Tôi là con út trong gia đình có 3 chị em. Bố mẹ tôi có mấy cửa hàng lớn bán hàng điện tử, vài ngôi nhà mặt phố cho thuê. So với nhiều người khác, tôi có thừa đủ những điều kiện để trở thành kỹ sư, bác sĩ hay luật sư. Chị cả và anh trên tôi đã làm được điều đó. Bố mẹ tôi không được học nhiều nhưng không tiếc tiền đầu tư cho con.
Anh chị tôi đã làm bố mẹ mát mặt khi cả hai du học nước ngoài và có tấm bằng thạc sĩ. Chỉ còn tôi, đứa con út được cưng chiều hết mực thì lại thành kẻ bỏ đi. Tôi nghiện ma túy.Những lúc tỉnh táo, tôi cũng muốn làm lại từ đầu vì luôn cảm thấy có lỗi với mọi người. Nhưng khi thèm thuốc, tôi quên tất cả. Cùng với thời gian, lượng ma túy tôi dùng cũng nhiều hơn và để có được cảm giác phê, bạn bè còn bảo tôi thử dùng ma túy hòa với một số loại tân dược khác rồi chích vào tĩnh mạch...
Không nói mọi người cũng biết bố mẹ tôi khổ sở, nhục nhã thế nào vì có đứa con như tôi. Bố mẹ đã tìm đủ mọi cách cho tôi cai nghiện nhưng chỉ được một thời gian, tôi bập trở lại, với mức độ nghiêm trọng hơn.
Một ngày đầu năm 2007, tôi nghe nói về việc một số người sang thành phố Q. ở Trung Quốc mổ não cai nghiện vì theo họ, đây là biện pháp hiệu quả nhất, giúp người nghiện vĩnh viễn đoạn tuyệt với ma túy.
Tuy rất nghi ngờ về biện pháp này nhưng bố tôi vẫn quyết định: Một thằng con như tôi thì trước sau cũng chết: hoặc là chết vì kiệt sức, bệnh tật; hoặc là chết vì tù tội. Cứ cho mổ não, dù tôi có thành thằng dặt dẹo, ngu ngơ suốt ngày lang thang nhặt lá cây cũng được. Miễn là tôi không chết và từ bỏ được ma túy.
Qua một số người cùng cảnh ngộ khác, tôi làm quen với anh Minh. Khi biết bố mẹ tôi có ý định cho tôi mổ não, anh đến thuyết trình một buổi về tính hiệu quả của biện pháp này.
Mấy ngày sau, anh đèo đến nhà tôi ông Quyết, ngoài 60 tuổi, cán bộ nghỉ hưu, trước đây từng học và làm việc bên Trung Quốc. Ông Quyết cho cả nhà tôi xem đĩa DVD ghi lại toàn bộ quá trình mổ não. Thú thật, từ bé tới giờ tôi chưa một lần vào bệnh viện nên khi xem chiếc đĩa đó, tôi rất choáng, mấy lần suýt nôn.
Ông sẽ là người trực tiếp đưa tôi sang đó và trở về khi công việc hoàn tất. Vì ông có quan hệ tốt với bệnh viện bên đó nên được giải phẫu ngay, không phải xếp hàng như nhiều trường hợp khác. Để gia đình tôi hoàn toàn bị thuyết phục, ông còn cho địa chỉ 2 người vừa từ bên đó về để chúng tôi kiểm chứng.
Sau một tuần suy nghĩ, bố mẹ quyết định cho tôi giải phẫu. Lần thứ hai, ông Quyết đến nhà và đưa ra những điều khoản cụ thể hơn: Trước khi sang đó, tôi phải cắt cơn hoàn toàn (thử nước tiểu cho kết quả âm tính); chi phí trọn gói cho cuộc phẫu thuật tính ra tiền Việt Nam là 280 triệu đồng; thời gian ở bên đó tối đa là một tháng, tùy thuộc vào sức khỏe của bệnh nhân; một người trong gia đình được phép đi cùng nhưng phải tự túc; xong việc, coi như chấm dứt “hợp đồng”, ông Quyết không có trách nhiệm gì nếu có trục trặc xảy ra.
Tôi bị xích chân một tuần liền để uống thuốc cắt cơn. Gia đình đã thuê riêng một bác sĩ đến nhà chăm sóc cho tôi. Sau đó, ông Quyết đến và thử nước tiểu. Thấy cho kết quả âm tính, ông bảo xích chân tôi tiếp 2 ngày để ông điện sang bên kia đăng ký. Mọi thủ tục giấy tờ ông lo hết.
Rồi anh Minh đến nhà, viết giấy nhận tiền (không nói rõ lý do) và yêu cầu bố mẹ tôi nộp đủ 280 triệu đồng. Sau 2 ngày, một chiếc ôtô đến đón tôi và anh trai đi. Trên xe có ông Quyết và lái xe. Đến Lạng Sơn, chúng tôi đi bằng ôtô khác vào địa phận Trung Quốc. Sau 12 tiếng, xe đến thành phố Q.
Tôi và ông Quyết được dẫn vào bệnh viện, anh tôi phải ở ngoài vì theo lời ông, sau khi mổ, tôi mới được phép gặp người nhà. Ông Quyết đã thuê cho anh tôi một phòng ở khách sạn gần bệnh viện. Tôi được đưa lên một phòng trên tầng 12, 13 gì đó.
