Vẫn cách gói truyền thống nhưng biến tấu khi sử dụng nguyên liệu, chị Nguyễn Hường ở Kuala Lumpur có ngay món bánh chưng nếp cẩm nhân cá hồi vừa lạ, vừa ngon. Chị Hường cho hay ý tưởng gói chiếc bánh đến từ thói quen không ăn thịt heo của người đạo Hồi tại nơi chị sống. Dịp Tết 2019, chị gói 10 chiếc bánh chưng từ 5 kg nếp cẩm và hai bó lá dong. Chị Hường dành 5 chiếc cho gia đình, 5 chiếc còn lại mang biếu những người bạn thân thân thiết.
Định cư tại Malaysia đã 15 năm, chị Hường dần thích nghi thói quen ăn uống địa phương đồng thời biến tấu các món Việt phù hợp khẩu vị người bản xứ. Ngày Tết là dịp chị thiết đãi bạn bè bánh chưng, bánh tét được chế biến theo kiểu đạo Hồi. Cách đây một năm, chị từng thử làm bánh chưng thịt gà nhưng chưa ưng vì nhân khô, cứng.

Chị Hường mất 10 phút để gói một chiếc bánh chưng không dùng khuôn.
Chị Nguyễn Hường hài lòng với món bánh chưng nếp cẩm nhân cá hồi bởi lạ miệng, dễ ăn và bổ dưỡng. Chị chia sẻ vị đậm đà của gạo nếp cẩm kết hương thơm cá hồi tạo thành món ăn hấp dẫn, khó quên. Các con của chị không thích ăn gạo nếp thường và thịt lợn nên mê tít món bánh chưng của mẹ. Các vị khách người Malaysia được dịp thưởng thức món ăn dân tộc của Việt Nam mà không gặp trở ngại vì nguyên liệu không phù hợp.
Công thức làm bánh chưng của chị Hường không phức tạp, nguyên liệu gồm: gạo nếp cẩm, cá hồi, đậu xanh, hành tím, hạt tiêu và lá dong. Gạo nếp cẩm ủ qua đêm, cá hồi nên chọn phần bụng để mang đến vị béo ngậy. Đối với bánh chưng nếp cẩm, cần luộc lâu hơn loại thường, khoảng 10 giờ. Quy trình gói tuân thủ theo cách truyền thống, không có lưu ý gì đặc biệt.

Bánh chưng nếp cẩm cá hồi có màu đẹp và vị lạ.
Lam Trà
Video: NVCC