Giá của chứng khoán OTC lên xuống không biết đường nào mà lần. |
Có lạ là gần đây những giá mua, bán quá thấp hoặc quá cao cũng như nhiều giao dịch thành với giá bất thường đa số là “ảo”, ngoại trừ việc làm giá cổ phiếu OTC, không ít “lính đánh thuê” đã dùng các trang web này để phục vụ cho những “ông chủ” giấu mặt.
Sau khi Eximbank cùng một loạt ngân hàng (NH) cổ phần được phép tăng vốn điều lệ, giá cổ phiếu NH trên thị trường OTC đã nhích lên chút ít.
Tuy nhiên, trên nhiều trang web, chiều 15/5 giá của Eximbank vọt từ 10,5 triệu/cổ phiếu (mệnh giá 1 triệu) lên 13,5 triệu/cổ phiếu là điều khó ai tin nổi nhưng vẫn có người rao mua giá này.
Thử liên lạc với bốn lời rao mua giá 13,5 triệu/ cổ phiếu, tất cả đều cho biết: “Tôi đã mua rồi, giá 13 triệu/cổ phiếu. Còn các NH khác thì đều được đẩy lên 3-10%, thậm chí người mua còn cam đoan “có bao nhiêu ôm hết”.
Ra chợ chứng khoán Nguyễn Công Trứ (quận 1, TP HCM), nhà môi giới tự do Đặng Kim Loan cho biết: “Giá mấy hôm nay có tăng nhưng cùng lắm chỉ 3-5 % thôi. Họ được thuê ra đấy”.
Chị Loan giới thiệu cho A., người chuyên rao mua bán “ảo” từ hơn năm nay. A. cho biết: “Đại gia thuê chúng tôi, cứ mỗi nick rao mua bán trên web OTC trả 50.000 đồng/ ngày, nếu cần có thể đưa cho tôi một ít cổ phiếu bán gần với giá rao bán, mua để khách hàng tin là thật và giá được đẩy lên hay xuống theo ý họ”.
Không chỉ cổ phiếu NH mà nhóm của A cùng hàng chục nhóm khác được còn được thuê làm giá kiểu này với rất nhiều loại cổ phiếu: từ “hạng ruồi” như M.L, P. Đ, C. cho đến các cổ phiếu “hàng hiệu” của các ngành NH, bất động sản, cao su, vàng bạc đá quý...
Nhóm của V. thường xuất hiện trên trang web O. với hàng chục nick khác nhau, tuy rao bán hàng chục, trăm ngàn cổ phiếu nhưng V. thú thật “đứa nào vốn nhiều lắm cỡ 50 triệu đồng, toàn làm thuê cho mấy đại gia không anh ơi”.
V. kể được một đại giá thuê rao mua 50.000 cổ phiếu M.L với giá 40.000 khi thị trường có giá chung là 38.500 đồng. Rồi tiếp tục rao bán 50.000 cổ phiếu M.L chỉ với giá 38.500 đồng.
Chuyện còn lại là “người thuê lo và ông ta tính toán thế nào mà vẫn trả nhóm em 1 triệu đồng trong vụ này”. Trả lời câu hỏi tại sao người thuê không đứng ra rao mua, bán mà phải thuê, V. cười bảo: “Chỉ có vài ba ông thì làm sao ra thị trường nhộn nhịp hả anh”.
Tổng Giám đốc công ty M.L từng nói: “Tôi nghĩ cò kẻ dìm giá cổ phiếu M.L vì họ rao dưới 35.000 đồng nhưng hỏi mua có bao giờ được đâu”.
Giá của M.L luôn chênh giữa mua và bán qua các lời rao trên 50% , còn Alphanam có khi chênh hơn 100%, NH Quân Đội chênh 30-40%. Nhưng hầu như chẳng ai mua hay bán được với giá cao, thấp nhất từ những lời rao đó.
Phó Tổng Giám đốc NH Đ. thì nói thẳng: “Tôi biết ai đứng đằng sau và thuê kẻ tạo ra những phi vụ ảo với cổ phiếu Đ.A trên thị trường OTC, họ là một trong những đối tác đang đàm phán mua lại cổ phiếu của chúng tôi nhưng tìm chứng cứ để vạch mặt thì rất khó”.
Ông Huỳnh Anh Tuấn, Trưởng phòng môi giới công ty chứng khoán ACBS cho biết: “Ngoài việc làm giá của những cá nhân nhỏ lẻ thì tôi biết có tổ chức cũng nhảy vào làm trò này nhằm mục đích để bán hay mua được số lượng lớn cổ phiếu của đối tác”.
Chuyên gia chứng khoán Huy Nam nhận định: “Do chưa có thị trường OTC đích thực và các trang web OTC, biên độ chênh lệch giá không bị kiểm soát nên thị trường OTC còn bị lũng đoạn, thao túng mạnh hơn thị trường niêm yết”.
Nhà đầu tư H. (sàn SBS TP HCM) thú nhận: “Trước đây tôi đầu tư OTC nhiều hơn nhưng giờ thì rút gần hết vì từng lạc vào mê hồn trận giá và hớ hơn 100 triệu vì cổ phiếu Đạm Phú Mỹ, NH Đông Á, Nhiệt điện Bà Rịa”.
Không chỉ kích giá mà gần đây hiện tượng dìm giá ngày càng phổ biến. Phó tổng giám đốc một công ty chứng khoán than phiền “Công ty chúng tôi lợi nhuận, doanh số, triển vọng đều tốt nhưng giá cổ phiếu cứ nhích lên một chút lại có kẻ mua vào giá thấp theo tỷ lệ nghịch”.
Hay giá cổ phiếu của một khách sạn có vị trí đắc địa ngay trung tâm TP HCM, giá cứ vọt lên khoảng 100.000 đồng là bị kéo xuống lại vì như giới đầu tư kháo nhau “mấy ông chủ Đài Loan đang mua gom cổ phiếu này không muốn lên cao quá”.
Không chỉ đại gia trong nước mà cả các tổ chức nước ngoài, quỹ đầu tư cũng bắt đầu tìm thấy kẽ hở để thôn tính doanh nghiệp mà mình mong muốn bằng các trò kích, dìm giá trên.
(Theo Tiền Phong)