![]() |
|
Mỗi ngày Trung tâm HLTTQG 1 sử dụng không dưới 70 kg gà và 500 quả trứng các loại. Tuy nhiên, từ khi nhận được những thông tin cảnh báo về dịch cúm gia cầm, trong thực đơn của nhà bếp Trung tâm HLTTQG đã không còn các món gà.
Lãnh đạo đoàn thể thao Việt Nam trong lần gặp gỡ các VĐV gần đây nhất đã phải dặn dò kỹ càng: Tuyệt đối không ăn những món gì dính dáng đến gà, kể cả… mì gà!
Không có gà, các VĐV đành phải quay sang dùng tạm thịt bò, cá. Ngặt nỗi, những món mới phần vừa ăn không quen, phần khác lại đắt hơn thịt gà trong khi tiền ăn hàng ngày vẫn thế.
Dù vậy, việc tạm lánh xa các món ăn có… gà của các VĐV cũng là một cách tập làm quen với việc ăn uống ở SEA Games 23.
Những thông tin ban đầu cho hay, để làm quen với đồ ăn ở nơi xa nhà và phải di chuyển nhiều như ở Philippines, không phải VĐV nào cũng có thể thích nghi được. Trong tình cảnh ấy, mì tôm trở thành một món ăn không thể thiếu của các VĐV.
Trưởng đoàn thể thao Việt Nam Nguyễn Hồng Minh, trong một lần tâm sự chuyện SEA Games đã phải thốt lên: “Phải công nhận là mì tôm Việt Nam rất ngon. Các VĐV mỗi khi thi đấu xa nhà, ăn một bát mì tôm là tỉnh người”.
Thế nên, trong tính toán của các đội tuyển, một trong những thứ không thể thiếu trong hành lý của các VĐV chính là những thùng mì. Đội tuyển bóng đá nam đông người nhất, dự tính mang theo tới 20 thùng mỳ trong khi các đội tuyển karatedo, pencak silat… cũng đem không dưới 5 thùng.
Đối mặt với cúm gà, không đơn giản chỉ là vấn đề thực đơn hay… mì tôm. Lãnh đạo đoàn thể thao đã tính đến việc sẽ phải mang theo Tamiflu sang đất bạn Philippines.
Trưởng tiểu ban Y tế Lê Quý Phượng cho biết, đoàn đã chủ động liên lạc với bên y tế để xin cấp ít nhất 300 viên Tamiflu (tương đương với 30 liều).
Trường hợp không đáp ứng kịp, đoàn sẽ xuất tiền mua loại thuốc “đặc chủng” này để phục vụ kịp thời cho các VĐV trong trường hợp xấu nhất.
Phút chót, đoàn thể thao Việt Nam vừa bổ sung thêm 1 bác sĩ, nâng tổng số bác sĩ của cả đoàn lên… 11 người. Tưởng nhiều, nhưng trong 13 bác sĩ này, hai đội tuyển bóng đá nam, nữ đã có đến 4 bác sĩ. 9 bác sĩ còn lại sẽ phải phục vụ hơn 500 VĐV, chia ra 3 nơi thi đấu.
Tình trạng thiếu bác sĩ đến mức Trưởng tiểu ban Y tế Lê Quý Phượng cũng được yêu cầu sẵn sàng bắt tay vào… chữa trị, xoa bóp cho các VĐV.
Còn một nỗi lo khác ngoài cúm gà là chuyện… an ninh. Trưởng đoàn thể thao Việt Nam Nguyễn Hồng Minh cho biết, trong bản nội quy của đoàn thể thao Việt Nam do UB Olympic quốc gia công bố có điều khoản quy định các VĐV khi ra ngoài nhất thiết không được đi một mình, ít nhất phải có 2 người trở lên.
Quy chế là thế, nhưng ông Minh cũng dặn thêm là các VĐV Việt Nam nên hạn chế đi lại tới mức tối đa trong thời gian có mặt tại Philippines.
Theo Phó trưởng đoàn Nguyễn Văn Quân, dân trong giới thể thao vẫn chưa thể quên, ở SEA Games 16 tại Philippines năm 1991, một HLV bóng chuyền Việt Nam đã bị bắt cóc.
Phút chót, nhóm bắt cóc này phát hiện ra ông là người Việt Nam và đã tha mạng. Sau đó, phía Philippines đã xin lỗi đoàn thể thao Việt Nam và đề nghị chúng ta giữ kín việc này để bảo đảm sự thành công của Đại hội.
''Tình hình tại Philippines hiện nay còn phức tạp hơn rất nhiều so với năm 1991, các VĐV Việt Nam càng phải nêu cao tinh thần cảnh giác và chấp nhận nghiêm ngặt nội quy đã đề ra.
Khi đi đâu, các bạn nhớ mang theo những bằng chứng để chứng tỏ là người Việt Nam, chẳng hạn như quần áo in chữ Việt Nam, quốc kỳ..., để phòng khi có chuyện không may xảy ra sẽ hạn chế được phần nào rắc rối, vì người dân Đông Nam Á nói chung và Philippines nói riêng đa số đều có thiện cảm với người Việt Nam”, ông Quân dặn dò các VĐV.
(Theo Tiền Phong)