- Cuộc sống của anh thế nào trong những ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội?
- Hai năm gần đây, không chỉ cuộc sống của tôi mà hầu hết anh em nghệ sĩ đều rất khó khăn. Tất cả hoạt động từ âm nhạc đến kinh doanh phải dừng. Nếu làm, chúng tôi chỉ thực hiện online và chia nhỏ nhân lực để đảm bảo quy định chống dịch. Cũng chừng ấy thời gian, tôi chủ yếu ở trong nhà và chỉ khi cần mới ra ngoài. Những lúc dịch tạm lắng, tôi có tham gia vài chương trình truyền hình nhưng không nhiều. Thu nhập từ chạy show giảm sâu tới mức chỉ bằng 1/100 so với các năm trước. Điều này cũng dễ hiểu vì Covid-19 ảnh hưởng đến nền kinh tế khiến các doanh nghiệp cũng không còn kinh phí để tổ chức event và mời ca sĩ biểu diễn.
- Nhiều người gặp khó khăn tài chính trong năm qua, còn anh thì sao?
- Thu nhập của tôi trong hai năm Covid-19 rất thấp, chắc chỉ đủ trang trải ăn uống và điện nước. Tôi cầm cự cuộc sống nhờ vào khoản tiền tiết kiệm từ trước đây. Nhiều lúc cũng stress lắm nhưng nghĩ lại thấy mình còn may mắn. So với những người trong khu cách ly, người thất nghiệp thì ít nhất tôi vẫn được bình yên trong giai đoạn khó khăn này.
- Anh làm gì để giúp bản thân vượt qua những cảm xúc tiêu cực khi cùng đối mặt nhiều khó khăn như cuộc sống 'trong vòng hạn chế', nguồn tài chính cạn dần...?
- Bên cạnh biểu diễn, tôi có công việc khác là tổ chức sản xuất âm nhạc. Tôi tranh thủ thời gian nghỉ chống dịch để phác thảo các ý tưởng cho MV, TVC nhưng hiện tại chúng vẫn trên giấy vì doanh nghiệp chưa có tiền thực hiện và êkíp cũng không đi quay được do giãn cách xã hội. Tôi ngồi ở nhà cũng cố tìm việc để làm cho đỡ buồn. Tôi thu âm một số ca khúc của mình và để dành, chờ khi có dịp thích hợp sẽ giới thiệu đến khán giả.
Nhưng, điều khiến tôi stress hơn cả không phải những gì kể trên mà là tính nguy cấp của dịch bệnh. Ông bà tôi hiện đã ngoài 90 tuổi và sống ở TP HCM. Tôi rất lo lắng cho sức khỏe của ông bà và càng căng thẳng hơn mỗi khi lên mạng thấy họ cập nhật những thông tin và con số. Bố mẹ tôi hơn 60 tuổi, sống ở Hà Nội - địa phương cũng đang có nguy cơ trở thành điểm nóng Covid-19. Tôi chẳng mong gì ngoài sự bình an cho bản thân và gia đình vào lúc này.
- Anh điều chỉnh chi tiêu ra sao để phù hợp hoàn cảnh lúc này?
- Hiểu rằng lúc này chỉ có tiền ra mà không có tiền vào, tôi chọn cách sống tằn tiện hơn. Mặt khác, trong bối cảnh giãn cách xã hội thì cầm tiền cũng chẳng tiêu được gì ngoài các nhu cầu cơ bản như điện nước, đi chợ...
- Hà Nội áp dụng phát phiếu cho người dân đi chợ luân phiên từ 27/7. Anh trải nghiệm điều này thế nào?
- Từ đó đến nay, tôi đã hai lần đi chợ bằng phiếu. Ban đầu, tôi lo lắng vì không hiểu hình thức này có gây ra bất tiện nào không, nhưng tự nhủ phải thích nghi nên tôi cứ thực hiện đúng hướng dẫn. Chợ gần nhà tôi khá lớn, ngày đầu tiên họ cho phép đi xe máy vào từng gian hàng để mua đồ. Qua mỗi chốt kiểm dịch, tôi cần trình phiếu đi chợ và khi vào đến chợ sẽ bị thu lại phiếu. Vì số lượt đi chợ có hạn là ba ngày một lần, tôi phải ghi danh sách tất cả những món cần rồi tìm mua lần lượt để tránh bị sót. Hôm đó, tôi xách đồ khệ nệ vì tranh thủ mua cho nhiều ngày và đại gia đình của tôi cũng đông thành viên.
