Chị Vui cho biết, chị đã có thai với anh Danh trước khi cưới nên anh Danh đề xuất tổ chức hôn lễ có đại diện của họ nhà trai nhưng không nên làm ầm ĩ. Lễ cưới đã diễn ra ngày 15/10/2003 tại nhà hàng với đầy đủ các nghi thức, chỉ có giấy chứng nhận đăng ký kết hôn là anh Danh khất để sau đám cưới.
Cưới xong, hai người thuê nhà ở phố Cầu Đất để ở. Ngày 20/1/2004, chị Vui sinh con trai. Chị giục anh Danh đi đăng ký kết hôn nhiều lần để làm giấy khai sinh cho con, nhưng anh tìm mọi cách né tránh. Dần dần, chị Vui sinh nghi, tìm hiểu mới biết ngày 28/12/2003, anh Danh đã cưới một người con gái khác. Lần này, anh đã đăng ký kết hôn.
Sự việc vỡ lở, ngày 21/3/2004, gia đình anh Danh cam kết hỗ trợ cháu bé 20 triệu đồng. Bản cam kết nói rằng việc hỗ trợ này mang tính tình cảm chứ không thuộc trách nhiệm nào và yêu cầu chị Vui không được gây ảnh hưởng đến tài sản, tình cảm, gia đình anh Danh.
Theo chị Vui, sở dĩ chị nhận 20 triệu đồng là lúc đó chị không muốn để con mình nhận một người cha tráo trở như Danh nữa. Nhưng sau nghĩ lại, chị thấy cần thiết phải xác nhận cha cho con vì đó là quyền lợi của đứa trẻ. Một ngày sau đó, chị Vui mang trả lại số tiền trên cho mẹ của anh Danh. Nhưng cả mẹ Danh và Danh đều không nhận và từ chối đề nghị xác định cha cho đứa bé của chị Vui. Cuối cùng, chị Vui khởi kiện ra tòa theo quy định của pháp luật. Ngày 8/4/2004, TAND quận Hoàng Mai, đã thụ lý vụ kiện.
Theo thẩm phán thụ lý vụ án, tòa đã tiến hành mời anh Danh lên lấy lời khai. Anh ta không thừa nhận cháu bé là con mình và có đơn gửi tòa án, công an đề nghị ngăn chặn "hành vi trái pháp luật" của mẹ con chị Vui. Danh cho rằng không rõ tác giả cái thai trong bụng chị Vui là của ai. Gia đình chị Vui đã lợi dụng quen biết giữa hai người để ép anh Danh làm đám cưới giả và có hành vi đe dọa xúc phạm đến gia đình anh.
Theo Phụ Nữ TP HCM, hiện anh Danh từ chối giám định ADN trong khi kết quả giám định ADN là yêu cầu bắt buộc trong vụ án xác định cha cho con. Cũng theo thẩm phán, nếu anh Danh tiếp tục từ chối đi giám định thì tòa án không có biện pháp nào ép buộc được. Tòa đã đưa ra giải pháp yêu cầu chị Vui nộp 20 triệu đồng, tòa sẽ tạm giữ để yêu cầu anh Danh đi giám định nhưng chị Vui không chấp nhận.
Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Thị Hằng Nga, Đoàn luật sư Hà Nội, việc chị Vui khởi kiện ra tòa xác nhận cha cho con là chính đáng và đúng pháp luật. Quyền xác nhận cha cho con được quy định tại điều 63, 64 Luật Hôn nhân và gia đình. Trong trường hợp này, nếu tòa án có căn cứ để khẳng định anh Danh từ chối giám định ADN và từ chối tham gia phiên tòa, thì tòa có thể tìm những chứng cứ khác để xác định anh Danh là cha hoặc không phải là cha đứa bé.
Qua hồ sơ vụ việc mà chị Vui phản ánh, có rất nhiều chứng cứ cho thấy anh Danh có liên quan đến cháu bé. Điển hình như trong thời gian chị Vui có thai, anh Danh có quan hệ qua lại với chị. Việc tổ chức đám cưới có đại diện họ nhà trai, bạn bè hai bên chứng kiến. Khi cưới xong họ đã thuê nhà sống chung, có xác nhận của chủ nhà và hàng xóm. Ngay cả việc anh Danh cùng gia đình "chu cấp" cho chị Vui 20 triệu đồng để nuôi cháu bé cũng là một bằng chứng. Nếu anh Danh thật sự không phải là cha của cháu bé thì sao anh ta lại từ chối giám định.
Theo mục b, điểm 5, Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao số 02, hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì: Khi có người yêu cầu tòa án xác định một người nào đó là con của họ hay không thì phải có chứng cứ. Do đó về nguyên tắc, người yêu cầu phải cung cấp chứng cứ. Trong trường hợp cần thiết thì phải giám định gen. Trong một hướng dẫn khác của ngành tòa án về việc giải đáp bổ sung một số vấn đề về áp dụng pháp luật thì: Trong trường hợp có tranh chấp về nhận con, nhận cha, nhận mẹ thì việc giám định máu, giám định gen là cần thiết. |