![]() |
Có một người đến thắp nhang chia buồn với gia đình Năm Cam tại tư gia vào chiều 3/6 và nói rằng ông đã tình cờ nghe được những thông tin của gia đình như sau: Buổi sáng ở pháp trường, sau khi việc an táng các xác tử tội tại khu vực nghĩa địa theo quy định vừa hoàn tất thì có người đến gợi ý "nếu muốn đưa xác Năm Cam về thì chi 500 triệu đồng". Và tương tự như vậy, cái giá đối với Nguyễn Hữu Thịnh, cháu ruột Năm Cam, là 300 triệu đồng. Do không chuẩn bị kịp tiền nên "hợp đồng" nói trên không được thực hiện trong ngày hôm ấy. Nhưng sau đó một tuần, khi ông liên lạc lại bằng điện thoại thì được biết là các con Năm Cam đã đưa được xác cha về hỏa táng, không biết là đã tốn bao nhiêu tiền... Ngoài những thông tin trên, sau đó chúng tôi còn nghe râm ran thêm rằng số tiền cụ thể mà các con Năm Cam bỏ ra cho "hợp đồng" nói trên là 140 triệu đồng. Rồi mới đây cũng có người nói 70 triệu đồng... Dù biết rằng đối với gia đình, thân nhân các tử tội thì đấy là những thông tin tế nhị song vì "tính chất bất thường" của nó, phóng viên Thanh Niên đã đi tìm một sự xác nhận từ phía những người trong cuộc và cơ quan chức năng. Thân nhân các tử tội không xác nhận bất cứ một tình tiết nào chung quanh những lời đồn đại nói trên, còn các cơ quan chức năng thì dường như cũng rất... mơ hồ. Đại diện công an TP HCM khi trả lời các phóng viên tại cuộc họp báo sáng 3/6 do TAND TP HCM tổ chức thì nói rằng: “Nếu gia đình các tử tội có nhu cầu đem xác thân nhân về thì liên hệ với chính quyền địa phương tại khu vực nghĩa địa trường bắn và được giải quyết thôi". Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hoàn, Chủ tịch UBND phường Long Bình, quận Thủ Đức, là đại diện cao nhất của "chính quyền địa phương tại khu vực nghĩa địa trường bắn" thì hầu như hoàn toàn bất ngờ khi nghe nói như vậy. Ông Hoàn nói trước máy ghi âm của chúng tôi: "Báo cáo thật với các anh, về mặt pháp lý, phường chỉ quản lý về mặt hành chính nhà nước. Chứ từ trước đến nay những văn bản quy định, giao trách nhiệm... hoàn toàn không có. Mỗi lần xử bắn, công an thành phố, công an quận thông báo cho công an phường, công an phường báo lại cho Ủy ban để kết hợp bảo vệ trật tự và chứng kiến việc xử bắn thôi". Ông Hoàn làm Chủ tịch phường Long Bình đến nhiệm kỳ thứ hai, có thể nói là "ở lâu" và nắm rất chắc địa bàn do mình phụ trách. Nhưng quả thật, với "tình trạng pháp lý" của nghĩa địa trường bắn như hiện nay mà "buộc" trách nhiệm đối với Chủ tịch phường trước những tin đồn này nọ thì cũng không ổn. Ngày thường đây chỉ là một khu vực đồi hoang rộng chừng 4 hecta, không có hàng ràng bảo vệ và cũng không có người quản lý. Sau khi kết thúc việc thi hành án tử hình, Chủ tịch Hội đồng thi hành án thành phố tuyên bố bàn giao các xác tử tội lại cho chính quyền địa phương tổ chức chôn cất, kèm theo đó là hòm, chiếu... và một khoản kinh phí khoảng 200 ngàn đồng/xác tử tội. Chính quyền địa phương cũng không có ban mai táng chuyên nghiệp nên tiếp tục giao lại việc này cho những người lao động tự do theo một hợp đồng khoán việc. Và những người giải quyết công đoạn cuối cùng này thấy chỗ đất nào còn trống thì đào huyệt chôn xác, chứ cũng không ai cắm mốc khu vực nghĩa địa tới đâu... "Đến nay chưa có quy định nào của Nhà nước về việc quản lý các nghĩa địa chôn xác tử tội, cũng không có quy định nào buộc gia đình các tử tội phải để xác thân nhân nằm tại nghĩa địa trường bắn trong thời hạn 2 năm, 3 năm... như một số lời đồn đại”. Chánh án TAND TP HCM Bùi Hoàng Danh nói. Chung quanh những thông tin về các khoản tiền mà gia đình các tử tội bỏ ra thực hiện các "hợp đồng" bốc xác thân nhân, Chủ tịch Nguyễn Văn Hoàn cho biết: "Cũng có nghe đồn, nhưng mà có chính xác hay không, lực lượng nào thực hiện... thì phường cũng không nắm được. Hơn nữa, sự thật về những tin đồn ấy tới đâu thì rõ ràng cũng vượt quá thẩm quyền của phường”. Trở lại với thực tế tại nghĩa địa trường bắn, 5 ngôi mộ với 5 chiếc cọc gỗ có đề tên họ và các chi tiết về ngày tháng năm sinh của 5 tử tội hôm 3/6 nay chỉ còn lại duy nhất một mình ngôi mộ của Nguyễn Việt Hưng (tức Hưng "phi nhon"). Và bia mộ còn lại đó cũng đã được xây lại bằng xi măng, quét vôi trắng. Mộ của Năm Cam, Lai Em, Minh "bưu" cũng như một số tử tội khác từng được dư luận chú ý như Tăng Minh Phụng, Trần Quang Vinh... cũng không còn tại khu nghĩa địa này. Và những tin đồn chung quanh các khoản tiền mà thân nhân họ phải bỏ ra để di dời cứ âm ỉ nổi lên, người thì nói vợ con Tăng Minh Phụng phải tốn 400 triệu đồng, kẻ lại bảo là 300 triệu... nhưng hoàn toàn không một ai dám chắc đấy là sự thật. Sự thật chắc chắn là các cơ quan Nhà nước, từ tòa án, công an cho đến chính quyền địa phương hoàn toàn không thu bất cứ khoản tiền nào từ việc di chuyển xác chết của các tử tội. Còn việc ai đó có lợi dụng Nhà nước chưa có quy định và sự thiếu hiểu biết về luật pháp của thân nhân các tử tội để trục lợi hay không là một chuyện khác. Trong trường hợp này cũng không loại trừ những tin đồn thất thiệt nhằm xuyên tạc, làm mất uy tín các cơ quan bảo vệ pháp luật. |