Hội chứng tự đốt cháy
Một lần, đến gặp bác sĩ tâm lý là một chủ doanh nghiệp thành đạt. Ông thổ lộ rằng cảm thấy kiệt quệ cả tinh thần lẫn thể chất và không còn hứng thú trong công việc. Ông ví mình như một chiếc lá bị cuốn theo dòng nước. Sau mỗi một lần thực hiện thành công một dự án, ông đều tự nhủ: “Công việc đã kết thúc, chẳng còn điều gì phải suy nghĩ nữa, cần phải nhanh chóng bắt tay vào một việc mới”. Ông không còn cảm nhận được niềm vui của thành công.
Giống như nhiều doanh nhân, người đàn ông này bị hội chứng tự đốt cháy. Nguyên nhân nằm ở chỗ, nguồn không khí nuôi dưỡng tinh thần ông chính là... lời khen của những người xung quanh. Khi còn bé, thì đó là lời khen của bố mẹ và thầy cô giáo. Giờ đây, ông chờ lời khen của những người có uy tín đối với mình. Và thảm họa nằm ở chỗ: ông đã đạt tới đỉnh cao trong kinh doanh, không còn ai có đủ tầm để ban cho ông lời khen ngợi nữa. Còn bản thân nhà doanh nghiệp lại không có thói quen tự khen mình.
Nhà tâm lý đã khuyên ông tự chuyển vai trò: không phải là người nhận lời khen ngợi nữa mà hãy ban phát lời khen cho những người đã giúp mình trong công việc. Với cách này, ông đã bắn mũi tên trúng hai đích: cảm thấy vui trước thành công mà không cần chờ đợi lời khen của người khác, đồng thời động viên tất cả nhân viên vươn tới thành công mới.
Không hiếm các doanh nhân có tâm sự rằng: không có chủ doanh nghiệp nào lại không tự hào trước những thành công của mình, nhưng đồng thời họ cũng gần như không bao giờ có cảm giác hài lòng. Đối với họ: kinh doanh giống như đi trên chiếc xe đạp. Khi anh đạp pê-đan thì chiếc xe tiến về phía trước, nhưng khi ngừng đạp thì mọi thứ đều đứng lại. Giống như anh đã đạt được nhiều thứ, nhưng tất cả đều là quá khứ, còn trên cương vị là một doanh nhân thì phải biết lo lắng cho tương lai. Không được quyền nhìn xuống chân mà phải tiến lên phía trước.
Hoặc có một nữ doanh nhân than thở rằng: bà có tất cả mọi thứ mà mọi người mong ước: ba đứa con, sự nghiệp, tiền bạc. Có thể nói là tất cả trừ một điều duy nhất cảm giác vui sướng trước thành công của mình và người thân. Bà nói: "Tôi lên kế hoạch cho tương lai, thực hiện chúng, kết thúc dự án thứ nhất, tôi bắt tay vào dự án thứ hai... không còn lúc nào mà vui sướng. Tôi có thói quen phân tích những sai lầm của mình và rút kinh nghiệm sau mỗi thất bại. Nhưng khi bạn chỉ nghĩ đến những mục tiêu thì càng ngày nó lại càng cao hơn. Không có điểm dừng và rất mệt mỏi. Chỉ mới gần đây, khi nghiên cứu thánh kinh Biblia, tôi mới hiểu ra rằng: con người cần phải vui sướng trước mỗi chiến thắng của mình, phải coi đó là một ngày hội, cần phải tạo ra cho mình cách nhìn nhận tích cực trong cuộc sống nói chung và trong kinh doanh nói riêng".
Phải khiêm nhường!
Theo lời của các chuyên gia tâm lý, những người không biết vui với những thành công của mình chia làm ba loại.
Loại thứ nhất là những người từ bé đã quen sống lý tính và có mục đích. Thậm chí, đối với họ không tồn tại khái niệm “niềm vui”.
Loại thứ hai là những người có thói quen chờ niềm vui do người khác đem lại. Đó có thể là bố mẹ, thày cô giáo, sếp... Những người này thông thường bi quan và mâu thuẫn, một mặt họ coi khinh những thành công của người khác, nhưng mặt khác lại rất phụ thuộc vào sự đánh giá của mọi người xung quanh.
Loại thứ ba là những “siêu nhân”, họ không thể hiện niềm vui vì sợ làm xấu đi hình ảnh của mình. Đối với những “siêu nhân” thì bất cứ một sự thể hiện tình cảm nào, trong đó có cả việc bày tỏ niềm vui trước thành công đều đồng nghĩa với sự yếu đuối. Có thể nói đối với họ: “Chẳng có gì mà vui sướng khi tôi chưa được vào danh sách những người giàu có nhất của tạp chí Forbes”.
