Phần lớn các cô dâu, chú rể trước khi làm đám cưới đều lo bị "ế cỗ" nhưng tôi vừa hoàn thành việc trọng đại này thì thấy rằng, thiếu cỗ còn đáng sợ hơn. Bởi điều đó đồng nghĩa với việc tăng thêm chi phí đãi tiệc cũng như xuất hiện nhiều khách không mong muốn. Trường hợp của chúng tôi là ví dụ điển hình.
Trước ngày cưới, tôi và chồng đã lên danh sách giới hạn số lượng khách mời để có thể tiếp đãi chu đáo cũng như đảm bảo chi phí. Thế nhưng hôm cưới lại bị thiếu mất vài mâm, khiến hai vợ chồng méo mặt. Số người tăng thêm này là người yêu, vợ hoặc thậm chí là... bạn mới quen của khách mời. Nhưng chẳng lẽ lại mời họ về thì mất vui!
Tôi thấy cô dâu, chú rể khi ghi thiếp mời thường viết theo thói quen là: "Trân trọng kính mời anh/chị... và người thương". Cách viết này sẽ khiến khách mời hiểu là cô dâu, chú rể muốn tổ chức đám cưới theo kiểu "càng đông càng vui" nên họ cũng cũng ngại ngần dẫn theo "đuôi". Thậm chí, có một số khách chưa có người yêu/người thương nhưng cũng phải cố "kiếm" người đi cùng cho "bằng bạn bằng bè". Vì thế, nếu giới hạn số lượng khách mời, bạn chỉ nên đề tên khách mời chính.
Ngoài ra, với những người khách là bạn bè thân thiết, khi đưa thiếp mời, bạn có thể nói với họ một cách dí dỏm rằng: "Đám cưới của tớ làm quy mô nhỏ thôi nên chỉ mời mình cậu thôi nhé, không nhận 'file đính kèm'". Hoặc cách khác: "Nếu dẫn thêm người, nhớ báo trước cho tớ đấy". Tùy từng đối tượng mà bạn nói cách nào cho phù hợp.
Đó là vài điều mà tôi đã nghiệm ra được từ đám cưới của mình. Tôi muốn chia sẻ với các bạn vì dù cưới xin là việc trọng đại, "cả đời có một lần" nhưng vẫn phải kiểm soát kinh tế cẩn thận để ngày vui được trọn vẹn.
Hà Thu
Mời độc giả và các nhà cung cấp dịch vụ cưới hỏi chia sẻ kinh nghiệm về đám cưới bằng cách gửi email tới địa chỉ: cuoihoi@ngoisao.vnexpress.net