Mary Anne Loh, bà mẹ người Malaysia, chưa từng có suy nghĩ dù là thoáng qua trong đầu rằng con trai của mình có thể bị ung thư. Bởi cậu bé là một đứa trẻ khỏe mạnh, hiếm khi bị ốm. Thậm chí, cậu bé còn chưa từng phải uống thuốc kháng sinh.
Cho đến một ngày, Mary phát hiện ra điều đã làm thay đổi cuộc đời của cô và con trai mãi mãi.
Ung thư máu có thể chỉ bắt đầu bằng những cơn đau lặp đi lặp lại
Ethan (con trai của Mary) được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn ngay từ lúc chào đời. Cậu bé có sức khỏe tốt, chưa từng trải qua một trận sốt cao, ho hay cảm cúm nặng nào. Nếu bị sụt sịt hoặc ho hắng, cậu bé có thể tự khỏi sau chưa đầy 3 ngày mà không cần dùng thuốc.
"Cơn ác mộng" bắt đầu với mẹ con Mary vào đầu năm 2015 với những dấu hiệu cảnh báo đầu tiên là trận cảm cúm nặng và sau đó là sốt nhẹ. Đợt đầu tiên kết thúc sau gần một tuần và cậu bé đã không cần đi khám bác sĩ.
Hai tuần sau đó, mọi chuyện lặp lại, kéo dài và tình trạng tồi tệ hơn đợt trước. Ethan được mẹ đưa đến khám với một bác sĩ gần nhà. Không có dấu hiệu bất thường trong phổi và cậu bé được chỉ định chỉ cần uống siro trị ho Prospan. Sau đó, Ethan cũng khỏe lại. Cậu bé vẫn hoạt động bình thường, hiếu động và nhảy nhót như một chú khỉ.
Tuy nhiên, các triệu chứng khác bắt đầu xuất hiện. Ethan bị cúm, ho nhưng không sốt. Và các vấn đề này đều biến mất sau một tuần. Đến tháng 3 năm đó, Ethan bắt đầu nói với mẹ về những cơn đau dưới nách mà Mary nghĩ rằng đó có thể bắt nguồn từ việc cô bế con quá mạnh. Mary theo dõi sát sao và triệu chứng này cũng biến mất chỉ sau vài ngày.
"Tới tuần thứ 3 của tháng Ba, cơn đau dưới nách Ethan quan trở lại. Lần này, con đau đến mức không thể nhấc tay lên. Và một lần nữa, nó lại tự hết", Mary cho biết.
Bà mẹ một con đã hỏi ý kiến của nhiều bác sĩ nhi khoa, từ tháng 1 đến tháng 3, và đưa con đi khám nhiều lần.
Tháng Tư, Mary nhận thấy con trai bị sút cân nhưng con vẫn hoạt động, ăn uống được, ngoại trừ vài lần con phàn nàn về sự khó chịu ở dạ dày. Mary chỉ nghĩ rằng con bị đầy hơi và bị đi ngoài. Dù vậy, mọi vấn đề không quá nghiêm trọng để Mary cảm thấy có điều bất ổn. Ngay cả việc xét nghiệm máu cũng không tiết lộ được điều gì.
"Tháng Năm, những cơn đau ở chân bắt đầu. Thằng bé không thể đi bộ lâu và luôn muốn được bế. Sự khó chịu ở dạ dày trở nên thường xuyên hơn, con giảm cân đáng kể. Nhưng một lần nữa, mọi cuộc thăm khám đều cho thấy con vẫn ổn", Mary nhớ lại.
"Chúng tôi đã lên kế hoạch đi chơi ở công viên Disney vào ngày 23/5/2015, tuy nhiên chứng đau chân của con quay trở lại và chuyển biến xấu. Một số ngày con cảm thấy ổn nhưng cũng có những ngày thật tệ".
Khi những cơn đau kéo dài dai dẳng, Mary đã quyết định đưa con tới gặp bác sĩ chỉnh hình nhi khoa Yong Su Mei tại Trung tâm y tế Park City. Bác sĩ nghĩ ngờ có điều gì đó không ổn. "Chụp X-quang được thực hiện. Bác sĩ Yong lo ngại vấn đề về dạ dày của Ethan và lưu ý rằng trông con hơi nhợt nhạt. Cô ấy khuyên chúng tôi nên đưa con tới khám tại bác sĩ nhi Liew Pei Sze", Mary nói.
