MLee sinh năm 1992, hoạt động nghệ thuật hơn 10 năm trong vai trò ca sĩ, ghi dấu với vẻ đẹp lai Tây cùng khả năng nhảy, đọc Rap. Cô cũng tham gia một số bộ phim trong vai phụ. Năm ngoái, người đẹp hâm nóng tên tuổi khi tham gia chương trình thực tế Chị đẹp đạp gió rẽ sóng và có tên trong top 7 chung cuộc. Sang tới năm 2024, cô gây bất ngờ khi ghi danh thi Miss Universe Vietnam. Bước ra khỏi cuộc thi nhan sắc đầu tiên, ca sĩ 32 tuổi trò chuyện với Ngôi Sao về những dấu ấn khác biệt trong một năm qua cùng ký ức tuổi thơ nhiều nước mắt.
- Dừng chân ở top 5 Miss Universe Vietnam, chị tiếc nuối điều gì?
- Ai đi thi cũng mong có thành tích, đó là chuyện rất bình thường. Khoảnh khắc tên mình không có trong top 3, tôi thoáng buồn, bởi tôi đã muốn làm tốt hơn để đáp lại tình cảm mọi người. Nhưng với tôi, hai tháng tham gia Miss Universe Vietnam là hành trình quá đẹp với nhiều bài học đáng giá.
Đến với cuộc thi hoa hậu, tôi ý thức mình là người mới, không có nhiều hành trang. Tôi chỉ biết cố gắng hết sức, thực hiện các phần thi thật chỉn chu và được đón nhận với tôi đã là hạnh phúc. Chị đẹp đạp gió rẽ sóng và Miss Universe Vietnam là dấu ấn lớn trong cuộc đời, giúp tôi nâng cao độ nhận diện. Một năm qua, đi diễn ở đâu tôi cũng được gọi là chị đẹp MLee, gần đây còn được gọi vui là "hoa hậu". Ngày xưa, nghệ danh MLee của tôi bị nhầm với chị Emily, hay tên thật Quách Tapiau Mai Ly càng khó làm khán giả nhớ. Tôi rất vui vì giờ được nhớ mặt, nhớ tên.
- Làm ca sĩ đã hơn 10 năm, tại sao chị lựa chọn thi hoa hậu?
- Thực ra tôi nhận được nhiều lời mời thi hoa hậu nhưng tôi đều từ chối. Hơn 10 năm qua, âm nhạc là mục tiêu duy nhất tôi muốn tập trung. Tới khi gặp lại H’Hen Niê tại Chị đẹp đạp gió rẽ sóng, tôi được truyền cảm hứng rất nhiều. Hen cho tôi những góc nhìn rất khác về danh xưng hoa hậu, thấu hiểu sứ mệnh cống hiến cộng đồng. Những điều Hen thể hiện rất khác với quan niệm "hoa hậu gắn với đại gia" của nhiều người.
Thứ tôi học được nhiều nhất ở Miss Universe Vietnam là ý thức thực hiện các dự án mang lại lợi ích cho cộng đồng, thay vì chỉ theo đuổi đam mê cá nhân như trước đây. Điều này cho tôi cảm giác sống ý nghĩa hơn.
Thực ra hơn 10 năm nay, tôi có làm thiện nguyện, nhưng chủ yếu là đóng góp một phần nhỏ trong các hoạt động của các đoàn thể, cá nhân khác. Tôi cảm nhận những người đẹp bước ra từ cuộc thi hoa hậu có thể dùng sức ảnh hưởng, mạng lưới quan hệ của mình để chủ động lan tỏa nhiều điều có ích hơn.
- Chị làm chuyên môn âm nhạc hơn 10 năm không thành sao hạng A, giờ tên tuổi được biết đến nhiều nhờ một chương trình truyền hình thực tế và một cuộc thi hoa hậu. Chị cảm nhận sao về sự khác biệt này?
- Tôi tin ai làm nghệ sĩ cũng trau dồi năng lực mỗi ngày. Bấy lâu nay, thứ tôi thiếu có lẽ là cơ hội phù hợp và một chút may mắn để bật lên. Tôi không chạnh lòng về điều này bởi chỉ cần độ nhận diện tốt, tôi đã rất vui rồi. Được nhìn nhận ở lĩnh vực nào, thời điểm nào cũng đáng quý.
