Cơm nhão
Nấu cơm nhão, cơm nát là một trong những lỗi thường xuyên mắc phải của những người chưa quen việc bếp núc. Đôi khi, việc đổi loại gạo mới cũng có thể khiến bạn chưa căn được lượng nước phù hợp, khiến cơm bị nhão. Mẹo chữa đơn giản nhất là lấy vài lát bánh mì, cho lên mặt cơm rồi đậy nắp nồi lại để bánh mì hút bớt ẩm trong cơm. Khi áp dụng cách này, bạn cũng cần thường xuyên mở nắp nồi để hơi nước tránh ngưng tụ nhiều và nhỏ xuống mặt cơm.
Bạn cũng có thể xới cơm ra tô hoặc đĩa, dàn đều cho tơi rồi để nơi thoáng gió hoặc trước quạt, hơi nước có thể bay đi phần nào, giúp tình trạng nhão được cải thiện. Bên cạnh đó, bạn còn có thể cho cơm lên chảo chống dính, đảo đều qua lại trên lửa thật nhỏ khoảng 10 phút cho cơm se lại, đỡ được tình trạng nhão, nát.
Cơm khô cứng
Khi nấu cơm, nếu để lượng nước quá thấp, cơm có thể bị khô, cứng, thậm chí là chưa chín hẳn. Cách chữa đơn giản nhất là dùng đũa đâm vài lỗ rải đều trên mặt cơm, vẩy một ít nước ấm lên cơm, sau đó đậy lại và bật nút nấu tiếp. Với cách làm đơn giản này, cơm thể có thể khôi phục được độ ẩm, ăn sẽ bớt bị khô, cứng.
Ngoài ra, khi để cơm nguội lâu trong tủ lạnh, cơm cũng dễ bị khô cứng lại. Bạn có thể sử dụng cách hấp cơm hoặc cho vào lò vi sóng để làm nóng. Ngoài ra, bạn còn một cách khác là cho phần cơm cứng vào bát, đổ nước uống vào cho ngập mặt cơm khoảng vài phút cho nước ngấm đều. Nồi cơm nấu mới vẫn để chế độ nấu bình thường, khi cơm chuyển sang chế độ giữ ấm, bạn chắt phần nước trong bát cơm cũ khi nãy, đổ cơm vào nồi, đảo cho tơi rồi tiếp tục chế độ giữ ấm. Mẹo nhỏ này giúp cơm như được nấu lại lần hai với đủ lượng nước, giúp cơm bớt khô.
Cách lấy nước chuẩn
Mỗi loại gạo lại có độ hút nước khác nhau, có loại ưa nhiều nước, có loại cần ít nước. Do đó, không có công thức chung cho mọi loại gạo mà cần gia giảm, căn chỉnh tùy theo khẩu vị. Bạn có thể áp dụng một công thức an toàn là 1,5-2 chén chất lỏng cho mỗi chén gạo. Chất lỏng có thể là nước hoặc nước hầm.
Ngoài ra, bạn cũng có thể áp dụng mẹo dân gian về việc đo lượng nước. Khi cho cơm vào nồi, dàn đều gạo thật phẳng để cơm chín đều, sau đó đổ nước, căn sao cho mép nước cao hơn mặt gạo khoảng một đốt ngón tay là được. Mẹo này không đảm bảo cơm ngon với mọi loại gạo, tuy nhiên có thể giúp cơm ở mức an toàn, không quá nhão, cũng không quá cứng. Từ những lần sau, bạn có thể điều chỉnh lại cho phù hợp.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần lưu ý không vo gạo quá lâu hoặc không ngâm gạo. Việc này khiến gạo bị ngậm nước, khi nấu khó căn tỷ lệ chính xác, dễ bị nát. Hãy luôn vo gạo bằng nước lạnh, tránh sử dụng nước nóng.