- Hồi tháng 10, anh gây chú ý khi tổ chức kỷ niệm 9 năm ngày cưới hoành tráng. Gần một thập kỷ bên nhau, vợ chồng anh trải qua những thăng trầm thế nào trong hôn nhân?
- Vợ chồng mà, nói không cãi nhau là nói dối. Mina và tôi có tranh luận chứ. Nhưng dù thế nào vợ chồng tôi luôn tôn trọng nhau, chọn cách nói chuyện rõ ràng để giải quyết mọi mâu thuẫn. Khi nào tình hình căng quá, hai vợ chồng sẽ tự "cách ly" để lấy lại bình tĩnh rồi mới nói chuyện tiếp. Đối với chúng tôi, mâu thuẫn cũng là cách để hiểu nhau hơn. Chúng tôi hay đặt mình vào vị trí của đối phương để hiểu cảm giác của nhau, nhờ đó dễ dàng giải quyết bất hòa. Kỷ niệm 9 năm ngày cưới là cột mốc xứng đáng để tôi tổ chức hoành tráng. Tôi còn sợ bấy nhiêu đó vẫn không đủ để cảm ơn Mina đã đồng hành và sát cánh bên mình gần một thập kỷ.
- Bà xã anh là người thế nào?
- Trong hôn nhân, tôi luôn trân trọng, xem vợ như một người đồng hành tuyệt vời vì nếu không có cô ấy thì tôi không được như hiện tại. Vợ hoàn toàn trái ngược với tôi. Cô ấy rất lý trí. Tôi có chức vụ, có tiền bạc, có vị thế nhưng một khi vợ muốn bước ra khỏi cuộc sống của tôi, cô ấy sẽ không đòi hỏi bất cứ vật chất gì. Đó là biến cố có thật từng xảy ra với tôi 6 năm trước. Cô ấy khác tất cả những người khác là cầm lên hay đặt xuống đều rất nhẹ nhàng. Tôi biết vợ là người phụ nữ yếu đuối nhưng cô ấy buộc phải cứng rắn như vậy để tôi trưởng thành hơn và đó cũng là điều khiến tôi trân trọng vợ nhất.
Là chồng, tôi luôn muốn vợ được sống thoải mái, đủ đầy để chăm sóc tốt cho bản thân và gia đình. Tốt ở đây là cô ấy thấy tốt chứ tôi không ép Mina theo một tiêu chuẩn nào. Ví dụ, hôm nào thèm cơm vợ nấu quá, tôi sẽ nói: "Vợ ơi, chồng muốn vợ nấu cơm ngày mai nhé" và ngày mai cô ấy sẽ nấu, nhưng chỉ tới đó thôi. Những ngày khác vẫn phải có người giúp việc lo chuyện bếp núc trong nhà cho Mina có thời gian chăm sóc bản thân. Nếu vợ phải làm tất cả việc nhà thì làm sao cô ấy biết xu hướng thời trang của tuần này, tháng này thế nào, ăn mặc sao cho đẹp, chỉn chu khi đi sự kiện với tôi. Rõ ràng trong hôn nhân, chúng ta không thể đòi hỏi mọi thứ hoàn hảo tuyệt đối được.
- Là doanh nhân thành đạt, xung quanh nhiều cám dỗ, anh làm gì để vợ yên tâm về mình?
- Công việc của tôi bà xã nắm được hết. Danh sách bạn bè tôi vợ biết và đó đều là những người cô ấy có cảm tình. Nếu bắt gặp tôi ngồi một mình ở đâu đó thì chắc chắn là vì công việc. Mình phải tạo sự an tâm cho vợ thì mới tạo được sự an tâm cho chính mình. Sống với nhau mà chỉ toàn thấy rủi ro, lo lắng thì làm gì cũng không nên chuyện.
- 6 năm trước, anh từng mắc lỗi khiến vợ bỏ đi, hôn nhân tưởng chừng tan vỡ. Sau biến cố đó, anh rút ra bài học gì?
- Đó là một bài học mà tôi không bao giờ quên vì nhờ nó, tôi mới trưởng thành như hôm nay. Qua biến cố, tôi nhận ra vợ tôi quan trọng thế nào và cần làm gì để thể hiện sự trân trọng với người sẽ cùng mình đi suốt cả chặng đường đời. Sau sự việc đó, tôi đã nghe lời vợ đi học đạo, bắt đầu con đường tu hành để học cách nhìn cuộc sống bằng con mắt của một Phật tử, trân trọng mọi thứ trong đời.
- Là ông bố 5 con điều hành một doanh nghiệp lớn, anh làm thế nào để chu toàn các trách nhiệm?
