7 đứa con của chị Mai ngóng mẹ (Chị Mai bị cuốn trôi khi cứu 2 vợ chồng người hàng xóm). |
Sáng 1/12, thầy trò Trường THPT Trần Quý Cáp, Hội An đã lặng lẽ nối đuôi nhau trong màn mưa tiễn đưa linh cữu của em Hồ Quang Tân - học sinh lớp 12/12 - đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Những người thân đã chứng kiến tận mắt cái chết tức tưởi của Tân kể rằng: sáng 27/11, sau khi tan trường, Tân đã mua bốn ổ bánh mì và nằng nặc đòi đem về nhà cho ba, mẹ và đứa em trai tên Thành, 8 tuổi, đang bị kẹt ở nhà vì lũ. Mọi người can ngăn vì đường vào nhà Tân ở tổ 40, khối 7, phường Thanh Hà rất nguy hiểm vì nước chảy xiết. Nhưng sợ ba, mẹ và cu Thành ở nhà đói bụng, Tân đã băng qua dòng chảy của lũ để lội về nhà.
Không may, ngang qua đoạn cống nước chảy quá mạnh, Tân bị lũ cuốn trôi. Nghe tiếng kêu thất thần “Ba ơi, cứu con”, anh Đức lúc ấy đang ngồi trú lụt trên mái hiên vội lao ra bơi về phía đứa con trai đang chấp chới trên biển nước mênh mông. Nước chảy quá mạnh, dù đã cố hết sức nhưng anh vẫn không thể cứu được con. Khi chỉ còn cách cha mình hai sải tay, Tân đã bị dòng lũ nhấn chìm. Vậy mà Tân vẫn cố trồi lên lần cuối, cố hết sức đẩy cái gói nilông đựng bánh mì về phía anh Đức và chỉ kịp kêu hai tiếng “Ba ơi”.
Quốc lộ 14B đoạn ngang qua xã Đại Hồng sáng 30/11 cũng nhuốm một màu tang tóc. Cả thầy trò Trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ (Đại Lộc, Quảng Nam) và bà con ở thôn Hòa Hữu Đông (xã Đại Hồng) cùng nén lòng tiễn đưa em Phan Đều, học sinh lớp 12/A10, về nơi chín suối.
Ngồi bệt bên ngôi mộ con vừa đắp sơ sài, anh Phan Mạnh (xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc) kể lại nỗi đau với ánh mắt thất thần: “Nhà xa nên vợ chồng tui gửi trọ cháu dưới quê nội ở Đại Hiệp để theo học. Sáng 28/11, cháu nằng nặc đòi về vì sợ cha mẹ ở quê bị lũ quét”.
Anh Mạnh bỗng nấc lên: “Nghe mấy người ở gần kể lại, cháu vừa mới dò dẫm lội qua cầu Ngọc thì trượt chân trôi theo dòng xoáy của lũ. Nước cuốn nhanh quá không ai kịp trở tay”. Cả làng đổ xô đi tìm suốt hai ngày trời mới tìm thấy xác của Đều tấp trong bụi tre dưới chân cầu Ngọc. Cái túi dết mà Đều cột chặt trên lưng còn nguyên mấy gói mì tôm.
Dân làng Cổ Am (xã Điện Nam, huyện Điện Bàn, Quảng Nam) hẳn sẽ không bao giờ quên cái chết thương tâm của Nguyễn Hữu Sơn, 21 tuổi, công nhân Nhà máy gạch Đồng Tâm, KCN Điện Nam, Điện Ngọcm, vào buổi sáng 27/11, khi cơn lũ đang hoành hành ở cái làng quê nhỏ bé này.
Hôm ấy trời mưa như trút nước, cánh đồng trước nhà bỗng chốc hóa thành biển nước mênh mông. Sơn chèo thuyền qua thăm ông nội ốm nặng ở cách đó một quãng đồng. Nước chảy xiết, thuyền bị lật nhào, cả người và thuyền bị nước cuốn tấp vào bờ tre. Nghe tiếng kêu cứu, cả làng nhào ra tìm nhưng đành bất lực trước dòng chảy như thác của lũ.
Nghe tin dữ, chỉ sau mấy phút cụ Nguyễn Trúc (76 tuổi), ông nội của Sơn, cũng trút hơi thở cuối cùng. Chỉ trong một ngày gia đình họ Nguyễn ở làng Cổ Am mất đi hai mạng người.
Ông Nguyễn Tình, ba của Sơn, nấc nghẹn: “Chiều hôm trước đi làm về hắn mới khoe với tui, con mới vào làm ba tháng mà đã được tăng lương. Tháng ni con lãnh lương mới sẽ mua cho ba cái áo ấm mặc đi làm đồng, cái áo ba đang mặc cũ quá rồi. Tui chưa kịp mặc được chiếc áo mới con trai mua cho thì hắn đã bỏ cha bỏ mẹ mà đi trước rồi”.
