Chủ nhật, 18/4/2021, 12:09 (GMT+7)

Mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á trước nguy cơ đóng cửa

Hà TĩnhMỏ sắt Thạch Khê (huyện Thạch Hà), trữ lượng khoảng 544 triệu tấn, khai thác năm 2008, ba năm sau bị dừng do vướng mắc về vốn.

Mỏ sắt Thạch Khê nằm trên địa bàn 5 xã ven biển của huyện Thạch Hà gồm: Thạch Khê, Đỉnh Bàn, Thạch Hải, Thạch Trị và Thạch Lạc. Tổng diện tích đất sử dụng của dự án là 4.821 ha.

Mỏ được phát hiện từ năm 1960, trữ lượng khoảng 544 triệu tấn, được đánh giá là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á. Khu vực này nằm cách thành phố Hà Tĩnh 8 km về phía Đông, cách bờ biển Đông 1,6 km.

Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê do Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư được triển khai từ năm 2008, tổng vốn đầu tư khoảng 14.500 tỷ đồng, vòng đời khai thác hơn 50 năm.

Lễ khởi công dự án được tỉnh Hà Tĩnh tổ chức vào tháng 9/2009. Nhà chức trách kỳ vọng dự án sẽ giúp giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, đáp ứng được nhu cầu tinh quặng sắt chất lượng cao và giá rẻ cho ngành luyện kim trong nước…

Công trường tại mỏ sắt Thạch Khê hồi đầu năm 2011.

Giai đoạn 2008-2011, công nhân đã bóc đất tầng phủ được khoảng 12,7 triệu m3, độ sâu -34 m so với mực nước biển, thu hồi 3.000 tấn quặng. Dự án sau đó gặp vướng mắc về huy động và góp vốn, dẫn đến hàng loạt hệ lụy, như: Chậm tiến độ giải phóng mặt bằng, thiếu tiền thanh toán cho nhà thầu tư vấn lập thiết kế kỹ thuật và xây dựng khu tái định cư. Tháng 11/2011, Chính phủ phải cho tạm dừng dự án để thẩm định lại thiết kế kỹ thuật và tái cơ cấu cổ đông.

Giữa tháng 4/2021, cổng chính ra vào cửa xí nghiệp khai thác mỏ đóng kín, gỉ sét, xung quanh bờ tường rào rêu mốc. Các máy xúc trước kia dùng để phục vụ dự án nay tập kết trong khuôn viên nhà điều hành.

Máy xúc, máy đào qua nhiều năm không sử dụng, nhiều bộ phận bị gỉ sét.

Từ cuối năm 2016, UBND tỉnh Hà Tĩnh có báo cáo gửi Trung ương đề xuất tạm dừng dự án với nhiều lý do như: Công nghệ, kỹ thuật khai thác chưa phù hợp với đặc thù địa chất mỏ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động lớn đến môi trường; phương thức vận chuyển quặng khó khả thi, hiệu quả thấp, ảnh hưởng lớn đến hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn; thị trường tiêu thụ quặng sắt chưa chắc chắn...

Khu vực moong mỏ trước kia công nhân bóc đất tầng phủ, nay thành một hồ nước rộng lớn, sâu hàng chục mét.

Nhiều ống nhựa cỡ lớn dài hàng trăm mét nối từ trong bờ ra moong mỏ phục vụ thi công trước đây, hiện chưa thu dọn.

Khu vực mỏ có nhiều nhà cấp bốn của người dân đã bàn giao cho chủ đầu tư, để giải phóng mặt bằng phục vụ thi công song chưa đập bỏ.

Tổng diện tích giải phóng mặt bằng là 839 ha, trong đó hơn 741 ha đã hoàn thành ở khu vực mỏ và 89 ha tại các khu tái định cư. Dự kiến ban đầu 3.952 hộ dân phải đến khu tái định cư, song đến nay mới có hơn 100 hộ di dời.

Năm 2017 đến nay, thấy dự án "nằm im", nhiều người dân địa phương trước kia thuộc diện di dân tái định cư, nay quay về ở tại các ngôi nhà chưa giải tỏa trong khu mỏ để trồng hoa màu, nuôi gia cầm.

Ông Bùi Quang Đào, 56 tuổi, trú xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà cho biết năm 2014 đã nhận một tỷ đồng để lên khu tái định cư cách mỏ khoảng 3 km làm nhà mới. Ba năm trước, ông xin chính quyền về lại ngôi nhà cũ trong mỏ để lấy đất sản xuất, khi nào khởi động lại dự án thì gia đình ông sẽ dời đi.

Nhà anh Nguyễn Hữu Thành, 27 tuổi, trú thôn Bắc Lạc, xã Thạch Lạc, huyện Thạch Hà - cách mỏ sắt 5 km, được quy hoạch di dời từ năm 2007, dự kiến hết năm 2017 sẽ xong. Nay quá thời hạn bốn năm, công trình vẫn nằm yên. Nhà cấp bốn rộng hơn 120 m2, bên trong có bốn phòng, là nơi sinh hoạt của 12 người, gồm: mẹ, vợ chồng anh Thành cùng ba con, gia đình hai em trai và các cháu. Khu đất rộng 500 m2 nhiều năm qua chưa được cấp bìa đỏ, anh Thành không dám xây thêm công trình mới.

"Sinh hoạt chung rất bất tiện. Nhiều lúc các thành viên trong gia đình không vừa lòng, xảy ra xích mích chỉ vì nhà chật. Dừng hay tiếp tục khai thác mỏ sắt Thạch Khê, tôi rất muốn biết câu trả lời sớm từ chính quyền để ổn định cuộc sống", anh Thành nói.

Người dân các xã Đỉnh Bàn, Thạch Khê, Thạch Hải... thường lùa trâu bò vào khu vực mỏ sắt chăn thả.

Tại các hồ nước đọng xung quanh mỏ hàng ngày có nhiều người vào câu cá.

Vừa qua, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã gửi Bộ Kế hoạch Đầu Tư văn bản góp ý dự thảo phương án xử lý tổ hợp dự án khai thác, tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê, huyện Thạch Hà. Tỉnh đề nghị Bộ báo cáo, đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét chấm dứt dự án trước tháng 5/2021.

Theo đại diện tỉnh Hà Tĩnh, đến nay, Ban thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh "cân nhắc kỹ lưỡng nhiều mặt và nhất quán quan điểm chấm dứt".

Sau khi có chủ trương chấm dứt dự án, Hà Tĩnh cam kết thực hiện các nội dung Trung ương giao, "thu hồi diện tích 980 ha diện tích đất khu vực mỏ để điều chỉnh quy hoạch phục vụ phát triển du lịch và phát triển các lĩnh vực khác phù hợp".

Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 nêu rõ, tỉnh sẽ đóng mỏ ít nhất đến năm 2070 và khôi phục sử dụng đất theo hướng phát triển du lịch sinh thái, trung tâm đô thị, khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao...

Hùng Lê

Đánh giá phiên bản mới