- Tôi thừa nhận bản thân không có nhiều thời gian gần gũi các con nhưng khi con cần giúp đỡ, tôi sẽ luôn kịp thời hỗ trợ theo cách riêng. Tôi nghĩ đây cũng là cách tập cho con tự lập, dạy con cách quý trọng đồng tiền từ nhỏ. Nếu con muốn mua gì thì vợ chồng tôi yêu cầu con phải đưa được lý do thuyết phục chứ không nuông chiều con thoải mái tiêu xài. Chúng tôi ưu tiên những món đồ mang lại cho các bé giá trị về kiến thức chứ không phải chỉ để thỏa mãn nhu cầu vui chơi.
Ở nhà, tôi là một người cha nghiêm khắc. Hơn 30 năm tuổi trẻ tôi đã nhận được nhiều bài học và tôi đang, sẽ nhìn vào nó để định hướng cho các con. Nhờ từng trải mà tôi hiểu tâm lý của con, khi phát hiện vấn đề tôi sẽ nói chuyện với con để điều chỉnh kịp thời, giúp con không lặp lại vết xe đổ của chính mình. Dù không có nhiều thời gian gần gũi con, tôi vẫn luôn sẵn sàng ngồi nói chuyện với các bé, cùng chúng tìm ra cách giải quyết, tháo gỡ mọi vấn đề khó khăn.
- Nhiều doanh nhân ở tuổi anh còn chưa lập gia đình hoặc vẫn là bố bỉm sữa. Cảm giác của anh thế nào khi trở thành ông ngoại ở tuổi ngoài 30?
- Anh Khoa (Shark Lê Đăng Khoa, bạn thân Minh "Nhựa" - PV) cứ gặp tôi là cà khịa: "Hôm nay ông ngoại đi đâu đó?". Tôi nghĩ mọi người ngưỡng mộ tôi vì có thể làm được những gì người ta chưa làm được. Và quan trọng là cuộc sống của tôi tốt chứ không phải tôi bất chấp để làm điều đó. Tôi nghĩ mình đã bước lên một "level" khác - "level ông ngoại" (cười).
- Sinh ra ở vạch đích, anh gặp những thuận lợi và khó khăn gì để phát triển cơ nghiệp của gia đình?
- Có thể mọi người không tin nhưng vì xuất thân như vậy nên hồi nhỏ tôi không có nhiều quyền lựa chọn. Từ cái ăn, cái ngủ, cái mặc, chuyện học hành... đều là bố mẹ tôi chọn sẵn. Tôi chỉ có quyền làm. Có rất nhiều người cảm thấy đó là áp lực nhưng với tôi, một khi ba mẹ đã chọn, tôi sẽ đồng ý và nỗ lực làm điều đó thật tốt. Có thể lúc đầu tôi không vui đâu vì tôi cũng có cảm xúc của con người mà. Về sau, tôi cảm nhận bố mẹ vĩ đại, nhìn xa trông rộng, vượt qua sự tưởng tượng của tôi. Tôi nghĩ bố mẹ đã hy sinh mọi thứ cho mình, sao mình có thể chọn sống theo cảm xúc cá nhân để làm điều sai với gia đình.
Bố mẹ tôi rất thương con. Ông bà không bao giờ muốn tôi buồn. Dù bên ngoài có xảy ra chuyện gì thì khi về nhà, bố tôi luôn tươi cười hỏi tôi: "Minh, hôm nay con sao rồi?". Tôi biết sau lưng bố là bức tranh cuộc đời không hề đẹp. Nhà tôi trước đây rất nghèo, phải dựng nhà trên con kênh ở quận 6, lúc nhà bị hỏng thì mọi thứ rơi hết xuống nước. Cửa nhà tôi luôn có những lỗ hở, khi tôi nghe tiếng ba về, tôi sẽ chạy ra đó để hí hí mắt nhìn và tôi thấy sắc mặt ba tôi rất mệt mỏi. Nhưng khi mở cửa ra, ba tôi lại khác. Tôi học được rằng: Nên nén những cảm xúc riêng tư để tạo niềm vui cho người khác. Và giờ tôi trở thành người sống mà hay để ý cảm xúc của mọi người. Vô hình trung, điều đó làm tôi rất áp lực. Tôi muốn những người bên cạnh mình đều vui trong khi không mấy ai biết tôi đang vui hay buồn.
- Anh từng tặng vợ nhiều món quà trị giá hàng tỷ đồng. Anh nghĩ sao nếu có người cho rằng đại gia nên làm từ thiện thay vì phô trương cuộc sống giàu sang?
