Bệnh nhi 4 tháng tuổi sau ca mổ tim. |
Ngày 23/2, cháu bé nói trên nhập viện trong tình trạng ho khò khè, khó thở. Các bác sĩ xác định đây là triệu chứng viêm phổi trên bệnh lý tim và quyết định mổ gấp vì bệnh nhân luôn trong tình trạng sốt nặng. Có nhiều dạng bệnh lý tim bẩm sinh như bất thường mạch máu, thông liên nhĩ, thông liên thất... Bệnh nhi này thuộc trường hợp tồn tại ống thông giữa động mạch chủ và động mạch phổi bên trái, làm máu ở tim luôn tống ngược lên phổi.
Từ trước đến nay, các trường hợp cần mổ do bệnh tim bẩm sinh đều được chuyển sang Viện Tim điều trị. Nhưng trong vòng 8 tháng qua, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã tự chữa cho hơn 60 trẻ mắc bệnh lý này, góp phần giảm tình trạng quá tải nghiêm trọng của Viện Tim và giúp bệnh nhi không phải chờ quá lâu mới đến lượt mổ. Các bác sĩ đang hướng đến mổ tim cho trẻ sơ sinh để hạn chế những biến chứng trong tương lai.
Bác sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc bệnh viện, cho Người Lao Động biết, mổ tim cho trẻ sơ sinh là bước đệm để cơ sở này mổ tim hở cho những trường hợp mắc bệnh bẩm sinh nặng hơn. Với những ca tồn tại ống thông động mạch giữa tim và phổi như cháu bé trên, các bác sĩ vẫn giữ cho quả tim của trẻ đập trong lúc mổ (mổ tim kín). Nhưng với những trường hợp dị tật phức tạp bên trong tim, phẫu thuật viên phải xẻ quả tim ra để điều trị. Khi đó, tim ngừng đập hoàn toàn và cơ thể được hoạt động bằng hệ thống hô hấp tuần hoàn bên ngoài.
Theo bác sĩ Đào Trung Hiếu, trẻ càng nhỏ tuổi, việc mổ tim càng đòi hỏi kỹ thuật cao, phương pháp gây mê khó hơn (để tránh rối loạn tuần hoàn máu). Nguy hiểm hơn, nếu động mạch không được khâu kín sẽ có thể xảy ra máu và bệnh nhi tử vong ngay trên bàn mổ. Tuy nhiên, ở bệnh nhân càng nhỏ tuổi, độ đàn hồi của mạch máu càng cao nên nguy cơ vỡ mạch thấp hơn so với người lớn. Thông thường, sau khi phẫu thuật vài ngày, trẻ phục hồi hoàn toàn như trẻ bình thường.