Hóc xương cá là "tai nạn" thường gặp nhưng khi lần đầu tiên con của bạn gặp phải, hẳn bạn cũng cảm thấy bối rối vô cùng. Nhiều bố mẹ khi thấy con khóc lóc dữ dội thì liền cho tay vào miệng bé để bé nôn ói với hy vọng chiếc xương cá cũng đi ra theo. Cách xử lý này là một sai lầm vì không chỉ khiến bé sợ hãi mà còn làm cho tình trạng trở nên trầm trọng hơn, chiếc xương cá bị đẩy sâu vào trong.
Chị Biên Thùy (Hà Nội) có con gái gần 3 tuổi và đã hai lần phải xử trí với tình huống này. Lần đầu tiên khi bé Mun chưa đầy 2 tuổi và lần mới đây là lúc bé 2 tuổi rưỡi. Từ kinh nghiệm của bản thân và tìm hiểu thêm tài liệu, chị Thùy đã tìm ra "bí kíp" chữa hóc xương cá cho con. Chị chia sẻ: "Khi trẻ bị hóc xương cá, điều đầu tiên bố mẹ cần bình tĩnh trấn an trẻ bằng cách cho con xem chương trình yêu thích trên điện thoại hay bế con ra ngoài để đánh lạc hướng, giúp trẻ đỡ sợ.
Sau đó, bố mẹ cho bé ngậm viên kẹo vitamin C. Loại này có thể mua ở bất kỳ hiệu thuốc nào và nhớ là cho trẻ ngậm sẽ hiệu quả hơn nhai. Bố, mẹ hãy ngậm mẫu và hướng dẫn cho trẻ, có thể hướng sự tập trung của trẻ sang những việc khác để trẻ càng ngậm được kẹo lâu trong miệng càng tốt. Vitamin C có tác dụng làm mềm mục xương cá nhanh nên nó sẽ trôi luôn xuống họng".
Tuy nhiên, chị Thùy cũng lưu ý bố mẹ rằng, nếu xương quá to thì phải đưa bé đi viện ngay. Và sau khi áp dụng cách trên, bố mẹ vẫn cần theo dõi phản ứng của con. Nếu con có dấu hiệu đỡ, tức là không khóc liên tục, không kêu đau liên tục thì cứ tiếp tục cho con ngậm viên kẹo C. Trong trường hợp bé khóc nhiều thì phải đưa bé đến bệnh viện để được xử lý kịp thời.
Lần đầu tiên bé Mun bị hóc xương cá nhỏ, chị Thùy cho con ngậm khoảng 5 viên thì thấy con không kêu đau nữa. Còn lần thứ hai, chiếc xương to và dài hơn, dù đã sẵn sàng tinh thần đưa con đi viện để gắp nhưng chị Thùy vẫn kiên trì tự xử lý trước. Chị cho bé ngậm từng viên một trong khoảng một tiếng thì thấy chiếc xương không còn mắc ở họng nữa.
Hà Nhi