Hai mươi bốn tuổi, Hạnh vào làm thư ký cho Toàn. Phong cách lịch lãm, nhẹ nhàng, kiến thức sâu rộng của giám đốc đã làm cô gái trẻ kính phục, ngưỡng mộ, đem lòng yêu thương. Vẻ ngây thơ, dịu dàng của Hạnh cũng khiến trái tim vị giám đốc điêu đứng. Bất chấp khoảng cách tuổi tác, vợ con, Toàn đến với Hạnh như mới yêu lần đầu.
Những rắc rối, oái oăm mà bất cứ mối tình tay ba nào cũng có kéo dài trong 6 năm. Đối đầu với bao dị nghị của dư luận, Hạnh kiên nhẫn chờ Toàn hoàn tất các thủ tục ly dị vợ để chính thức đến với cô. Cuối cùng, ngày ấy cũng đến. Vợ toàn ký đơn, nhận tài sản được chia, lên đường ra nước ngoài định cư với cha mẹ, vứt con lại cho Toàn nuôi.
![]() |
Mẹ kế - sẽ vô cùng khó khăn để có được tình yêu của con chồng. |
Theo Tiếp Thị Gia Đình, hai đứa con riêng của Toàn kiên quyết không chấp nhận Hạnh làm mẹ kế với lý do Hạnh chỉ hơn tụi nó 10 tuổi. Chúng bỏ học, tuyệt thực, đòi bỏ nhà đi bụi. Lúc nóng giận, chúng còn dọa thuê người rạch mặt kẻ cướp chồng của mẹ cho bõ ghét.
Toàn hoảng, Hạnh cũng hoảng. Hai người chưa lường trước tình huống này. Toàn nài nỉ Hạnh: "Em gắng chờ một thời gian, để anh lo cho hai đứa du học nước ngoài. Sau đó chúng mình sẽ làm đám cưới". Hạnh đã chờ Toàn thêm hai năm, nhưng anh đành bó tay với hai đứa trẻ. Chúng nhất định không đi đâu khỏi nhà.
Chúng không đi, Hạnh đành đi. Cô đã mòn mỏi trong sự đợi chờ. Ba mươi hai tuổi, Hạnh ngầm ngùi chia tay Toàn. Tình yêu trong cô giờ chỉ còn lại những dư âm cay đắng.
Trường hợp của Vân khác hẳn. Dũng - người cô yêu đã ly hôn vợ vài năm, để lại hai cậu con trai cho anh. Hai đứa trẻ, một lên mười, một lên tám, không tỏ vẻ gì phản kháng khi bố đưa cô gái trẻ về nhà giới thiệu: "Đây là dì Vân mà bố sắp cưới làm vợ". Mỗi lần Vân đến thăm Dũng, chúng đều chào hỏi rất lễ phép. Vân vui sướng với ý nghĩ: "Anh ấy có hai nhóc thật dễ thương".
Những trò tai quái của hai đứa trẻ bắt đầu từ tuần trăng mật của hai người. Khi mở va-li, Vân gần ngất xỉu vì đám sâu bọ bò lung tung trong quần áo. Ngay cả trong hộp phấn, thỏi son cũng có loài côn trùng kinh khủng đó. Dũng trấn an Vân, cho rằng đây chỉ là trò nắn gân mẹ kế của lũ trẻ nghịch ngợm. Vân cố mỉm cười.
Các trò đùa quái quỷ tiếp tục diễn ra. Cô cố gắng chịu đựng, cười xòa trước con mắt tinh quái của hai đứa con chồng.
Cho đến một hôm, nấu xong bữa cơm chiều, Vân dọn mâm, che lồng bàn thật kỹ rồi lên lầu tắm rửa. Nửa tiếng sau, khi cả nhà quây quần bên mâm cơm, Vân khoe với chồng đã chuẩn bị xong món cary chồng vẫn thích. Cô hào hứng cầm bát, múc ra... một con chuột vẫn thở thoi thóp trong lớp nước vàng ươm, nóng hổi.
Hồn vía bay lên mây, Vân hét lên, quăng bát cary đổ tung tóe trên bàn rồi bỏ chạy, khóc nức nở. Dưới nhà, hai cậu con chồng tủm tỉm nhìn bố: "Chắc nó tự nhảy vào đấy, đâu phải tụi con làm".
Vừa quen Tuấn, Hường đã bị bạn bè cản: "Đừng dại mà nhào vào đám đó. Ông ấy đang gà trống nuôi con, phức tạp lắm". Sau thời gian quen biết, cô gái hai lăm tuổi, đồng ý về làm vợ người đàn ông tuổi bốn mươi, vợ chết, để lại 3 đứa con nhỏ đang độ tuổi phát triển.
Trước đám cưới 3 tháng, Hường tìm đến các chuyên gia tư vấn, đặt câu hỏi, chuẩn bị sẵn những tình huống sẽ gặp khi tiếp xúc với con của chồng. Nhờ vậy, cô không lúng túng, khó xử lắm trước thái độ tỵ nạnh, bất hợp tác của ba đứa trẻ. Thay vì ra dáng mẹ kế, Hường tạo cho chúng cảm giác mình là người bạn nhiều tuổi hơn. Cô không giành giật tình thương của bố lũ trẻ, mà tiếp thêm tình yêu của mình cho chúng.
Một lần, Tuấn bị tai nạn giao thông, phải nằm viện suốt mấy tháng. Vừa lo cho chồng, vừa chăm sóc lũ trẻ, Hường bận túi bụi. Tuy nhiên, sự cố gắng và lòng chân thành của cô không uổng phí.
Sáng Chủ nhật, khi mọi việc đã đâu vào đấy, Hường thức dậy, xuống bếp chuẩn bị điểm tâm cho cả nhà. Cô ngạc nhiên khi thấy ba đứa trẻ đã dậy, đang lúi húi xào nấu. Lát sau, trước bàn ăn, Hường xúc động đến rơi nước mắt. Hôm nay là sinh nhật của cô. Bận bịu quá, cô cũng quên khuấy mất. Vậy mà 3 đứa trẻ đã nhớ, và bày tỏ tình cảm với người mẹ kế bằng một bữa sinh nhật khó quên.
Một nhà thơ nữ khá nổi tiếng có lần bùi ngùi kể về mẹ kế: "Dì về làm vợ ba mình lúc tuổi mới ngoài 20. Anh em mình và cả họ hàng đều coi khinh dì. Trước mặt ba, tụi mình ngọt ngào. Sau lưng lại coi mẹ kế như oshin trong nhà vậy. Vậy mà dì chẳng một câu than thở với ba".
Gần 10 năm sau, mẹ kế mới có mang. Khi sắp sinh em bé, dì năn nỉ anh em mình: "Các con đối xử với dì thế nào cũng được, nhưng đừng ghét bỏ em, tội nghiệp nó".
"Khi đã trưởng thành và nhìn nhận mọi việc sâu sắc hơn, tôi ân hận vì đã tệ với dì. Nếu tôi ở hoàn cảnh ấy, chắc không chấp nhận nổi vài ngày chứ đừng nói là suốt mười mấy năm trời. Càng nghĩ, càng thấy thương dì hơn", chị bùi ngùi.
Đến nay, người phụ nữ ấy đã là mẹ kế của chị hơn 20 năm. Cuộc sống của họ rất êm đềm. Mỗi lần nhớ chuyện ngày xưa, chị lại cười ngượng nghịu, trong mắt ngập tràn sự yêu thương.