Tôi là người có tính lo xa và chu toàn nhiều thứ do từ bé đã tự lập. Giờ này năm ngoái tôi còn mơ mộng nhắn nhủ chồng mình: "Anh cố gắng cùng mẹ lo Tết này, sang năm mình cưới rồi em sẽ không để mẹ lo nữa". Và đúng một năm sau, chính là thời điểm gần Tết này, chúng tôi đã cưới nhau được gần 2 tháng.
Mẹ chồng tôi là người xem trọng đồng tiền nên ngay từ hôm rước dâu về nhà trai, bà đã làm tôi khóc vì giận. Tôi mặc áo dài làm lễ xong, đến phần tiệc tôi chuẩn bị thay váy cưới thì bà nói: "Cứ mặc áo dài đi, không được ăn mặc lố lăng quá, không cần thay". Chúng tôi cưới nhưng tất cả tiền mừng của khách và họ hàng tôi không hề được biết và cũng không được nhìn tới vì toàn bộ đã có con dâu lớn của bà "xử lý". Tôi không biết sau này mình sẽ trả lễ lại cho họ như thế nào đây?
Kể từ khi về làm dâu, tôi thấy rất buồn. Lăn lộn bao năm ở Sài Gòn, bản thân tôi đã phải trải qua biết bao khó khăn từ khi còn là sinh viên đến lúc ra trường và gặp anh, "người đàn ông to lớn của tôi". Chưa bao giờ tôi thất vọng và tâm trạng như thế này. Tôi giật mình khi mẹ tôi hỏi: "Giờ này tuần sau là Tết, sao con không về phụ ông bà bên kia?". Lòng tôi đắng ngắt khi nghĩ đến chuyện này... cái Tết đầu tiên với nhà chồng.
Chưa bao giờ tôi có khái niệm mẹ chồng, nàng dâu vì ở nhà tôi mẹ ruột tôi không có khoảng cách với các chị dâu, cưng hơn con gái vì mẹ tôi luôn nghĩ: "Con gái người ta về nhà mình phải thương yêu để gắn kết như con gái". Và các chị dâu tôi cũng thế, thân thiết với mẹ như mẹ ruột. Tôi cũng cố gắng cư xử với mẹ chồng mình như thế, tôi thân thiện, chia sẻ với mẹ, xem mẹ như mẹ ruột của tôi. Thế nhưng, đáp lại tấm lòng của tôi là sự so sánh, xét nét, chê bai vì tôi là gái thành phố, chỉ biết học chứ không biết làm gì. Khác nhau về cách sống tạo nên nhiều khác biệt, tôi là người dễ thích nghi vì bản thân đã trải qua nhiều hoàn cảnh nên tôi hiểu thế nào là nghèo, là giàu sang, là nhà quê, là thành thị...
Ảnh minh họa: Inmagine. |
Tôi và chồng gặp nhau tại thành phố. Anh kết thúc khóa học về quê và khi chúng tôi quyết định làm đám cưới cũng có nghĩa là tôi sẽ từ bỏ tất cả ở thành phố để về quê làm lại từ đầu. Cầm tấm bằng đại học với 3 năm kinh nghiệm rải hồ sơ ròng rã hai tháng trời nhưng ở tỉnh, không thân không thế, không tiền, lại là thời điểm cuối năm nên để tìm được công việc phù hợp không phải dễ. Tôi thất nghiệp và cố gắng chờ ra Tết xem sao. Điều tôi mong mỏi là sự cảm thông, là lời động viên của bà, thế nhưng không phải như tôi nghĩ. Bà chê bai tôi không được làm nhà nước, chê tôi không có việc, chê tôi đã không làm ra tiền còn không biết tiết kiệm... chê toàn tập. Và nhất là đem tôi ra so sánh với con dâu lớn của bà. Về nhà chồng lúc nào tôi cũng nghe bà nói: "Mày ổn định công việc đi chứ!". Tôi ghét hai từ "ổn định" của bà.