Từ trên cao nhìn xuống có vẻ như đây là một bệnh viện nằm ở ngoại vi thành phố. Cả ngày hôm đó và hôm sau, người ta tiến hành hàng loạt xét nghiệm với tôi. Ông Quyết luôn bên tôi để phiên dịch và trao đổi với các bác sĩ, y tá. Tối đến, ông nghỉ ở một phòng ngay cạnh để có việc gì tôi nhờ ông giúp.
Khi làm xét nghiệm, tôi để ý khá đông người cũng chấp nhận mổ não như tôi. Trong đó, có 5-6 người Việt Nam tụ tập, trò chuyện ở cuối hành lang. Nghe họ trao đổi thì biết họ là người miền Nam. Bên ngoài, anh tôi muốn nắm thông tin gì đều phải trao đổi qua điện thoại di động.
Chiều ngày thứ 3, tôi bị cạo trọc đầu để sáng hôm sau lên bàn mổ. Tôi được mổ sớm như vậy vì theo lời ông Quyết, các chỉ số sau khi xét nghiệm của tôi khá tốt và do ông có quan hệ thân thiết với bệnh viện. Sang ngày thứ tư, tôi dậy từ sớm.
Tất cả chuẩn bị sẵn sàng để vào phòng giải phẫu. Tôi ký vào một tờ giấy chấp nhận cho giải phẫu. Ông Quyết dặn tôi nhiều lần, phải bình tĩnh, cuộc phẫu thuật rất đơn giản và tôi sẽ sớm hồi phục.
Họ chụp quanh đầu tôi một chiếc lồng rồi từng ốc vít được siết lại khiến tôi đau kinh khủng. Thuốc mê bắt đầu ngấm. Tôi lờ mờ thấy mình được đẩy vào một gian phòng rộng, sáng choang.
Tất cả những gì diễn ra sau đó tôi không biết, nhưng nếu như toàn bộ quá trình giải phẫu tiến hành như trong chiếc đĩa DVD mà tôi và gia đình được xem thì việc mổ xẻ khá lâu, mổ bằng tia laser nhằm “xóa” đi vùng thần kinh gây cảm giác thèm ma túy.
Tôi tỉnh dậy lúc 17h. Đầu vẫn đau nhức như búa bổ, miệng đắng ngắt. Cái cảm giác về chiếc lồng với những ốc vít siết chặt vào thái dương khiến tôi mấy lần chực nôn. Tôi nằm bất động như thế cho đến ngày hôm sau mới thấy đỡ.
Định bước xuống giường để ra ra ban công thì choáng, hai chân không đứng nổi. Anh tôi phải dìu đi từng bước một. Mãi đến chiều ngày thứ 5, tôi mới ăn được vài thìa cháo.
Sức khỏe tôi dần dần hồi phục. Suốt một tuần tiếp theo trong bệnh viện, tôi chỉ uống thuốc, nghỉ ngơi. Có anh tôi bên cạnh nên tôi không phải nhờ vả gì ông Quyết. Tôi cũng không gặp ông nhiều vì ông bảo có việc bận với những bệnh nhân khác và tranh thủ đi thăm một vài người bạn trong thành phố.
Đến ngày thứ 15, chúng tôi về nước. Trước khi ra ôtô, vị bác sĩ già (là người giải phẫu cho tôi) nói: "Trong việc cai nghiện ma túy, không có một biện pháp nào là tối ưu cả, kể cả mổ não. Nếu thành công thì chỉ được 60-70%. Có thể có những biến chứng về sau, tất cả tùy thuộc vào bệnh nhân. Nếu anh ta tái nghiện, có thể sẽ chết ngay hoặc có những biểu hiện thần kinh khác". Ông bắt tay tôi, chúc tôi lên đường bình an và cố gắng đoạn tuyệt ma túy.
Đến hôm nay, 5 tháng đã trôi qua, tôi không hề có cảm giác thèm ma túy. Kể cả thuốc lá. Trước, đây tôi đốt hơn một bao Vinataba một ngày, giờ cũng bỏ hẳn. Bạn gái tôi rất mừng về điều này. Hàng ngày, tôi dậy sớm, tập thể dục rồi ăn sáng, ra cửa hàng với bố mẹ. Tôi muốn thay đổi cuộc sống của mình.
Điều còn lại tôi muốn nói với mọi người bằng bài học từ cuộc đời mình, rằng hãy tránh xa ma túy. Sẽ không có một tương lai nào cho người nghiện cả, nếu anh không tự cứu mình thì chẳng ai có thể cứu được anh!
Khi tôi chấp nhận mổ não cai nghiện, tôi đã đánh cược với số phận và lúc đó cay đắng hiểu rằng, tính mạng của thằng nghiện sao mà rẻ thế? Cả nhà tôi đều biết, chúng tôi ra đi như vậy không thể coi là đi bằng “con đường chính quy”, chính xác hơn là vật thí nghiệm, chấp nhận mọi sự rủi ro, thậm chí thiệt mạng, mất tiền.
Có thể sau này, khoa học phát triển sẽ mở ra nhiều biện pháp cai nghiện tốt hơn, và việc mổ não sẽ có những kết quả khả quan hơn, nhưng điều cuối cùng tôi vẫn muốn nhắc lại với mọi người: đừng bao giờ dính vào ma túy, nó sẽ hủy hoại anh và những người thân. Đó là bi kịch lớn nhất cho những ai dính vào ma túy.
* Tên nhân vật trong bài đã thay đổi
(Theo An Ninh Thủ Đô)