Dạo một vòng quanh khu vực Chợ Lớn, đặc biệt là chợ Kim Biên (quận 5, TP HCM), khách thật sự “rối” trước sự phức tạp về chủng loại cũng như nguồn gốc của các loại sữa bột hiện nay.
Tại khu vực này có bán rất nhiều sữa đóng lon, bịch giấy, túi nhựa đến cả sữa xá đóng bao tải, bao nilông cột dây thun. Giới kinh doanh thường giới thiệu các loại sữa nói trên có nguồn gốc từ Australia, Hà Lan hoặc Hàn Quốc. Riêng sữa xá có 3 dạng là sữa bột béo, giá 50.000-52.000 đồng/kg; sữa lạt 34.000-35.000 đồng/kg và sữa mặn (xác sữa) 25.000-26.000 đồng/kg.
Theo các cơ quan chức năng, trừ các loại sữa đóng lon, bịch có thương hiệu, các loại sữa xá, sữa các cơ sở nhỏ tự đóng gói chất lượng và nguồn gốc đều rất phức tạp.
Mới đây, Chi cục Quản lý thị trường TP HCM phát hiện xe tải của một công ty có trụ sở tại quận 12 vận chuyển gần 100 thùng sữa bột không có hóa đơn, chứng từ đi tiêu thụ. Tại trụ sở công ty, lực lượng kiểm tra còn phát hiện thêm 60 thùng sữa bột đã đóng thành lon, hộp, bịch với 6 chủng loại khác nhau. Tất cả đều là sữa xá rẻ tiền của Trung Quốc nhưng cơ sở này đã đóng thành lon, hộp, bịch rồi quảng cáo: “Sữa ngăn ngừa béo phì, tiểu đường và chống loãng xương”; “Sữa nguyên kem có DHA, Taurine dùng cho trẻ 1-15 tuổi”; “Sữa tăng cân, phát triển thể lực, thông minh hơn”... Có loại còn quảng cáo trên bao bì là: “Được chuyển nhượng từ tập đoàn Enter Milk, nguyên liệu nhập từ Australia”.
Một tiểu thương bán sữa tại chợ Kim Biên bật mí, các loại sữa xá chủ yếu được các cơ sở sản xuất mua về làm bánh, kem... Tuy nhiên, do bán lẻ lợi nhuận cao hơn nên nhiều người mua về pha trộn rồi đóng gói nhỏ lẻ để bán ra thị trường, đặc biệt là đưa về các tỉnh. Công thức mà họ pha chế cũng không có gì đặc biệt, chủ yếu là cho thêm đường, hương sữa, bột béo tổng hợp.
Theo TS-BS Nguyễn Thị Minh Kiều, Giám đốc Trung tâm Khoa học Thực phẩm và Dinh dưỡng ứng dụng TP HCM, bản thân sữa là một nguồn thực phẩm rất tốt cho cơ thể con người. Nhưng sẽ không có tác dụng nếu là sữa kém chất lượng, quá đát, bảo quản không tốt hay bị pha trộn quá nhiều thành phần khác.
Ông Nguyễn Xuân Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh - Y tế công cộng, cho rằng sở dĩ chất lượng sữa đang rất phức tạp là do công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Nguyên liệu sữa bột chủ yếu nhập từ nước ngoài dù có kiểm tra trước khi nhập vào nhưng sau đó, nhà sản xuất chế biến như thế nào thì không ai biết được. Ngoài ra, theo quy định trước khi đưa một loại sữa ra thị trường cơ sở sản xuất phải đăng ký chất lượng. Tuy nhiên, khi đăng ký với các cơ quan chức năng, nhà sản xuất thường chọn mẫu tốt nhất để xét nghiệm. Sau đó, chất lượng sản phẩm có đạt như lúc đầu hay không thì không thể kiểm soát được vì vấn đề “hậu kiểm” chưa được làm thường xuyên.
Ông cũng thừa nhận rằng: “Vấn đề quan trọng nhất là biết được sản phẩm có được sản xuất đúng theo tiêu chuẩn công bố hay không thì các cơ quan chức năng lại không đủ lực (kể cả kinh phí và thiết bị). Vì vậy nhà sản xuất tha hồ “nổ” còn người tiêu dùng thì trong cảnh “may nhờ, rủi chịu”.
(Theo Người Lao Động)