- Chị nghĩ sao về ý kiến cho rằng ở Việt Nam, thí sinh các cuộc thi nhan sắc dễ gây chú ý, trong khi nghệ sĩ thuần túy hoạt động chuyên môn có thể chật vật nhiều năm?
- Ngoại hình đúng là yếu tố đầu tiên giúp nghệ sĩ gây ấn tượng với công chúng. Nhưng muốn biết ai đi đường dài hơn ai, chúng ta phải nhìn vào thực lực. Những người bước ra từ cuộc thi hoa hậu cũng thế, phải thấu hiểu và thực hiện sứ mệnh cộng đồng bằng trái tim mới giữ được sức hút lâu dài.
- Vậy bước ra khỏi Miss Universe Vietnam, chị ấp ủ những dự án cộng đồng nào?
- Ngay sau đêm chung kết, tôi kết nối với nhiều anh chị trong nghề để chung tay hỗ trợ đồng bào vùng bão ở miền Bắc. Mới đây, tôi khởi động dự án "Tủ đồ của em" với mong muốn kết hợp thời trang với thiện nguyện.
Tôi và êkíp kêu gọi quyên góp quần áo cũ, sau đó chọn lọc những bộ đồ đẹp để bán lại với giá trung bình 100.000 đồng. Toàn bộ tiền thu được sẽ chuyển thẳng tới Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Các món đồ còn tốt được tập hợp và đem tặng bà con. Những đồ đã quá cũ, không thể sử dụng sẽ được các nhà thiết kế tái chế.
Ngoài ra, tôi dành sự quan tâm lớn về sức khỏe tinh thần của các em bé cơ nhỡ. Với những trải nghiệm cá nhân, tôi tin mình có thể thấu hiểu tâm lý các em.
- Trải nghiệm đó như thế nào?
- Tôi có ba người Pháp, mẹ người Việt nhưng tôi không biết mẹ mình là ai. Lúc tôi 5 tuổi, ba tôi sang Canada định cư, thời gian tôi ở gần ba rất ít. Dù có ba mẹ nuôi thương yêu, tôi khó tránh được nỗi tủi thân lúc còn nhỏ. Sự vắng bóng của ba mẹ ruột để lại cho tôi sự tự ti, cảm giác luôn phải nhìn sắc mặt người khác để sống.
Không thể chia sẻ với ai, những cảm xúc tệ ở trong lòng tôi quá lâu, ảnh hưởng đến hành trình trưởng thành. Để được như bây giờ, tôi đã thực sự vất vả. Cho đến hiện tại, mỗi khi nhắc lại chuyện cũ, tôi vẫn thấy nghẹn lòng.
- Sự thiếu vắng tình thương ruột thịt khiến chị có những suy nghĩ tiêu cực, nổi loạn nào?
- Ký ức này không làm tôi nổi loạn, ngược lại còn là động lực để tôi nên người và học tốt. Ngày bé đi học, tôi rất sợ vẻ ngoài lai Tây khác biệt làm tôi bị các bạn ghét. Tôi cũng sợ nếu không ngoan và học giỏi, tôi sẽ bị bỏ rơi. Nhờ vậy, tôi sống có kỷ luật và nỗ lực từ bé.
May mắn của tôi là có ba mẹ nuôi yêu thương, nuôi dạy tử tế. Nhưng ngoài kia còn rất nhiều em nhỏ không được may mắn như vậy. Thiếu sự hoàn thiện trong tâm hồn, các em rất dễ bị cám dỗ, suy nghĩ lệch lạc, lựa chọn không đúng đắn. Các em rất cần người lớn ở bên dạy bảo, giúp hiểu được yêu thương là thế nào và hành xử ra sao là trao đi yêu thương. Là người lớn, tôi nghĩ mình có trách nhiệm với việc này.
- Chuyện thơ ấu ảnh hưởng thế nào về quan niệm làm vợ, làm mẹ của chị?
- Nó làm tôi thêm khát khao có một gia đình đầm ấm, nhưng càng làm tôi ý thức lựa chọn người đồng hành một cách thận trọng. Sau này kết hôn, tôi muốn bảo toàn sự ấm áp, môi trường trưởng thành lành mạnh cho các con tôi.
Phong Kiều thực hiện