Công thức thành công quen thuộc ở Silicon Valley: trẻ, là nam giới, đã bỏ học hoặc tốt nghiệp từ một trường thuộc top 3 hoặc top 4 đại học hàng đầu nước Mỹ, đã dần thay đổi. Vừa qua, Canva thông báo đã gọi vốn thành công với 40 triệu USD, đưa Melanie Perkins, 30 tuổi trở thành một trong những nữ CEO nữ trẻ nhất đang điều hành một startup được định giá tỷ USD.
Melania Perkins đồng sáng lập Canva vào năm 2014, một nền tảng "dân chủ hóa các thiết kế" từ slide trình chiếu powerpoint đến các mẫu tờ rơi. Trang web cũng cung cấp các công cụ thiết kế trực tuyến để những người không phải dân thiết kế đồ họa chuyên nghiệp cũng có thể sử dụng, thay thế cho phần mềm rắc rối như Powerpoint hoặc Adobe.
Trước khi sở hữu một startup tỷ USD, Melanie Perkins không có nhiều động lực để bắt tay vào hành trình kinh doanh. Thực tế, cô từng rất hài lòng với công việc giảng viên thiết kế tại trường đại học trừ việc luôn cảm thấy khó chịu với các phần mềm thiết kế phải sử dụng trong các giờ dạy của mình.
Những phần mềm hàng đầu như InDesign và Photoshop rắc rối đến nỗi rất nhiều sinh viên phải dành cả một học kỳ chỉ để học cách sử dụng công cụ, nhưng rất ít thời gian tìm hiểu về các quy tắc trong thiết kế. Nhiều người trong số họ trở nên chán nản. Ngoài ra, mặc dù các phần mềm thiết kế hữu dụng và tuyệt vời cho các sinh viên học ngành thiết kế nhưng với những người chỉ muốn học một chút về thiết kế để nhanh chóng làm ra được sản phẩm lại không có bất cứ phần mềm hỗ trợ nào.
Melanie cho rằng tương lai của ngành thiết kế trong bối cảnh các phương tiện cung cấp thông tin đang chuyển hướng sang các hình thức trực quan, sẽ không chỉ gói gọn trong các công cụ phức tạp, chỉ một số ít người có thể sử dụng. Đó phải là các công cụ trực tuyến, đáp ứng được nhu cầu của cả những nhà thiết kế chuyên và không chuyên. Mặc dù có một tầm nhìn rộng lớn, nhưng Melanie cho rằng cô phải bắt đầu từ những bước đi nhỏ nhất.
Vì vậy, trước khi ra mắt Canva, Melanie cùng bạn trai Cliff Obrecht bắt đầu thử nghiệm với Fusion Yearbooks, một trang web dựa trên công nghệ điện toán đám mây để các sinh viên có thể sử dụng các công cụ sẵn có và tự thiết kế các cuốn kỷ yếu. Perkin hiểu rằng, cô phải "bắt đầu từng bước nhỏ trước rồi sau đó mới phát triển lớn".
Fusion Yearbooks được coi là phiên bản thử nghiệm của Canva ở quy mô nhỏ. Melanie và Cliff lúc đó đã đặt văn phòng ngay trong căn hộ của mẹ, mượn tiền từ họ hàng để trả cho các lập trình viên viết phần mềm để xây dựng nền tảng. Chỉ trong vòng vài năm Fussion Yearbooks đã trở thành đơn vị xuất bản kỷ yếu dành cho sinh viên phổ biến nhất tại Australia trước khi mở rộng tầm ảnh hưởng ra Pháp và New Zealand. Mô hình kinh doanh thành công đến mức người đẹp quyết định nghỉ việc tại trường đại học để tập trung toàn thời gian cho công ty.
Thành công của Fusion Yearbooks mang đến cho Melanie sự tự tin để thực hiện ước mơ lớn của mình. Tuy nhiên, một giấc mơ lớn cũng cần một số tiền đầu tư lớn.
