Sáng 13/2, trong phòng điều trị tại Khoa Thần kinh Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), bà Nguyễn Thị Yến, mẹ của Đào Quang Khánh - bảo vệ Thẩm mỹ viện Cát Tường nằm co ro, trùm chăn mỏng kín đầu. Bà Hạnh (em gái bà Yến) sụt sịt kể, hơn một tháng trước, bà Yến dù suy sụp tinh thần nhưng không có biểu hiện thần kinh. Cận Tết, bà Yến bắt đầu nói lảm nhảm, không còn nhận ra người thân. Trước đó, khoảng 27-28 Tết, bà Yến thay mặt con trai đến tạ lỗi tại nhà của nạn nhân bị vứt xác.
Nhập viện 8 ngày qua, bà Yến được chồng và các anh chị em thay nhau chăm sóc. Mấy ngày trước, luật sư Nguyễn Anh Thơm (bảo vệ quyền lợi cho Khánh) vào bệnh viện thăm, đưa hình của Khánh nhưng bà Yến cũng không nhận ra, luôn lẩm bẩm “đi học thôi, đi học thôi”.
Bà Hiền vừa buộc tóc, vừa giúp bà Yến quàng khăn để đưa đi chụp X-quang. Ảnh: Việt Dũng. |
Bà Nguyễn Thị Hiền nằm cùng phòng cho hay suốt đêm qua, bà Yến trằn trọc, quay ngang, dọc không ngủ được. Đang nằm trên giường, bà Yến tụt xuống nền, miệng lẩm bẩm “đi học thôi”. Mặc người xung quanh khuyên nhủ, bà Yến nằng nặc lết ra hành lang đi bộ giữa cái lạnh thấu xương. Bà Hiền cùng với hai ba người trong phòng và chồng bà Yến phải nịnh và bế vào giường bệnh. “Vừa vào giường được một lát, bà ấy lại ra khỏi giường rồi lẩm bẩm”, bà Hiền kể.
Tiếp lời bà Hiền, bà Phạm Thị Vấn chia sẻ mấy ngày vào chăm con trai nằm cùng phòng, biết hoàn cảnh của bà Yến, ai cũng thương cảm, tận tình giúp đỡ khi bệnh nhân này không có người thân chăm nom. “Bình thường, bà Yến nói lảm nhảm một mình song có lúc tôi gặng hỏi chuyện thì bà ấy tỏ ra tỉnh táo, nói "tôi khổ lắm, tôi đau lắm"”, bà Vấn kể.
Bác sĩ điều trị của bà Yến cho biết, bà Yến bị tổn thương thần kinh. Ba ngày trước do phát hiện thêm bị nhồi máu não, bà được chuyển sang khoa Thần kinh. Việc điều trị dự kiến phải mất thời gian dài, tuy nhiên kết quả còn phụ thuộc vào ý chí cũng như việc quan tâm tích cực từ phía người nhà.
Bà Yến từng có một đời chồng và con trai lớn đã lập gia đình. Khánh là con với người chồng thứ hai. Do cuộc hôn nhân này không được gia đình bên nội đồng ý nên bà cùng Khánh phải ở nhờ nhà người thân. Khoảng hai năm trước, gia đình 3 người của bà Yến mới đoàn tụ. Hàng ngày, hai vợ chồng bà Yến đi thu gom quần áo cũ, mang về giặt giũ, khâu vá rồi bán lại. Trước khi được nhận vào làm bảo vệ tại thẩm mỹ viện Cát Tường, Khánh cũng thường chở mẹ đi ra công viên, bệnh viện để bán hàng. Sau khi Khánh bị bắt, bố Khánh thay con trai làm việc này.
Gia đình cho biết từ ngày con trai vướng lao lý, bà Yến suy sụp tinh thần. “Chị ấy khóc nhiều, cố gắng kiếm tiền để hàng tuần thăm nuôi cho con", bà Hạnh tâm sự.
Cũng theo bà Hạnh, từ hôm đưa bà Yến vào bệnh viện, tiền thuốc thang đã lên tới hàng chục triệu đồng, đều do các chị em bên ngoại vay mượn để chi trả. Gia cảnh của người thân khó khăn nên việc này khiến mọi người lo lắng. “Bệnh của chị ấy còn phải điều trị dài mà không biết sẽ lo ra sao khi lực bất tòng tâm”, bà Hạnh rớm nước mắt.
Trong lúc mọi người nói chuyện, bà Yến tỉnh giấc, nhìn ngơ ngác. Y tá thông báo đưa đi chụp X-quang, bà Hạnh phải mang xe đẩy để chị gái ngồi. Mọi người trong phòng xúm vào người buộc lại tóc, người dỗ dành mất một lúc bà Yến mới chịu ngồi vào xe.
Tại nhà bà Yến trên phố Tây Sơn, bà Nguyễn Thị Thái, tổ trưởng dân phố cho hay, từ ngày Khánh bị bắt, vợ chồng bà Yến không tiếp xúc với hàng xóm vì mặc cảm. Hàng xóm muốn hỏi han, chia sẻ nhưng vợ chồng bà thường né tránh.
Trước đó, trong một bức thư gửi từ trại tạm giam, Khánh viết: “Bố mẹ ở ngoài giữ gìn sức khoẻ, con vào trong này cũng cứng rắn lên nhiều… Bố mẹ mặc quần áo ấm khi đi chợ buổi sáng nhé. Con trong này nhớ bố mẹ nhiều lắm. Con biết, con đi thế này bố mẹ khổ tâm lắm nhưng dại thì chịu thôi bố mẹ ạ. Mẹ bảo bố cố gắng lên nhé, mẹ cũng đừng khóc hay lo bất kỳ thứ gì cho con. Con vào đây béo tốt lắm. Họ hàng biết chuyện này của con buồn và nghĩ con không ra gì, con chán lắm bố mẹ ạ. Thôi thời gian không có nhiều, khi nào xử xong bố mẹ và con sẽ đoàn tụ lâu hơn. Bố mẹ yên chí nhé”.
Việt Dũng