
14 ngày sau khi kết thúc đợt hóa trị cuối cùng, chị Bùi Thu Thủy (hay Thủy Bốp) ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, bắt đầu hành trình chinh phục đỉnh Fanxipan cao 3.143 m. Bà mẹ đơn thân biết tin mình bị ung thư vú khi vừa bước qua tuổi 30 chưa lâu. Hiện, chị và con trai tên Bốp, 10 tuổi, sống trong ngôi nhà trên phố Hàm Long. Sau khi nghỉ làm ở công ty, chị Thủy kiếm tiền điều trị và trang trải cuộc sống cho hai mẹ con từ công việc kinh doanh bánh ngọt, thực phẩm tự chế biến qua mạng.

Chuyến đi dự định từ năm 2014 nhưng mãi tới tháng 12/2015, chị Thủy mới thực hiện được. Lúc đầu, chị định leo vào cuối tháng 11/2015 để kịp về trước ngày truyền hoá chất cuối cùng một hôm, nhưng không dám liều đánh đổi sức khỏe của mình, chị đành lỡ hẹn với bạn để truyền hoá chất xong mới lên đường.
Trước khi leo, chị cùng những người bạn ngày nào cũng "làm mấy vòng công viên, tập leo bộ, tập chân các kiểu", rồi "hừng hực khí thế mua sắm chuẩn bị đồ dùng". Ngày 18/12, đoàn của chị gồm 9 thành viên ghép cùng nhóm 7 người nữa bắt đầu xuất phát lúc 8h30 từ Trạm Tôn ở độ cao 1.900 m. Ai cũng lo cho sức khoẻ của chị Thủy, còn bản thân chị thì "nghĩ trong đầu rồi, nếu bất kỳ lúc nào trong quãng đường đi cảm thấy sức khỏe đuối sẽ dừng ngay lập tức, không liều". Hôm đó, đoàn gặp thời tiết xấu, "mưa rào và lạnh thấu xương", "đường vừa trơn, vừa bẩn, vừa nguy hiểm".

Theo lịch trình, đoàn sẽ leo từ Trạm Tôn đến trạm dừng chân đầu tiên ở độ cao 2.200 m sẽ nghỉ trưa. Porter (người mang vác đồ) cho biết từ 1.900 m tới 2.200 m là đoạn đường "bà mẹ, trẻ em" vì dễ đi nhất. Các thành viên ai nấy đều khí thế xuất phát nhưng do thể lực khác nhau nên "cuối cùng, mỗi người đi một kiểu". Đi được khoảng một tiếng, chị Thủy cảm thấy chân mỏi rã rời nhưng còn hơn ba tiếng nữa mới tới trạm dừng chân. Đi một đoạn, chị lại phải ngậm ngay lập tức kẹo gừng cho đỡ tụt đường huyết. Cuối cùng, chị Thủy cùng một thành viên nam là những người đầu tiên đến điểm nghỉ chân 2.200 m và phải "ngồi đợi chán chê 40 phút sau mới thấy cả đoàn đến nơi".

"Tất, giầy ướt sạch. Băng vệ sinh lót giầy để chống đau chân cũng ướt sạch. Ướt, lạnh, bẩn, đói. Bữa trưa của chúng tôi là trứng luộc, bánh mì, dưa chuột và gà. Giữa rừng núi rét mướt ăn sao mà ngon thế", chị Thủy kể lại trong bài viết trên Facebook sau chuyến đi.
Ảnh chụp chị Thủy (đội mũ len) cùng các thành viên trong đoàn selfie tại một điểm dừng chân.

Ăn xong chưa kịp nghỉ, chị cùng mọi người "leo tiếp đến điểm nghỉ chân 2.800 m" cho kịp trời tối.

"Từ 2.200 m đến 2.800 m, theo người dân đây là đoạn đường khó leo nhất, kinh khủng nhất. Vượt qua được quãng đường đấy rồi thì từ đó lên đỉnh sẽ dễ dàng hơn. Họ nói không sai. Từ 2.200 m đến 2.800 m đúng thật là đi đầy ải. Từ 2.200 m - 2.800 m có 8 cái đỉnh núi thôi ý mà. Cứ một bên núi một bên vực", chị Thủy mô tả.

Vừa hùng hục leo lên một cái đỉnh ngửa mặt lên nhìn là cái đỉnh khác cao hơn khiến bà mẹ một con "cảm giác chán không thể tả được" và "không hiểu tại sao mình mò lên đây làm gì".

Từ đỉnh núi nhìn xuống bên dưới chỉ thấy biển sương mù, "mù mịt, mờ tịt". Đỉnh 7 là đỉnh cao nhất và nguy hiểm nhất khiến chị Thủy phải bám, bò, trườn để lết tới nơi. Thế mà cuối cùng chị vẫn cùng leader dẫn dầu đoàn lết về điểm nghỉ chân 2.800 m.
Một thành viên trong đoàn đã chính thức gục, phải nhờ porter cõng về. Lán nghỉ 2.800 m không có điện khiến mọi người ngồi ăn tối với thịt gà, cơm, rau, nguyên một con lợn cắp nách nướng mà đoàn đặt riêng và sinh hoạt trong bóng tối hoặc nhờ ánh sáng của điện thoại. 9 người sau đó chui trong một cái lán ngủ trong túi ngủ.

Sáng hôm sau, ba "đồng chí" khác báo nghỉ. Từ 2.800 m leo xuống 2.700 m rồi lại leo lên 2.900 m, quãng đường này đỡ mệt hơn hẳn quãng 2.200 m - 2.800 m. Trời lúc này mưa to, con đường "tơ lụa bùn" ngập 20 cm, lầy lội, trơn lún, do công nhân đang thi công cáp. Có những đoạn chỉ đủ đặt vừa một chân, trượt cái là xuống vực.
Trong ảnh là đoạn đường có dây cáp vắt qua khiến người leo núi phải khom mình.

Sau gần ba tiếng leo, chị Thủy cùng leader mới trông thấy những bậc thang dẫn lên đỉnh Fanxipan. "Đáng lẽ tôi phải vui sướng, phải phấn khích. Ấy vậy mà chẳng có tí cảm giác nào ngoài thấy chết cóng. Nhiệt độ trên đỉnh -6 độ. Vẫn mưa và đóng băng. Mây mù che kín không thấy bất kỳ cái gì xung quanh. Xấu ơi là xấu. Chỉ thấy một cục Inox giữa một màu xám xịt", chị Thủy kể.

Tay chân buốt không cử động được, chị Thủy "nhanh nhanh chóng chóng cởi hết bộ đồ áo mưa mặc ngoài ra ôm cục inox tạo dáng chụp ảnh rồi... té".
Quãng đường đi xuống đơn giản hơn nhiều. Chị Thủy và leader cứ thể "chạy ầm ầm xuống núi", không mệt nữa nhưng đau chân không chịu nổi. Nhìn thấy cửa ra Trạm Tôn, chị Thủy "hết mệt mỏi ngay lập tức", "sướng hơn được lên đỉnh" và "lúc đấy mới cảm thấy mình là người chiến thắng". Về tới khách sạn, chị nghỉ ngơi "chán chê" cả đoàn mới về. "Tự hào lắm chứ, về đầu tiên cơ mà", chị Thủy chia sẻ.
Xem tiếp hành trình leo Fanxipan của mẹ đơn thân
Bình Minh
Ảnh: Nhân vật cung cấp