Vào năm 2010, Melanie quyết định bay đến Califonia để trình bày ý tưởng về Canva đến những nhà đầu tư tiềm năng. CEO của Canva cho biết, môi trường tại thung lũng Silicon giống một cú sốc văn hóa. Thái độ với việc tự quảng cáo bản thân ở Mỹ và Australia rất khác nhau. "Ở Australia, mọi người có thể nói thẳng ra những thành tựu của mình, còn ở thung lũng Silicon, nơi bạn đang cố gắng gọi vốn và xây dụng đội ngũ kỹ sư, thật khó để có thể nói về những thành tựu".
Những khó khăn này khiến Melanie mất 3 năm chờ đợi mới nhận được khoản tiền đầu tư 3 triệu USD đầu tiên. Năm 2013, Canva chính thức được ra mắt. Khi đó, Melaine, 26 tuổi trở thành CEO cùng hai nhà đồng lập là Cameron Adams một cựu nhân viên Google và bạn trai Cliff Obrecht.
Theo Melanie, mọi sự chờ đợi đều đáng giá. "Trong suốt 3 năm đó, chúng tôi nhận được rất nhiều lời từ chối, nhưng tôi nghĩ quá trình đó rất hữu ích với sự phát triển của Canva. Chúng tôi hiểu rằng chiến lược phát triển của mình vẫn chưa ổn và vẫn cần phải sửa chữa. Vì vậy, một khi đã nhận được sự đầu tư tức là chiến lực đã hoàn hảo, đảm bảo cho Canva có thể phát triển nhanh chóng và hiệu quả", người đẹp nói.
Cũng giống như Fusion Yearbooks, Canva được thiết kế để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Khi thế giới chuyển mình sang thời đại kỹ thuật số, nhu cầu về những thiết kế đẹp trở nên cấp thiết hơn với bất cứ lĩnh vực nào. Mọi công ty, từ những doanh nghiệp lớn đến những shop kinh doanh nhỏ lẻ đều có nhu cầu thiết kế những tấm biển quảng cáo ấn tượng để thể hiện giá trị.
Canva không được thiết kế để sử dụng trong lĩnh vực kinh doanh. Mô hình ban đầu là trang thiết kế trực tuyến dành cho mọi người, ai cũng có thể sử dụng từ học sinh đến giáo viên, kỹ sư... Mục tiêu phát triển của Canva là trở thành một trang web nơi mọi người có thể thiết kế mọi thứ từ một hình ảnh đẹp để đăng trên Instagram đến một tấm namecard để giới thiệu công ty.
Phần lớn các nhà lãnh đạo đều biết, có một thời điểm mà ai cũng trải qua là "hội chứng kẻ mạo danh" (Impostor Syndrome) với sự lo sợ chúng ta không đủ tốt để làm việc gì đó. Melanie nghĩ rằng những người mới sử dụng Canva cũng sẽ có suy nghĩ tương tự.
Có rất nhiều người đã tự xây dựng định kiến rằng thiết kế là một việc phức tạp, bí ẩn và không phải ai cũng làm được. Để họ thoát ra khỏi nỗi sợ này, nữ CEO trẻ đã cung cấp đến mỗi người dùng mới một đoạn video giới thiệu dài khoảng 23 giây, cùng 5 thử thách thiết kế. Từ đó, cô xây dựng sự tự tin cho họ chỉ trong vòng vài phút sau khi đăng ký trở thành thành viên.
Canva hiện nay sở hữu đội ngũ 250 nhân viên với văn phòng đặt tại Sydney và Manila. Trang web đã mở rộng quy một cách nhanh chóng với 100 triệu người dùng. Công ty đã gọi vốn thành công 82 triệu USD từ các nhà đầu tư như Sequoia China, Blackbirt Venture và Felicis Ventures. Canva cho biết các hoạt động của công ty đã bắt đầu mang về lợi nhuận và họ vẫn chưa sử dụng đến số tiền đầu tư của vòng gọi vốn gần đây nhất.
Theo người đẹp 8x, những lời nói và suy nghĩ tích cực đóng góp một phần rất lớn vào sự phát triển thành công của Canva. Vì vậy, cô có tham vọng rất lớn trong việc mở rộng tầm hành hưởng của của công ty: "Mục tiêu của chúng tôi là khiến mọi người trên thế giới đều có thể thiết kế", Melanie nhấn mạnh.
Vi Vũ
Theo BBC