Và những ngành nghề kinh doanh dịch vụ văn hóa “nhạy cảm” như karaoke, vũ trường, trò chơi điện tử... sẽ đối mặt với những quy định mới chặt chẽ, ngặt nghèo hơn.
Mỗi phòng hát chỉ được một tiếp viên
Ngày 18/1, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành NĐ số 11/2006/NĐ-CP “Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng”.
Một trong những vấn đề được người dân và giới doanh nghiệp quan tâm là những quy định mới về hoạt động karaoke. Từ trước đến nay, các địa điểm karaoke thường làm cửa ra vào bằng gỗ ốp vật liệu cách âm, ở giữa để một ô nhỏ bằng kính để từ ngoài có thể nhìn vào phòng.
Nhưng theo cơ quan quản lý, quy định như thế vẫn tạo kẽ hở cho những cơ sở karaoke cố tình lợi dụng để làm trò đồi truỵ. Vì vậy, tại khoản 3 điều 38 của NĐ quy định rõ: “Cửa phòng karaoke là cửa kính không màu, bên ngoài có thể nhìn thấy toàn bộ phòng”, “Không được đặt khóa, chốt cửa bên trong hoặc đặt thiết bị báo động để đối phó với hoạt động kiểm tra của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền”.
Theo đó, hàng nghìn cơ sở karaoke hiện nay phải thay toàn bộ cửa nếu tiếp tục hoạt động. Một điểm rất mới liên quan đến thành lập cơ sở karaoke trong NĐ này là “Địa điểm hoạt động karaoke trong khu dân cư phải được sự đồng ý bằng văn bản của các hộ liền kề”, chứ không phải như trước đây, cá nhân, tổ chức nào thành lập cơ sở trong khu vực dân cư chỉ đáp ứng đầy đủ hồ sơ, quy định là có thể được.
Theo ông Phan An Sa, Chánh Thanh tra Bộ VH-TT, sở dĩ quy định như vậy là vì, trong nhiều năm qua, không ít hộ dân liền kề liên tục có đơn thư khiếu kiện lên các cơ quan chức năng, chính quyền vì độ ồn, gây mất trật tự an ninh khu phố và ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của người dân.
Thêm vào đó, NĐ cũng quy định rất rõ ràng, “Mỗi phòng karaoke chỉ được sử dụng một nhân viên phục vụ từ 18 tuổi trở lên; nếu nhân viên phục vụ là người làm thuê thì phải có hợp đồng lao động và được quản lý theo quy định”.
Ngoài ra NĐ cũng nghiêm cấm không được bán rượu hoặc để cho khách uống rượu trong phòng karaoke và không được hoạt động sau 12 giờ đêm đến 8 giờ sáng.
Nhà văn hóa, trung tâm văn hóa được kinh doanh vũ trường
Khi đọc điều 31 “Khách sạn, nhà văn hóa, trung tâm văn hóa kinh doanh vũ trường phải có điều kiện theo quy định tại điều 32, các khoản 2 và 3 điều 34 Quy chế này và được Sở Văn hóa-Thông tin sở tại cấp giấy phép kinh doanh mới được hoạt động” nhiều người tỏ ra ngạc nhiên, là vì sao “Nhà văn hoá, trung tâm văn hóa” lại được cho phép kinh doanh hoạt động vũ trường.
Nhà văn hóa, trung tâm văn hóa là một trong những thiết chế văn hóa cơ sở quan trọng, là nơi dành cho cộng đồng sử dụng để hội họp, sinh hoạt văn hóa và truyền bá kiến thức, pháp luật. Khi chúng tôi đặt câu hỏi này với những người có trách nhiệm thì chỉ nhận được câu trả lời, “NĐ quy định như thế nào thì thực hiện như thế”.
Và nữa, trước đây, Sở Kế hoạch-Đầu tư là nơi cấp giấy phép đăng ký kinh doanh thì nay đã chuyển sang các Sở VHTT. Theo tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ có quy định này là vì trước đây việc cấp giấy phép kinh doanh của cơ quan chức năng không thông báo với ngành văn hóa nên rất khó “truy tìm” mỗi khi đi kiểm tra.
Đối với những điều khoản quy định về hoạt động vũ trường, NĐ chỉ rõ: “Nghiêm cấm các hành vi nhảy múa thoát y hoặc các hành vi khác có tính chất khiêu dâm, môi giới và mua, bán dâm hoặc sử dụng ma tuý tại vũ trường”.
Những vấn đề đặt ra khi NĐ có hiệu lực
Từ nay cho đến khi NĐ 11 có hiệu lực chỉ còn lại mấy ngày. Và đây cũng là khoảng thời gian các chủ kinh doanh karaoke, vũ trường, trò chơi điện tử phải có những thay đổi nhất định cơ sở của mình.
Trước hết, địa điểm karaoke, vũ trường phải cách xa trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo 200m. Những cơ sở kinh doanh, vũ trường đã hoạt động từ trước hiện rất lo lắng vì phải di chuyển địa điểm.
Còn nếu không thì phải xử lý như thế nào đối với những trường hợp không đảm bảo quy định theo NĐ. Về vấn đề này, ông Phan An Sa cho biết, phải chờ đến cuộc họp của Bộ VH-TT tới đây mới có câu trả lời chính thức.
Theo NĐ, các cá nhân, tổ chức muốn thành lập cơ sở karaoke, vũ trường phải hội đủ những điều kiện được quy định, nhưng liệu rằng họ có được cấp mới, thành lập mới khi Chỉ thị 17 của Chính phủ đang đề nghị tạm dừng đối với ngành nghề kinh doanh này.
Trả lời câu hỏi “Lộ trình thực hiện NĐ này như thế nào”, ông Phan An Sa cho biết, sắp tới Bộ VH-TT sẽ có Thông tư hướng dẫn chi tiết, bởi vậy tạm thời vẫn hoạt động như cũ.
Hoạt động trò chơi điện tử: Không quy định diện tích phòng
Dạo qua nhiều cửa hàng kinh doanh trò chơi điện tử, một điểm chung dễ nhận thấy nhất là diện tích phòng quá chật hẹp. Để có thể đặt được nhiều máy vi tính, chủ cơ sở đã nhồi nhét hàng chục máy vào một diện tích chỉ hơn chục mét vuông. Điều này không chỉ dẫn đến dễ cháy nổ mà còn dễ tạo ra sự xích mích giữa những người chơi. Vụ xích mích trong một quán chơi điện tử dẫn đến chết người tại phố Đội Cấn (Hà Nội) vào cuối năm ngoái là một trong những vụ việc điển hình. Thế nhưng, trong NĐ này không quy định diện tích phòng như ở phần karaoke và vũ trường. Theo Nghị định 11, các cửa hàng điện tử phải cách các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông từ 200m trở lên; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Khi hoạt động, tổ chức, cá nhân kinh doanh trò chơi điện tử không được hoạt động quá 11 giờ. |
(Theo Tiền Phong)