![]() |
Món ăn kết hợp nguyên liệu cả miền biển và miền núi. |
Mít nổi tiếng và có lẽ ngon nhất là mít nghệ ở làng trái cây Đại Bường (làng Đại Bình, Quảng Nam). Cá chuồn chỉ có theo mùa hè, nên gặp dịp, làm sao lại có thể bỏ qua một tô canh cá chuồn cắt lát dày nấu mít non, thêm vài cọng rau quế với vài đọt ớt non.
Cá chuồn tanh tanh kèm với vị chát chát của mủ mít tự nhiên thấy hài hòa. Thế nhưng, đâu phải ai cũng có được cái cơ may gặp cả mít non và cá chuồn tươi. Dân miền núi ngày trước thì sẵn mít đấy, nhưng muốn có cá chuồn thì cũng ba bốn ngày đường, giao thông cách trở mà. Và ngược lại, dân miền biển muốn có mít non, cũng lâu không kém. Vậy là, hai bên phải đợi nhau, phải trông chờ vào "ai về" nên cá thì ươn, mít thì héo. Tiếc nuối cái công vận chuyển mít xuống - cá lên, tiếc nuối cái nồi canh mơ ước không thành, người dân xứ Quảng đã sáng tạo ra một món ăn là mít non kho cá chuồn.
![]() |
Cá chuồn sau khi làm sạch. |
Cá chuồn làm sạch ruột, giã củ nén, nghệ tươi, hành tím, ớt trái, muối hột, gia vị… nhét vào trong bụng, gấp đôi cá thành hình ếch ngồi, lấy lá chuối tươi tước sợi buộc cá lại. Khử dầu với hành củ đập giập, cho cá vào lấy mùi và thêm nước liền sau đó. Kho đi một lượt, cho mít non héo xắt hình tam giác nhỏ bằng hai ngón tay, thêm ít nước và đun sôi đi sôi lại, thêm gia vị là ăn được.
Món cá kho của người miền Trung thường đậm đà. Tuy nhiên, món mít non kho cá chuồn thường cho nước nhiều nên nhạt, có thể chan vào bún, mì thay cho nước lèo. Một món ăn đơn giản nhưng ẩn chứa trong đó là nghĩa tình giữa miền xuôi và miền ngược. Thông điệp "gởi xuống - gởi lên" là cách để giao hảo với nhau, để lưu luyến một cái tình thể hiện qua một món ăn.
Tiêu Phong