Nằm võng chờ khách. |
Do đã tồn tại nhiều năm qua với mật độ "ta dùng nhé" dày đặc thuộc hàng nhất nhì Việt Nam, cộng thêm - theo chính quyền địa phương - có đến 18 tụ điểm quán xá chứa gái mại dâm trá hình nên đoạn đường này bị dân trong vùng gọi là "con đường bao cao su". Quán nào - cà phê hay nhậu bình dân - cũng có năm, bảy em út ăn mặc tươi mát ngồi công khai mời gọi khách qua đường.
Phóng viên báo Thanh Niên cùng anh bạn đang đứng lớ ngớ trước một quán giải khát, lập tức được mấy em túa ra mời chào: "Vô đi anh, tụi em phục vụ không đẹp không ăn tiền". Một em chụp ngay cái khăn lạnh lên mặt thượng đế: "Cái này free nghe anh, còn cái "kia" mới tính tiền. Ở đây có giá hết rồi, anh khỏi lo". "Giá" mấy em nói ở đây là một ly cà phê có em thủ thỉ 30.000 đồng/ly, còn phục vụ tới "chỉ" thì giá cũng chỉ cỡ... ly cà phê, "hàng chiến" một chút có thể ngấp nghé tám chục, một trăm (nghìn). Cạnh quán có 2 căn nhà lá nho nhỏ, là nơi thể hiện cái chuyện của "con đường bao cao su".
Cán bộ địa phương cho hay, con đường này đã nhiều lần bị công an huyện truy quét, bắt quả tang nhiều vụ mua bán dâm. Nhiều chủ quán ngồi gỡ lịch 2 - 3 năm trong tù nhưng đến hồi được tự do thì "ngựa lại quen đường cũ". Dẹp hoài cũng không dứt nổi, kéo theo nhiều tệ nạn xã hội khác như cho vay nặng lãi (chủ yếu nhắm vào các em gái bán hoa), còn thanh niên trong vùng trở thành dân bảo kê, dẫn mối, đưa rước các em chuyển vùng hoạt động, rồi sa vào chuyện bài bạc, hút chích. Một người dân sống tại đây bức xúc: "Thật xấu hổ khi phải sống trong "con đường bao cao su" này. Chính quyền địa phương không dẹp nổi các ổ mãi dâm nên bèn “chống” mại dâm bằng cách dựng cả đống bảng khuyến cáo sử dụng bao cao su".
Mỗi tháng, Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thạnh phát 2.000 bao cao su miễn phí cho các cô gái hành nghề mại dâm ở ngay "điểm nóng" này để hạn chế tình trạng lây nhiễm HIV do quan hệ tình dục mãi dâm. Một khuyến cáo dành cho khách thập phương nếu "lỡ" có ý định ghé thăm "con đường bao cao su": 76/77 xã, phường trên địa bàn thành phố Cần Thơ đều đã có mặt HIV.
Bắt đầu từ chợ Bằng Tăng, khách làng chơi có "ám hiệu riêng" để nhận ra nơi "cần đến, cần ghé và cần giải quyết". Đó là những dãy quán mái lá xập xệ ven Quốc lộ 91 treo những chiếc đèn tròn đỏ ngoài cổng, hoạt động cả ngày lẫn đêm. Ban ngày thì nhìn ra dễ ợt, mái lá nào cũng có vài em nằm thõng thượt trên võng, cứ như thiếu nữ ngủ ngày mà bà Hồ Xuân Hương mô tả. Những "quân tử" mối của thể loại này thường là những dân chơi miệt vườn. Mỗi lần "quân tử" ghé qua lại được 2 - 3 em ngoắc tay lia lịa.
Cũng theo hướng Quốc lộ 91 (Cần Thơ - An Giang) đến Quốc lộ 80 (An Giang - Kiên Giang), khách thập phương, đặc biệt là cánh tài xế, luôn biết với vùng "tam giác quỷ" từng một thời gọi là "ngã ba sung sướng". Do giáp ranh giữa 3 tỉnh thành vừa nêu, lại xa "mặt trời" nên các hoạt động "mờ ảo" ở đây hết sức ì xèo. Tại khu vực thuộc xã Trung Kiên, huyện Thốt Nốt, Cần Thơ, quán xá, nhà trọ hoạt động bất kể ngày đêm. Tháng tư vừa qua, công an huyện kiểm tra 21 nhà trọ, quán cà phê, phòng karaoke thì tỷ lệ vi phạm đạt đến 100%. Khách đến được dẫn thẳng vào phòng, tâm sự mỗi giờ 30.000 đồng, một "sót" mì ăn liền cũng không quá "5 xập", mắc hơn gói thuốc thơm một chút.
