1. Táo, lê
Táo sau khi gọt vỏ và bổ nếu bạn không ăn ngay táo thường bị thâm bởi khi ta gọt vỏ chất tamin trong cùi táo sẽ phản ứng hóa học với kim loại ở lưỡi dao làm cho miếng táo bị thâm.
Để miếng táo, lê giữ màu tươi ngon bạn có thể tham khảo cách sau: Cho trái cây đã gọt vào trong một cái thau lớn. Trộn 1 thìa nước cốt chanh vào 1 ly nước ấm theo tỷ lệ 1:1. Bạn có thể nhân tỷ lệ lên theo số lượng nhiều ít trái cây đã cắt, đảm bảo rằng hỗn hợp nước chanh đủ ngập lượng trái cây cần bảo quản. Đổ hỗn hợp nước chanh vào thau trái cây. Ngâm trong khoảng 5 phút. Cuối cùng vớt trái cây ra, để ráo. Với cách này bạn sẽ giữ màu sắc tươi ngon của trái cây trong nhiều tiếng đồng hồ.
2. Cam
Muốn cam tươi lâu, phải chọn quả còn cả cuống, có hình dáng đẹp, không sâu, bệnh, đủ độ chín tự nhiên. Để bảo quản, bạn dùng dao hay kéo sắc cắt cuống quả dài 0,5cm, lấy vôi đã tôi chấm vào vết cắt. Cách làm này có tác dụng khử trùng, chống thối.
3. Nhãn
Nhãn muốn bảo quản được lâu nên tách ra khỏi cành. Không riêng nhãn mà nhiều loại quả khác như vải, chôm chôm, các bà nội trợ thường mua quả liền cành vì nhìn có vẻ đẹp và tươi ngon. Tuy nhiên, thực chất kiểu mua quả liền cành lại dẫn đến việc mua 1kg nhưng chỉ được 6 lạng quả và mất đến 3 - 4 lạng cành. Khi bạn mua về nhà ăn thì không nên mua cả cành trừ trường hợp mua để thắp hương, đi biếu...
4. Dưa hấu
Muốn giữ được dưa tươi lâu thì ngay từ đầu, khâu chọn dưa vô cùng quan trọng. Bạn phải chọn loại dưa vỏ cứng, mới chín, bỏ cuống ở núm.
Nếu bạn mua nhiều, thì cứ mỗi một quả bỏ vào một túi nilon rồi buộc chặt. Sau đó chuyển tất cả dưa vào chỗ râm mát, không cho ánh nắng chiếu vào. Luôn giữ dưa ở nhiệt độ thấp và trạng thái thiếu ôxi.
Ngoài ra, nếu bạn chỉ muốn bảo quản dưa hấu trong thời gian ngắn hơn, khoảng một tuần, bạn cũng có thể đặt dưa hấu trên bàn. Một ngày trước khi muốn ăn dưa, bạn nên cho dưa vào tủ lạnh. Tránh lưu trữ dưa hấu gần loại quả khác, vì dưa hấu là một loại trái cây có thể dễ bị hư hỏng do ethylene và khí đốt tự nhiên từ những loại quả bay sang.
5. Chuối tiêu
Để chuối tươi lâu hơn trong điều kiện bình thường, hãy mua chuối vẫn còn tươi hoặc chỉ mới vừa chín tới (khi phần cuống của chúng vẫn còn xanh), lớp vỏ của trái chuối không có vết trầy xước hoặc dập nát. Những trái chuối như vậy có thể bảo quản được trong khoảng một tuần nếu bạn thực hiện đúng các bước sau:
- Treo chuối trên giá, móc hoặc để chúng trong thố, đĩa đựng trái cây, nơi thoáng đãng.
- Đặt giá treo, móc hoặc thố, đĩa đựng chuối tránh xa ánh nắng mặt trời và hơi nóng.
6. Nho tươi
Để bảo quản nho được tươi lâu, trước hết các bà nội trợ phải chú ý đến màu sắc của chúng khi chọn mua. Cụ thể, đối với nho xanh, vỏ nho cần có màu xanh mát cùng lớp phấn bên ngoài, không dập nát, khó dứt khỏi cuống, ngửi không thấy mùi chua. Tương tự, nho đỏ vẫn giữ được màu nâu phấn, không thối nhũn, sờ vào quả đanh cứng.
Về cách bảo quản, lưu ý không rửa nếu chưa ăn ngay.Việc rửa nho sẽ làm mất đi lớp phấn bảo vệ bên ngoài, khiến cho quá trình chín diễn ra nhanh hơn. Cho nho vào một túi ni lông kín và bảo quản chúng ở nhiệt độ từ -1 đến 0 độ C. Chú ý để nho sát về phía sau tủ bởi vị trí này nhiệt độ thấp, khả năng lưu thông không khí cao.
7. Dưa chuột
Nếu mua dưa chuột tươi, nên chọn những quả có màu xanh sáng, cứng và chắc tay. Xem kỹ để phát hiện những vết chấm, đứt hoặc nứt vỡ trên bề mặt quả dưa. Không mua những quả đã quá già hoặc có màu vàng vì chúng thường chứa nhiều chất xơ không tan và hạt cứng. Ngoài ra, cũng nên tránh những quả mà hai đầu nhăn nheo, vì đó là dấu hiệu dưa đã cũ và bị héo. Loại dưa được trồng hữu cơ sẽ giàu hương vị và dinh dưỡng hơn.
Trước khi ăn, cần rửa kỹ dưa dưới vòi nước lạnh hoặc ngâm nước muối để loại bỏ bụi bẩn và thuốc trừ sâu. Để bảo quản dưa, bạn lấy một cái bát to rồi cho nước vào. Cắm phần cuống quả dưa xuống nước ngập độ 1/3. Mỗi ngày thay nước một lần, dưa chuột sẽ tươi lâu đến khi ăn.
Trần Quỳnh tổng hợp