- Cuộc sống mà, chín người mười ý, người ta nói gì mình không cản được. Tôi sẽ không bao giờ để những lời nói này ảnh hưởng đến cuộc sống và gia đình mình. Đối với tôi, việc làm từ thiện là ở cái tâm nên cũng không cần thiết để cho nhiều người biết hay công nhận. Tôi làm từ thiện bằng chính những đồng tiền của mình và gia đình làm ra nên địa điểm, hình thức từ thiện do tôi quyết định. Địa phương, tổ chức hay cá nhân có nhu cầu hỗ trợ, tôi sẽ làm việc và trao những phần quà thiết thực, ý nghĩa đến họ.
Còn về chuyện mua sắm, tôi cũng cần phải được hưởng thụ những thành quả mình đã cực nhọc kiếm được. Việc tôi mua những món quà đắt tiền tặng vợ cũng là cách tôi thể hiện tình yêu thương, sự trân trọng với vợ như bất cứ người chồng nào thôi.
- Với anh, tiền bạc có ý nghĩa thế nào?
- Tiền bạc, vật chất chỉ nên là yếu tố hỗ trợ cuộc sống chứ không phải là yếu tố quyết định. Tất nhiên thiếu thốn vật chất cũng rất ảnh hưởng đến đời sống tinh thần, gia đình dễ xào xáo. Cơm áo gạo tiền luôn là gánh nặng trên vai những người đàn ông trong gia đình. Nếu chỉ có tài chính ở mức đủ ăn đủ mặc sẽ khiến tầm nhìn của bạn bị hạn chế, khó có thể tiếp cận với sự phát triển của xã hội tiên tiến, bị giới hạn trong một không gian và tầm hiểu biết nhất định. Sự hỗ trợ của vật chất có thể mang đến cho bạn những kiến thức mới sớm nhất, hiện đại nhất, từ đó cũng là cơ hội để bạn nâng tầm bản thân và gia đình. Nếu dư dả về vật chất, cuộc sống của bạn sẽ không còn phải xoay quanh câu chuyện làm và ăn mà sẽ là phát triển - hưởng thụ.
- Có vợ đẹp, con ngoan, dư dả tài chính, anh cảm nhận cuộc sống của mình hiện tại thế nào và còn mong ước điều gì nữa?
- Thứ tôi thiếu đầu tiên là thời gian ở bên cha mẹ. Tôi ra riêng cũng được 9 năm rồi. Thời gian tôi đi ăn uống, du lịch với ba mẹ trong một năm không nhiều, còn tuổi ba mẹ ngày càng cao. Thời gian tôi dành cho các con cũng ít. Đôi khi công việc không ổn, tôi lại mất cân bằng vì tôi là người một khi đã tập trung vào công việc là không thể dứt ra. Bên cạnh đó, thời gian học đạo của tôi ngày càng ít đi. Trước đây, một ngày tôi có thể tu tập từ 8 đến 10 tiếng. Có khi tôi ngồi từ 5h đến 22h một mình trong phòng thờ. Bây giờ vì bận rộn, tôi không tu tập được nhiều như vậy nữa.
Cái cuối cùng tôi thiếu, nói thật, là tiền. Tôi chưa thể làm nhiều hơn cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Các đồn biên phòng đang thiếu đèn để canh trục biên giới, tôi cũng muốn giúp họ lắp thêm. Sau những đợt lũ lụt miền Trung, có nhiều ý kiến cho là nên làm nhà chống lũ, tôi cũng muốn làm để giúp người dân không gặp khó khăn, mất mát nữa. Bao nhiêu tiền cho đủ với sức lực của riêng tôi? Định nghĩa thiếu tiền của tôi là như thế, còn cá nhân, gia đình tôi thì không thiếu tiền. Tôi luôn mong có thể làm những điều tốt hơn cho ba mẹ, gia đình và xã hội. Vì thế tôi vẫn đang phấn đấu từng ngày để thực hiện được mọi điều mình muốn.
Doanh nhân Minh "Nhựa" tên thật là Phạm Trần Nhật Minh, sinh năm 1983. Anh là con trai duy nhất của ông Phạm Văn Mười - Tổng giám đốc Công ty Nhựa Long Thành. Biệt danh Minh "Nhựa" của thiếu gia này cũng xuất phát từ cơ nghiệp do cha mẹ anh xây dựng từ những năm 1990. Minh "Nhựa" nổi tiếng trên mạng xã hội khi liên tục khoe thú chơi hàng hiệu và siêu xe đắt đỏ. Hiện ở tuổi 38, Minh "Nhựa" có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc lẫn công việc kinh doanh thuận lợi. Anh thường chia sẻ những hình ảnh ngọt ngào bên bà xã Mina Phạm và không tiếc lời khen vợ trên trang cá nhân. |