Sau khi mua được hoa hồng Jubilee Cerebration, giống hồng bụi được lai tạo bởi David C. H. Austin năm 1998, chị Hà Lê (43 tuổi, Hà Nội) trổ tài cắm hồng ở nhiều loại bình khác nhau. Chị nhận xét hoa hồng có cành dáng rủ nên thích hợp để làm giàn leo ban công, hàng rào. Với màu sắc cam cá hồi, các cánh xếp tầng lớp như đài sen, hương thơm ngọt ngào nên loài hoa này còn có một cái tên mỹ miều là "búp sen trên cạn". Do hoa rủ mềm mại, thân mảnh mà bông to như chén uống nước nên khi cắm, chị Hà Lê gợi ý chọn chiếc bình cổ thật nhỏ để dễ giữ được hoa đứng thẳng. "Bình miệng rộng rất khó cắm vì hoa bị ngả nghiêng, xiêu vẹo khó giữ được dáng", chị Hà bật mí. Chị Hà nhận xét hoa có độ rủ cao nên thích hợp để cắm một mặt của chiếc bình thay vì cắm ở cả 360 độ. Chị cắm hoa cao thấp đan xen và gợi ý nếu bạn chưa rành cắm hoa, bạn nên cắm các cành hoa thấp trước rồi mới cắm các cành cao dần, tính toán số lượng để tạo bố cục kim tự tháp, nhiều hoa ở dưới và ít hoa dần bên trên. "Cắm xong, bạn cần phải để bình hoa lên cao một chút mới ngắm được mặt bông hoa", chị bổ sung. Với tiết trời mùa hè, chị Hà gợi ý bạn đổ nước đầy bình, cho vài giọt nước súc miệng hay nước rửa bát, nước cốt chanh... pha vào nước để không phải thay nước hàng ngày nhé. Chị phân tích hoa rủ khó cắm nên nếu thay nước, bạn sẽ phải cắm lại rất vất vả vì bông càng nở to càng trĩu xuống. Với bình nhỏ, chị Hà cắm ít hoa cho vừa miệng bình, cắm theo kiểu bất đối xứng, thấp dần từ phải sang trái. Chị bật mí nếu có điều kiện, bạn phun nước dạng sương cho lá 2-3 lần mỗi ngày, để chỗ thoáng, tránh gió quạt và điều hoà để hoa tươi lâu hơn. Hoa được cắm ở bình nhỏ, miệng rộng. Chị Hà chỉ sử dụng 3 bông hoa để tạo sự cân đối. Chị cắm độc một bông trong bình thuỷ tinh trong suốt miệng nhỏ. Để không gian thêm đẹp, chị sử dụng tượng làm điểm nhấn trang trí cạnh bình hoa. "Ngày cuối, cành hoa không còn được tươi, các bạn có thể ngắt bông thả bát để chơi thêm 1-2 ngày", chị chia sẻ. Hằng Trần Ảnh: Hà Lê