Đến đây làm ăn quy tụ đủ thành phần: buôn lậu, bốc vác, các băng nhóm càn quấy Cần Thơ, Long Xuyên, Rạch Sỏi... và nhiều lần giành quyền quản lý địa bàn, đụng độ nảy sinh dữ dội mà các ngành chức năng rất khó giải quyết vì chỉ chạy cách vài cây số là nằm ngoài địa bàn quản lý của mình.
Khi bóng đêm buông xuống, con đường tỉnh lộ nối trung tâm quận Ô Môn - chợ Thới Thạnh - Thới Lai và thị trấn Cờ Đỏ tấp nập hơn cả ban ngày. Xen lẫn trong dòng người rong ruổi sẽ có những chiếc xe lôi chở lổn ngổn các em khoe lưng, khoe bụng, son phấn lòe loẹt "đổ bộ" xuống các điểm định sẵn.
Điểm đến thường là những quán cà phê bên cầu Thới Thạnh. Các cô kêu nước uống và sau đó tản bộ về các quán bia gần đó theo sự điều phối của đám thanh niên chạy xe. Anh Trần Văn Ninh - làm nghề xáng cạp, kể rằng: "Mấy em ở đây thuộc loại "gà dạt" giá cực kỳ bèo, làm ăn ở thành không được nên đành về quê phục vụ mấy anh "Hai Lúa". Chỉ cần "bo" 5-10 ngàn cũng được, còn nếu "bo lên hai chục, thiếu điều mấy em ẵm anh quăng tới nóc nhà".
Trong những quán xập xệ bên đường, khách đến chơi được "bảo vệ" danh tánh bằng một... tấm mền trùm lên bảng số xe Honda. Một cô gái lỡ "giữa đường gãy gánh", tỉ tê tâm sự rằng: "Em bị chồng bỏ, gia đình ở Phụng Hiệp (Cần Thơ) nghèo quá, đành bỏ xứ đi làm nghề đáng xấu hổ này. Thật ra khi trôi dạt về đây phải chấp nhận cảnh bị ép giá thôi. Mỗi lần phục vụ chủ lấy hết 30%, ma cô 30%, có lúc gặp khách dữ, thô tục thì em trắng tay là thường".
Thị tứ Thới Lai là trung tâm huyện Cờ Đỏ nên từ Tết đến nay nơi đây nhộn nhịp hẳn lên. Quán xá mọc đầy, tràn ra hai bên đường. Đặc biệt các quán võng cách cầu Thới Lai vài trăm mét luôn đông khách. Có quán chuyên bán ban ngày, có chỗ chuyên phục vụ ban đêm. Khi vào dãy quán này sẽ thấy võng được giăng mắc la liệt quanh những bụi tre lớn sau vườn. Đây không chỉ là bãi đáp của những khách làng chơi mà đã trở thành nơi tập tành... làm người lớn của những cậu nhóc choai choai, những cô cậu học sinh trung học ôm nhau ngủ ngon lành trên võng. Một chủ quán nói vui: "Tới mùa thi còn đông nữa, tụi nó cứ từng cặp ra võng "học bài" say sưa đến nỗi tui tôi phải... ra "đánh thức" mới chịu về".
Một "mô hình" khá lạ, nhưng phổ biến tại đây, chuyên phục vụ ban đêm được mệnh danh là "quán hai ngàn". Khách vào kêu trà đá hoặc cà phê, nhưng giá chỉ 2.000 đồng/ly. Một anh bồi nói: "Các cặp vô đây chủ yếu không phải để uống mà là "ôm", nếu được giá là "xử" ngay tại chỗ". "Bao nhiêu ?" - tôi hỏi. "Gà nòi thì năm chục, một trăm, bèo bèo thì mười lăm, hai chục cũng có. Thích thì xách chiếu ra sau vườn, xong !".
Vào đây phần lớn là thanh niên miệt vườn, ăn diện mô đen "cải lương", lười lao động và phần lớn trong số đó đều dính tới "hút chích". Tình trạng hút chích ở vùng nông thôn bây giờ cũng hết sức đáng báo động, tại nhiều nơi vắng vẻ gần các sân kho lương thực, những bãi rác ống tiêm chích rơi rải rác, lúc nào cũng đe doạ nguy cơ nhiễm bệnh cho nông dân, học sinh khi đạp phải. Không hiểu chính quyền địa phương đã dõi mắt tới chưa, hay cứ kiểm tra sơ sơ rồi "đâu lại vào đấy".