Cơ sở 134/1 do Công ty Mười xây dựng từ tiền của các đơn vị kinh doanh. |
Mới đây, lãnh đạo Trung tâm thương mại (TTTM) quận 10, TP HCM, đã có buổi làm việc cùng các đơn vị, công ty đang kinh doanh tại chợ sỉ thuốc tây để thông báo về việc di dời sang kinh doanh tại địa điểm mới (số 134/1 Tô Hiến Thành, phường 15, quận 10).
Theo thông báo, thì trước ngày 16/2/2007 (tức 30 Tết âm lịch) các đơn vị phải trả lại mặt bằng nơi đây. Cũng như những buổi làm việc trước đó, nhiều đơn vị kinh doanh tỏ ra không hài lòng về những điều không bình thường xung quanh chuyện di dời sang địa điểm mới. Theo đó, hầu hết các hộ kinh doanh đều không hài lòng về những điều khoản trong hợp đồng mới do bên cho thuê mặt bằng là Công ty cổ phần thương mại dịch vụ tổng hợp Mười (Công ty Mười) đưa ra, với nhiều bất lợi cho người thuê, như: giá cả quá cao, diện tích mặt bằng hẹp, phải đóng tiền ký quỹ...
Chợ sỉ thuốc quận 10 là khu kinh doanh dược phẩm (dạng bán sỉ) tập trung lớn nhất nước hiện nay, với gần 180 gian hàng (diện tích mỗi gian là 51m2). Vì sao các đơn vị, cá nhân kinh doanh tại đây lại không muốn dời sang địa điểm mới? Qua tìm hiểu biết được nhiều nguyên nhân, trong đó đáng chú ý nhất là chuyện Công ty Mười đã mượn danh nghĩa Nhà nước để huy động vốn của các đơn vị kinh doanh.
Sự việc diễn biến như sau: khoảng giữa năm 2005 lãnh đạo TTTM, quận 10 thông báo với các đơn vị kinh doanh là UBND quận 10 sẽ thu hồi khu đất của trung tâm để giao lại cho thành phố (thời điểm này, dược sĩ Mai Thị Khánh là Giám đốc TTTM quận 10); các đơn vị kinh doanh dược phẩm sẽ được dời về địa điểm mới tại 134/1 Tô Hiến Thành. Để có được một gian hàng tại đây, với diện tích sàn 48 m2 (gồm 24 m2 sàn, 24 m2 gác), mỗi hộ kinh doanh phải đóng 150 triệu đồng, chưa tính thuế VAT. Lúc này, hầu hết các đơn vị đều tưởng rằng địa điểm kinh doanh mới cũng là do đơn vị của Nhà nước như TTTM quận 10 quản lý, nên mọi người "vô tư" nộp tiền.
Không lầm tưởng sao được vì phiếu thu tiền đợt đầu (10 triệu đồng) có dấu mộc trên phiếu thu là của TTTM quận 10, do chính bà Mai Thị Khánh ký. Nhưng sau đó phiếu thu tiền đợt hai (sau khi các hộ đóng tiếp 140 triệu đồng) lại là dấu mộc của Công ty Mười, cũng do bà Mai Thị Khánh ký. (Lúc này bà Khánh đã nghỉ hưu, và chuyển sang làm Giám đốc... Công ty Mười). Ngay cả tên Công ty Mười không biết vô tình hay cố ý cũng dễ làm người ta nhầm tưởng với TTTM quận 10. Nhiều người nghi ngờ đây là sự "sắp đặt trước", vì Công ty Mười do bà Khánh làm giám đốc vừa được thành lập khoảng cuối năm 2005, cùng thời điểm bà Khánh nghỉ hưu.
Đóng 150 triệu đồng từ đầu năm 2006, để rồi hộ kinh doanh chỉ nhận duy nhất một cái phiếu thu. Mãi đến cuối tháng 9 mới đây, họ mới thấy "bóng dáng" bản hợp đồng. Lúc này mới biết có nhiều điều bất lợi cho mình, nhưng họ đã vào thế "kẹt" bởi tiền đã đóng rồi! Hợp đồng ghi: "Số tiền 150 triệu đồng/gian (chưa có thuế VAT) được thanh toán ngay sau khi đăng ký thuê mặt bằng và sẽ không được bên A (bên cho thuê) hoàn trả lại vì bất kỳ lý do nào"; rồi buộc bên thuê phải đóng một lúc 3 tháng liền tiền thuê mặt bằng (mỗi tháng 6 triệu đồng, chưa có VAT); rồi phí dịch vụ, phục vụ 240 nghìn đồng/gian/tháng (chưa VAT). Điều "lạ" nữa là hợp đồng ghi: "Gian hàng bên A cho bên B thuê thuộc tài sản của bên A", trong khi bên B là người phải bỏ tiền xây cất! Rồi còn phải đóng 10 triệu đồng/gian, gọi là tiền ký quỹ suốt thời gian thuê mặt bằng (19 năm). Khi thanh lý hợp đồng, nếu bên B không vi phạm các điều khoản đã nêu trong hợp đồng thì bên B sẽ nhận lại tiền ký quỹ. Thử hỏi giá trị 10 triệu đồng năm 2006 so với thời điểm 2025 (19 năm sau) sẽ thế nào?
Trong khi đó bên thuê đã đóng 150 triệu đồng để xây gian hàng rồi. 10 triệu/gian nhân với hơn 100 gian hàng là tiền tỷ, việc buộc đóng khoản tiền này khác nào mượn vốn?
Hiện đã có hơn 100 cá nhân, đơn vị đóng tiền (mỗi đơn vị 150 triệu đồng) cho Công ty Mười, đây là một khoản tiền không nhỏ. Lẽ ra Công ty Mười là đơn vị đầu tư mặt bằng thì phải tự bỏ tiền xây cất rồi cho thuê lại, và ai cho phép bà Khánh mượn danh nghĩa của TTTM quận 10 để huy động tiền xây dựng? Các hộ kinh doanh còn có một nỗi lo khác là không biết khu đất 134/1 mà Công ty Mười thuê lại của một đơn vị khác, tính pháp lý thế nào, có đảm bảo được kinh doanh lâu dài hay không?
Nguyện vọng của tất cả các đơn vị đang kinh doanh tại chợ sỉ thuốc quận10 là nếu UBND TP chưa sử dụng khu đất TTTM quận 10 thì cho các hộ kinh doanh ở đây tiếp tục được kinh doanh một thời gian nữa. Bất cứ khi nào thành phố có nhu cầu, họ sẽ chuyển sang khu mới. Riêng với Công ty Mười, phải hoàn trả lại tiền cho các hộ kinh doanh nào không muốn vào khu vực kinh doanh mới, vì ngay lúc đầu chính công ty này đã lợi dụng danh nghĩa TTTM quận 10, cố tình gây ngộ nhận cho họ.
(Theo Thanh Niên)