Tuần trước, tôi rủ bà đi chợ mua đồ lo Tết vì tôi biết, càng gần ngày giá sẽ càng tăng. Bà phán một câu xanh rờn: "28 Tết đi mua luôn một thể. Có tiền muốn mua gì mà không có". Khi tôi nói để tôi muối dưa, bà nói luôn: "Thôi, mày không làm được để dâu lớn nó làm. Nó làm ngon lắm". Tôi nói để tôi gọi thợ đến sơn lại nhà, bà bảo không có thời gian. Tôi muốn mua đồ cho mẹ chồng, bả bảo tôi làm gì có tiền mà mua... Ngày qua ngày, bà lấy dâu lớn ra làm mốc, đơn giản vì dâu của bà là y tá trung tâm y tế của một xã vùng sâu, thường đem thuốc cấp phát viện trợ về cho bà đầy đủ. Dâu lớn tiết kiệm như bà, dầu ăn chiên xong thì dùng lại. Dâu lớn thường khen bà, thường than thở chỉ mua quần áo cho chồng mà không dám sắm cho bản thân, thường năn nỉ chồng dù con trai bà có mèo mỡ bên ngoài. Còn tôi, tôi sài sang, sài đồ đắt tiền (theo con mắt nhìn của bà) và không biết tiết kiệm, không lo cho chồng...
Mẹ chồng đâu biết rằng, một cái áo chồng tôi mặc bằng bốn cái áo dâu lớn sắm cho chồng chị ta. Và tất cả quần áo, giày dép chồng tôi đang mang đều do tôi sắm. Dâu lớn của bà lương hai triệu một tháng nhờ cái mà bà gọi là "ổn định" vì là công chức nhà nước. Còn tôi, có thể lương hai mươi triệu, có lúc làm đến 9h tối mệt mỏi... bà nào có biết. Tất cả sự so sánh đó, bà đều cho là tôi quá khập khiễng. Cái đẹp trong mắt bà là công chức nhà nước, là ổn định mà thôi.
Vợ chồng tôi tuy khắc khẩu nhưng luôn yêu thương nhau và chúng tôi biết điều này. Bà gọi tôi là "con điên", không biết giữ chồng. Tôi không biết giữ chồng thì làm sao chúng tôi có ngày hôm nay. Không biết giữ chồng làm sao tôi có thể bỏ thêm tiền vào ví chồng khi ra đường, chuẩn bị cả "dụng cụ" cho chồng phòng khi bạn bè rủ rê, tiếp khách?...
Và già néo thì đứt dây. Tôi sẽ làm trọn phận dâu con, tất cả vì tình yêu với chồng nhưng có một điều, tình thương với bà không còn nữa, tất cả chỉ là vì trách nhiệm mà thôi. Việc gì tôi cũng có thể làm được, đến việc băm chuối cho ngan ăn, tôi làm việc như một nông dân. Làm sao đây khi tôi đã cố gắng? Chồng tôi, mọi người đều thấy được điều đó nhưng mẹ chồng tôi thì không thấy và có thấy cũng không thèm nhìn. Quan niệm của bà là công chức nhà nước và phải có tiền. Bà dùng tiền làm thước đó cho sự nhàn hạ. bà thích gái miền Bắc, còn tôi lại là gái miền Nam.
Tôi bắt đầu thấy sợ, thấy chán hơn khi nghĩ đến cái Tết bên nhà chồng. Thay vì chuẩn bị mua sắm, bánh trái thì tôi đang chuẩn bị một tinh thần mà theo như bạn tôi nói: "Tột đỉnh của những người thông minh là giả điên trong nhiều tình huống". Từ tuần này, tôi sẽ giả điên, không nghe, không thấy... Có thể đó là một giải pháp để "sống chung với lũ".
* Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là đến Tết nguyên đán, những cô dâu vừa bận rộn chuẩn bị xong cho đám cưới của mình thì giờ đây lại lao vào nỗi lo mới: Đón Tết đầu tiên ở nhà chồng. Có những người bỡ ngỡ trước những thay đổi mới nhưng được sự giúp đỡ của chồng và gia đình chồng nên được đón cái tết ấm áp, đáng nhớ.
Tuy nhiên, cũng có nhiều người phải chịu uất ức, tủi hổ và nhiều khổ sở khi lần đầu về làm dâu, nhất là những cô dâu trưởng. Mời độc giả cùng chia sẻ về kỷ niệm lần đầu về làm dâu ngày Tết của mình về địa chỉ cuoihoi@ngoisao.vnexpress.net.
Trần Ngọc Bảo Chi