Trước bàn thờ anh Nguyễn Đắc Trí (37 tuổi, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc) hai đứa bé phong phanh trong gió rét với vành khăn sô quấn vội đang cúi lạy cha. Mâm cơm cúng người xấu số chỉ vỏn vẹn lưng chén cơm và mấy con cá khô bé tẹo đựng trong cái chén nhựa.
Ngồi bên bàn thờ người em trai vừa mới mất vì bị lũ cuốn, người chị gái tên Nguyệt tâm sự: “Số thằng Trí răng mà lận đận quá, vợ chồng nó chia tay khi đứa con gái nhỏ mới tròn tuổi. Thấy em một mình gà trống nuôi con, tui đưa cả ba cha con về ở cùng, chị em hẩm hút nuôi nhau. Vậy mà hắn lại bỏ tui và hai đứa con nhỏ mà đi!”. Chị Nguyệt bật khóc tức tưởi, nước mắt nhạt nhòa trên gương mặt sạm đen, hốc hác.
Hai đứa bé tên Lợi và Liên ngơ ngác hết nhìn cô lại quay sang nhìn khách. Với tay kéo bé Liên vào lòng, chị Nguyệt thút thít: “Hôm đưa xác ba hắn về nhà, nước lũ còn ngập đến bàn thờ, bé Liên cứ theo chân tui mà hỏi: “Ba con chết rồi hả cô Ba?”. Khi thấy tui gật đầu, thằng Lợi không nói không rằng lặng im ra hè nhìn bờ sông. Bữa đó tui dỗ gì hắn cũng không chịu ăn lấy một hột cơm”.
Chị Nguyệt kể tiếp: “Hôm ấy, nước ngoài sông đang lên dữ lắm, thằng Trí đang bắc nồi cơm chuẩn bị bữa trưa cho ba cha con thì nghe tiếng người ới: “Trí ơi đi vớt gỗ thuê không?”, vậy là hắn đi. Trước khi lấy cây sào ngoài bờ hè, hắn còn dặn thằng lớn: “Con xúc cơm cho em ăn trước, đừng đợi ba, ba đi vớt gỗ ngoài sông tí ba về ”.
Anh Trí đã bất thần ngã xuống giữa dòng sông Vu Gia đang cuồn cuộn chảy khi đang cố sức đẩy bè gỗ vào bờ. Những người cùng đi trong nhóm đã nhảy xuống lặn tìm nhưng mãi vẫn không thấy xác. Đến gần tối, xác anh mới tấp vào cạnh bến sông, nơi mà mấy cha con thường hay ra tắm.
Mỗi ngày làm thuê anh Trí được trả 20.000 đồng. Số tiền ấy dù ít ỏi nhưng cũng đủ để ba cha con anh rau cháo nuôi nhau. Bây giờ anh chết, gánh nặng gia đình anh đè trên vai người chị gái đơn thân còn phải nuôi hai đứa con dại. Cái lều tranh xiêu vẹo gió thổi bốn bề bên bờ sông Thu Bồn ấy đang là chỗ nương náu của người đàn bà ốm yếu với bốn đứa trẻ con và một người đàn ông, anh lớn của chị Nguyệt, bị bệnh tâm thần. Hai đứa con của anh Trí đã mất mẹ bây giờ mất luôn cả cha, cứ lơ ngơ như chim non không tổ.
Cái chết của anh Thái Long (36 tuổi) ở thôn An Thọ, xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) khi đi làm thuê bị nước lũ cuốn trôi tại cầu Suối, thôn Mỹ Danh (xã Tịnh Hiệp) đã để lại cho gia đình, xóm giềng bao điều ray rứt. Trong ngôi nhà tranh ọp ẹp ấy, tài sản duy nhất chỉ là chiếc chõng tre cũ nát.
Cháu Nhật Trường (2 tuổi) ôm chầm lấy mẹ, chốc chốc lại nức nở: “Mẹ ơi, gọi ba về cho con”. Mỗi lần như thế chị Hà Thị Sâm (34 tuổi) lại nghẹn ngào. Cháu Thái Thị Hạ Duyên (6 tuổi) hai ngày rồi không chịu ăn cơm, cứ một mực bảo đợi ba về. Bà con hàng xóm nói dối rằng ba cháu đi làm vài ngày nữa mới về được, cháu tin nhưng vẫn cứ thấp thỏm chạy ra chạy vào mỗi khi có người đi ngang ngõ.
Chị Sâm nói trong nước mắt với Tuổi Trẻ: “Ảnh chết trôi ba ngày mới tìm được xác. Trước khi đi, ảnh vét hết mấy đồng bạc trong túi cho mẹ con tui ở nhà mua gạo. Bữa nớ anh đi mà trong bụng không có một hột cơm”. Bé Trường ngơ ngác nhìn mẹ, rồi dỗ dành: “Mẹ ơi, đừng khóc!...”.