những điều đã sống, cái hồi ức ấy nó ẩn mình trong âm thanh, nó chỉ là cái cảm giác đôi khi rất trìu tượng, không thể diễn tả bằng lời. Nếu hiểu như vậy thì những bài hát của tôi tràn đầy kỷ niệm, không phải chỉ của thời ấy mà là của tất cả những gì tôi đã sống qua.
- Vậy người phụ nữ của ông bị quyến rũ bởi điều gì nơi ông?
- Tôi chưa bao giờ hỏi vợ tôi về điều này nên thật khó trả lời. Tôi là người đàn ông có về ngoài tẻ nhạt nên khi ngồi bên cạnh những người đàn ông khác tôi thường bị... chìm nghỉm. Còn về âm nhạc lúc còn trẻ tôi chỉ là một kẻ vô danh, bây giờ mới được nhiều người biết đến thì đã... già rồi. Đúng là vô duyên. Một người như thế liệu còn quyến rũ được ai. Nhưng rốt cuộc dù quyến rũ hay không đàn ông vẫn lấy được vợ. Và chỉ có người vợ mới bỏ qua cái sự không quyến rũ của mình, mới chiếu cố nhận ra cái duyên ngầm của mình. Chắc là thế!
- Ngoài âm nhạc, ông còn rất hứng thú với việc làm nhà cửa, vườn tược theo kiểu Bắc Bộ của mình trên sườn núi Chè tỉnh Bắc Ninh?
- Cũng phải lo cho gia đình một chỗ ở ngoài này. Sống thành phố mãi mệt lắm. Tôi xa miền Bắc đã 29 năm, bao giờ cũng muốn trở lại nơi đã tạo thành mình. Cái khung cảnh xưa, ngày tôi còn bé. Bây giờ có điều kiện thực hiện ước muốn đấy nên phải làm ngay. Vài năm nữa chắc là không thể. Cái gì cũng phải có thật, không nên mãi mãi chỉ là giấc mơ. Tôi đã mơ nhiều quá rồi.
- Ngoài ngôi nhà vườn trong TP HCM, ông còn vẽ kiểu nhà cho ca sĩ Hồng Nhung và bây giờ là ngôi nhà ở Bắc Ninh. Ông có thể kể về niềm đam mê này?
- Lớn lên tôi là kẻ không nhà, sống nay đây mai đó, chỗ nào cũng là ở nhờ nếu không thì cũng ở tạm thôi nên luôn mơ một nơi chốn riêng để có chỗ trở về. Đấy là một nguyện vọng tự nhiên chứ chẳng phải đam mê gì đâu. Khi xây nhà, vì ít tiền nên không thể thuê kiến trúc sư, đành phải tự mình làm lấy cho nó rẻ. Cô Nhung thích cái cách làm nhà của tôi, cô ấy nhờ. Tôi coi Nhung như người thân nên giúp. Có lẽ việc tôi thiết kế một ngôi nhà giống như tôi viết một bài hát vì thế nó cũng có một cái gì đó khả dĩ khiến một vài bạn bè cảm thích thú chăng?
Nhạc sĩ Dương Thụ và ca sĩ Hồng Nhung. |
- Từ âm nhạc cho đến việc làm nhà cửa ở ông đều là sự pha trộn hài hòa của Đông-Tây, Kim-cổ. Nhưng ông thiên về văn hóa nào hơn, phương Đông hay phương Tây?
- Văn hóa phương Đông hay phương Tây cũng là văn hóa của con người. Tôi là con người nên tiếp nhận chúng một cách tự nhiên và chẳng thế phân biệt. Bây giờ nhìn lại, trên hai phương diện nhận và cảm, thấy mình có lẽ "nhận" thiên về phương Tây, còn "cảm" thiên về phương Đông... Có lẽ là như vậy. Còn cái "nhận" và "cảm" của Đông và Tây khác nhau như thế nào trong suy nghĩ của mình có lẽ phải viết thành một bài dài chứ không thể nói gọn trong một câu trả lời phỏng vấn như thế này được.
- Sẽ có sự yếu đuối để cảm xúc có chỗ mà bộc phát. Ông yếu đuối nhất khi nào?
- Tôi không nghĩ như thế. Lúc yếu đuối là lúc tôi không thể làm được điều gì. Yếu đuối dẫn đến bất lực, tuyệt vọng. Lúc ấy tôi cảm thấy chán mình nhất. Lúc tôi nghẹn giọng, thấy mình sắp khóc đến nơi có lẽ chính là lúc mình mạnh mẽ nhất. Còn nếu yếu đuối được hiểu như một xúc động nội tâm thì tôi yếu đuối nhất trong lúc bất chợt nhận ra cái khung cảnh, hương vị của nơi chốn của tháng ngày mình đã sống qua, bất chợt đối diện với cái vô cùng (như ngồi trước biển chẳng hạn) và ai cũng thế thôi, là phút gặp người mà ta mơ được sống suốt đời bên họ.
- Vậy còn những dự án, những điều ấp ủ, những mong mỏi cho cả cuộc sống riêng tư và sự nghiệp, cho cá nhân mình, cho những người mình yêu thương?
- Có nhiều dự án lắm nhưng tôi có kinh nghiệm rồi, mười dự án may mắn chỉ thực hiện được một. Vì rất hiếm khi gặp được người hiểu mình để đầu tư đến nơi đến chốn. Họ thường bỏ cuộc vào phút chót nên nói đến dự án khi chưa bắt tay vào thực hiện giống như việc nói khoác vậy.
Còn về cuộc sống riêng tư, tôi ở cái tuổi phải làm bằng được điều mình nghĩ chứ không thể ngồi mà mong mỏi, vì chẳng còn cơ hội nữa. Điều tôi nghĩ là chất lượng sống của mỗi thành viên trong gia đình phải ở mức tốt nhất. Và vợ tôi phải được sống với những gì trời cho người phụ nữ.
- Ống sẽ sống ở đâu, Sài Gòn hay Bắc Ninh trong nhiều năm tới?
- Chắc cũng phải quy về một chỗ, một chỗ ở chính. Còn lại vẫn giữ để được thay đổi. Nếu mà chỉ được ở một chỗ thôi chắc cuộc sống sẽ buồn tẻ lắm.
(Theo Thanh Niên Tuần San)