Bác sĩ Liew đã kiểm tra bụng của Ethan, lá lách và gan. Sau đó, cô yêu cầu xét nghiệm công thức máu (CBC).
"Nhìn biểu hiện trên khuôn mặt của bác sĩ Yong và bác sĩ Liew... Tôi bắt đầu tìm kiếm trên google những điều họ nói và... thế giới của tôi đã ngừng quay...", bà mẹ Malaysia nhớ lại. "Tôi đã mất một thời gian dài để có kết quả xét nghiệm máu. Tôi đã gọi cho người bạn thân của mình - người từng chiến đấu với bệnh bạch cầu trước đó. Bạn ấy cố gắng trấn tĩnh tôi... Tới 18h38 ngày 19/5/2015, bác sĩ Liew thông báo với tôi: WBC (White Blood Cell - Bạch cầu) của Ethan ở mức 24 (bình thường là 7, cao hơn một chút nếu nhiễm trùng). Tôi có thể nhớ rõ từng từ của bác sĩ như mới chỉ xảy ra vào ngày hôm qua".
"Mẹ Ethan, từ kết quả xét nghiệm máu, tôi rất tiếc phải nói xác suất mắc bệnh bạch cầu, một dạng ung thư máu là rất cao. Tiểu cầu và huyết sắc tố của Ethan đang ở mức nguy hiểm. Chúng ta cần thừa nhận điều này và con sẽ được chuyển đến Trung tâm y tế Subang Jaya lúc 7h sáng mai bằng xe cứu thương" - Đó là lời thông báo của bác sĩ khiến trái tim của Mary "vỡ vụn".
Ethan cần truyền máu và tiểu cầu. Cậu bé được giới thiệu điều trị với bác sĩ Chan - một bác sĩ huyết học nhi khoa và ung thư. Mary không bao giờ quên ngày hôm đó. "Tôi đã không bao giờ trở về trạng thái ổn định được kể từ sau hôm đó. Làm sao tôi có thể chứ? Bạn thấy đấy, các triệu chứng khác nhau và một số triệu chứng cần nhiều thời gian mới xuất hiện. Hầu hết các triệu chứng của Ethan có liên quan đến những cơn đau ngày một tăng dần", Mary nói.
Sau khi chia sẻ câu chuyện của mình và cho biết quá trình đồng hành cùng con đạt kết quả tốt. Mary nhắn gửi tới các bậc cha mẹ nâng cao nhận thức về bệnh ung thư ở trẻ. Đó là điều theo cô có ý nghĩa "thực sự quan trọng".
Bệnh bạch cầu ở trẻ em
Bệnh bạch cầu là một bệnh ung thư của các tế bào bạch cầu. Những tế bào trắng bất thường và khiếm khuyết này tập trung ở tủy xương và tràn vào máu.
Khi bệnh bạch cầu tiến triển, ung thư xâm lấn vào cơ thể sản xuất các loại tế bào máu khác, bao gồm hồng cầu và tiểu cầu. Điều này dẫn đến thiếu máu (số lượng tế bào hồng cầu thấp) và các vấn đề chảy máu, ngoài ra còn tăng nguy cơ nhiễm trùng do tế bào trắng bất thường.
Bệnh bạch cầu là loại ung thư phổ biến nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Các triệu chứng của bệnh bạch cầu ở trẻ em
- Mệt mỏi hoặc da nhợt nhạt
- Thiếu máu
- Nhiễm trùng và sốt
- Dễ chảy máu hoặc bầm tím, chảy máu mũi thường xuyên hoặc chảy máu trong một giai đoạn dài bất thường thậm chí chỉ với một vết cắt nhỏ, vì bệnh bạch cầu phá hủy chức năng tủy xương để tạo ra tiểu cầu hình thành cục máu đông.
- Mệt mỏi hoặc yếu ớt
- Khó thở
- Ho
- Đau xương hoặc khớp
- Sưng trên xương quai xanh
- Sưng ở bụng, mặt, cánh tay, nách, hai bên cổ hoặc háng (sưng hạch)
- Mất cảm giác ngon miệng hoặc giảm cân
- Nhức đầu, co giật, mất thăng bằng hoặc tầm nhìn
- Nôn
- Phát ban
- Vấn đề về nướu (lợi)
Hà Nhi (Theo Theasianparent)