Các chuyên gia tâm lý cho rằng nền giáo dục Đông Âu (kể cả Việt ) đã tạo ra hệ thống giáo dục với quá nhiều cấm đoán không cần thiết. Đối với nhiều người thuộc lứa tuổi ngoài 35, từ nhỏ hằn sâu vào tiềm thức câu nói “phải khiêm nhường”, và điều này làm cho họ có thói quen kìm nén mọi tình cảm của mình. Hoặc họ quen cho rằng, cuộc sống là hai đường đen trắng rõ ràng, và thành công là do số phận đem lại. Đã đến lúc những người này phải cảm ơn bản thân, chứ không phải số phận, vì thành công của mình.
Một chủ doanh nghiệp lại cho rằng, không biết vui trước thành công của mình là điểm đặc trưng của những ông chủ tập trung hết tinh lực cho quá trình đấu tranh để vươn lên. Họ quen sống trong điều kiện thúc bách và căng thẳng không còn thời gian đâu mà để ý đến những thành quả của mình. Và đến khi, công việc kinh doanh của họ đã ổn định, cũng đến lúc nên thấy rằng con đường mà mình đã vượt qua không phải là nhỏ và nên biết vui mừng về thành công đạt được. Nhưng đáng tiếc, họ lại chưa học được cách để vui sướng.
Một chuyên gia tâm lý nữa lại nêu lên một khía cạnh khác: có thể các ông chủ đã quá lo xa, không tỏ thái độ vui sướng vì sợ nhân viên dưới quyền cho rằng mình giàu lên quá dễ dàng và có thể họ sẽ đề nghị tăng lương.
Сạnh tranh tư bản chủ nghĩa
Để loại bỏ trạng thái không hài lòng về bản thân, bạn hãy học cách vui với những thành công của mình. Để làm được điều này, các chuyên gia tâm lý khuyên hãy tích cực thể hiện tình cảm, đừng kìm nén ở trong lòng. Nếu bạn muốn cười - hãy cười to lên, nếu muốn hát – hãy hát to lên.
Tình cảm không cần phải che giấu, vì đây cũng là nguồn năng lượng để đạt được những thành công tiếp theo. Nếu bạn vui vì những thành công của mình, hãy chia sẻ điều đó với mọi người xung quanh, đừng ngại.
Vào những dịp kỷ niệm ngày thành lập doanh nghiệp, bạn hãy treo băng rôn ngoài phố, ví dụ: “Chúc mừng công ty chúng ta tròn 5 tuổi!”. Đây không phải là sự kiêu ngạo mà là sự khẳng định chiến thắng của mình. Đừng e ngại khi nói về những thành công của mình, mà ngược lại cần phải bày tỏ điều này với bất cứ ai muốn nghe.
Một chủ doanh nghiệp thành đạt, người đã gặt hái nhiều thành công trong lĩnh vực kinh doanh của mình, tâm sự rằng trước khi ngủ, sau khi kiểm điểm lại một ngày làm việc, anh không ngần ngại tự khen bản thân: “Mình thật xuất sắc”. Anh còn cho rằng cần phải khuyến khích nhân viên trong công ty phát triển cảm giác tự hào về những gì mình đã đạt được.
Anh kể chuyện, vài năm trước đây, khi công ty đã vượt qua được một chặng đường dài, các nhân viên đều cảm thấy những thành tựu của công ty là đương nhiên, không có gì đặc biệt. Mất đi cảm giác phấn chấn trước mỗi thành công, thì hóa ra mọi người luôn thấy mệt mỏi, không còn động lực để làm việc.
Cuối cùng, anh đã nghĩ ra cách thành lập một web-site để đưa tin về những dự án xuất sắc của công ty, đồng thời gửi những tin này vào hộp thư riêng của mọi người. Với cách PR nội bộ này, anh đã giúp các nhân viên nhìn công việc của mình bằng con mắt khác, họ cảm thấy tầm quan trọng trong những đóng góp của riêng mình vào thành công chung. Và tình hình được cải thiện rõ rệt.
Khi vấp phải vấn đề “nhàm chán” vì thành công, một số chủ doanh nghiệp còn có những sáng kiến khác. Ví dụ, tổ chức những buổi hoạt động tập thể lôi kéo tất cả mọi người tham gia như các cuộc thi thể thao, thi kể chuyện tiếu lâm,... và thậm chí là thi đánh bài.
Hoặc chủ một doanh nghiệp kinh doanh các hệ thống báo động, đã phát động một cuộc thi “Sự cạnh của chủ nghĩa tư bản” cho các giám đốc bán hàng trong công ty. Sự phấn khích đem đến cho mọi người trong cuộc đua giúp họ hứng khởi đặt ra những mục tiêu mới.
Đây quả thật là một vấn đề đau đầu của nhiều doanh nhân thành đạt, hy vọng sau khi đọc xong bài viết, các nhà doanh nghiệp nếu chưa tìm được sáng kiến để cải thiện được tâm trạng của mình thì cũng được an ủi rằng mình không phải là trường hợp cá biệt duy nhất.
(Theo Bwportal)