Tiêu huỷ lợn sữa bệnh. |
Sáng 25/7, tại huyện Thăng Bình, vùng rốn dịch bệnh tai xanh ở lợn tại tỉnh Quảng Nam, lực lượng kiểm tra liên ngành phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm của huyện vừa phát hiện một số lượng lớn lợn sữa bị dịch bệnh được các lái lợn trong vùng mổ thịt, ướp đá để chuẩn bị vận chuyển vào TP HCM tiêu thụ. Thông tin này cũng nhanh chóng lan ra làm xôn xao cả thị trấn Hà Lam và các vùng lân cận.
Đến Trạm Thú y huyện Thăng Bình đúng vào lúc lực lượng liên ngành cùng với các cán bộ Trạm Thú y và đại diện chính quyền thị trấn Hà Lam chuyển các thùng xốp đựng lợn sữa ướp đá từ nhà kho ra để xử lý, tiêu độc, khử trùng đưa đi tiêu hủy. Những thùng lợn sữa ướp đá được mang đi tiêu hủy ở khu nghĩa địa cách địa điểm Cây Cốc trên tuyến QL1A chừng 5 cây số…
Tại khu nghĩa địa này, lực lượng cán bộ huyện và xã huy động nhân dân quanh vùng ra đào hố để thực hiện công tác tiêu hủy và chôn lấp số lợn sữa đã được xẻ thịt ướp đá kia.
Theo ông Trần Tùng, Đội trưởng Đội liên ngành phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm huyện Thăng Bình, khuya 24/7, lực lượng liên ngành tuần tra đến địa phận Cây Cốc thì phát hiện phía sau nhà ông Lai, trú ở tổ 14, thị trấn Hà Lam, có nhiều người bỏ chạy. Qua kiểm tra, tổ công tác đã thu được tại đây 5 thùng xốp, bên trong có đựng lợn sữa đã làm thịt ướp đá. Tổng số lợn sữa tịch thu trong đêm 24/7 hơn 80 con…
Trước đó, vào đêm 18 rạng ngày 19/7, tại khu vực Cây Cốc, thuộc địa phận thôn Bình Hiệp, xã Bình Phục, huyện Thăng Bình, lực lượng liên ngành cũng phát hiện phía sau vườn nhà ông Nguyễn Kim Diêu và cụm rừng gần đó, có cất giấu 556 con lợn sữa đang còn sống trong hàng chục cái rọ.
Khi tịch thu số lợn sữa này đưa đi tiêu hủy, các cán bộ liên ngành đã bị các đối tượng nấp trong cụm rừng ném đá chống đối.
Qua xác minh, điều tra sơ bộ, lực lượng liên ngành xác định: Số lợn sữa này được các lái lợn mua lại trong vùng dịch bệnh, đưa về đây tập kết để thuê ôtô chở vào TP HCM tiêu thụ…
Bà Hoàng Thị Chiến, Trưởng trạm Thú y huyện Thăng Bình, cho hay: Dịch bệnh tai xanh ở lợn vẫn đang hoành hành trên địa bàn 19 xã, thị trấn huyện Thăng Bình.
Đến nay, Cục Thú y vẫn chưa có phác đồ điều trị loại dịch bệnh này. Bà Chiến bày tỏ sự quan ngại về việc trong vùng rốn dịch tai xanh ở lợn đã hình thành đường dây lái buôn xẻ thịt lợn sữa bị bệnh đưa vào các tỉnh phía Nam, chủ yếu là TP HCM tiêu thụ.
Việc làm liều lĩnh này của các lái buôn nhằm mục đích thu lợi bất chính, song rất nguy hiểm. Vì nó sẽ làm lây lan nhanh dịch bệnh tai xanh ở lợn ra khắp các tỉnh, thành phía Nam. Đặc biệt, dịch bệnh tai xanh là "bước đệm" dẫn đến dịch bệnh liên cầu lợn, gây nguy hại cho sức khỏe cộng đồng.
Thịt lợn ế ẩm, các sản phẩm khác tăng giá đột biến
Tại TP Đà Nẵng, sự tẩy chay, thờ ơ với sản phẩm từ thịt heo thể hiện rất rõ tại tất cả các điểm chuyên kinh doanh buôn bán thịt gia súc, gia cầm ở các chợ lớn như chợ Hàn, chợ Cồn, Đống Đa từ khi UBND TP công bố bùng phát dịch bệnh đến nay các sạp hàng bán thịt heo ở các chợ Hàn, chợ Cồn, chợ Đống Đa đang lâm vào tình trạng ế ẩm...
Hiện toàn thành phố chỉ còn 2 điểm giết mổ lớn. Một tình trạng chung là trên 50% các quầy kinh doanh thịt heo tại các chợ Cồn, Đống Đa, chợ Hàn 3 ngày nay đã phải đóng cửa hoặc nghỉ hẳn vì không bán được thịt. Số còn lại chỉ bán theo kiểu cầm chừng và mặc dầu thịt heo được bày bán đều có đóng dấu kiểm định nhưng người dân vẫn tỏ ra e ngại. Hiện nhiều tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại các chợ này đã làm đơn kiến nghị xin được giảm thuế trong thời gian diễn ra dịch bệnh.
Trong khi người tiêu dùng đang tẩy chay thịt lợn và chuyển qua sử dụng thay thế bằng những mặt hàng khác như thịt bò, thịt gia cầm... thì hiện tại các mặt hàng này đang có dấu hiệu tăng giá đột biến.
Trước tình hình đó, UBND TP đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường thành phố phân công cán bộ trực tiếp xuống thường trực tại các vị trí quan trọng, các điểm thu mua tại các chợ để tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ nhằm bình ổn giá cả tiêu dùng cho người dân.
Trước đó, ngày 24/7, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Thứ trưởng Bùi Bá Bổng dẫn đầu đã đi kiểm tra tình hình phòng chống bệnh tai xanh ở lợn trên địa bàn Đà Nẵng. Sau khi nghe Ban chỉ đạo phòng chống dịch địa phương báo cáo và qua thị sát tại một số cơ sở chăn nuôi có heo bị nhiễm bệnh, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng đã chỉ đạo khẩn trương tiêu huỷ 81 con heo bị bệnh đã điều trị nhiều ngày chưa khỏi, số heo mới nhiễm cũng tiếp tục tiêu huỷ.
Đồng chí lưu ý, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và kéo dài, Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố kết hợp với các địa phương cần tăng cường các biện pháp dập dịch hiệu quả, sớm đẩy lùi dịch bệnh trên địa bàn.
(Theo Công An Nhân Dân)