Hôm sau, các tiểu thương đã bổ sung tấm chắn giọt bắn cho mỗi quầy hàng và ban quản lý chợ cũng đưa ra quy định chặt chẽ hơn. Tôi phải gửi xe bên ngoài mới được vào và lại mua theo danh sách như bữa trước. Hai hôm ấy, thực phẩm ngoài chợ dồi dào, đủ cung cấp cho người dân nhưng giá cả leo thang. Hầu hết rau củ, trái cây, thịt, cá, đồ khô đều tăng giá chóng mặt.
- Nhiều người lấy niềm vui bên gia đình làm động lực vượt qua những đợt giãn cách xã hội. Anh chỉ có một mình khi Hà Nội lần lượt phong tỏa nhiều khu vực, anh thấy sao?
- Tôi sống một mình trong căn hộ riêng nhưng bố mẹ và gia đình người em lại ở cùng tòa nhà. Nhờ vậy, tôi vẫn được gần gũi người thân trong lúc dịch bệnh căng thẳng mà không bị mất không gian riêng tư. Sống độc thân cũng không có áp lực hay rào cản gì cả. Ít nhất là hiện tại, tôi vẫn thấy hài lòng với nó. Chỉ bố mẹ hay họ hàng thỉnh thoảng thấy lo lắng cho tôi mà thôi.
- Anh thấy sống độc thân ở tuổi 40 có gì thú vị?
- Sống độc thân rất tự do, tôi muốn gì thì làm mà không sợ ảnh hưởng người khác. Tôi cũng chủ động giờ giấc không phiền hà đến người xung quanh .
- Bên cạnh âm nhạc, đâu là nguồn vui lớn nhất cho anh trong thời gian này?
- Tôi có một đứa cháu lên 5 tuổi. Nhiều người bảo nó giống tôi nên tôi rất thích. Hiện tại, nó là tình yêu lớn nhất của gia đình nên hễ nó đi đâu vài ngày, cả nhà sẽ rất buồn vì nhớ nó. Gần đây, nó được nghỉ học vì giãn cách xã hội nên hai bác cháu có nhiều thời gian chơi cùng nhau. Tôi phát hiện cháu có năng khiếu âm nhạc nên thường dạy cháu những điều nó thích. Ngoài ra, tôi sẵn sàng nhận trông nom, cho cháu ăn, tắm rửa... khi bố mẹ nó bận rộn.
- Một số nghệ sĩ chọn cuộc sống độc thân nhưng vẫn sinh con. Anh yêu trẻ nhỏ vậy thì anh nghĩ sao về quan điểm này?
- Tôi tôn trọng quan điểm riêng của mỗi người. Về phần mình, đứa cháu kháu khỉnh đủ mang lại cho tôi những niềm vui hàng ngày. Tôi thấy hạnh phúc khi chăm sóc nó.
- Anh muốn bản thân đạt được những điều gì trong 10 năm tiếp theo?
- Thú thực tôi chưa bao giờ nghĩ xem trong 10 năm tới mình sẽ phải làm gì. Về nghệ thuật, tôi đã ở độ tuổi xế, không còn có thể hoạt động hăng say như các bạn trẻ. Nhất là giai đoạn này, khi dịch bệnh bùng phát, tất cả các hoạt động lớn nhỏ đều bị ngưng trệ. Tôi chợt nghĩ rất nhiều nghệ sĩ ở phía Nam, họ rất nổi tiếng và kiếm được bộn tiền nhưng lúc này thì ai cũng như ai, đều phải đứng im. Vậy nên trước mắt, với tôi, sức khỏe là quan trọng nhất.
Minh Quân sinh năm 1980 ở Hà Nội. Anh có năng khiếu âm nhạc từ nhỏ và được bồi dưỡng trong quá trình sinh hoạt tại Cung Thiếu nhi Hà Nội. Nam ca sĩ ra album đầu tay năm 2001 mang tên Bước phiêu bồng. Sau đó, anh có nhiều ca khúc được yêu thích như Dẫu có lỗi lầm, Nụ hôn nồng cháy, Dòng sông dĩ vãng...
Anh là một trong những ca sĩ nổi tiếng nhất với các ca khúc nhạc ngoại lời Việt thời bấy giờ, trong đó nổi bật là Bản tình ca mùa đông - ca khúc chủ đề trong bộ phim Hàn Quốc cùng tên. Năm 2008, anh giành Huy chương Bạc thể loại nhạc nhẹ trong cuộc thi Giọng hát vàng Asean.
Lam Trà