
Tiến sĩ Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học (ĐH Sư phạm Hà Nội).
Trước khi Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 có lệnh cách ly toàn bộ người nhập cảnh vào Việt Nam, con gái tiến sĩ Vũ Thu Hương đang là du học sinh tại Australia đã không chọn phương án bay thẳng mà vòng qua Singapore rồi mới bay về Việt Nam - theo tư vấn của mẹ.
"Khi quyết định đưa con về Việt Nam, chúng tôi có nhiều sự lựa chọn. Ngày 18/3, nếu đi thẳng từ Australia về, con tôi sẽ không phải cách ly tập trung vì Australia chưa bùng phát dịch diện rộng. Thế nhưng, mẹ con tôi chọn phương án khó khăn hơn để con được cách ly tập trung. Đó là bay từ Australia đến Singapore và bay tiếp về Việt Nam. Lý do chính phủ sẽ cho cách ly những du học sinh từ Singapore về. Chúng tôi mong con được đi cách ly tập trung từ sân bay vì không muốn con, nếu có nguy cơ mắc bệnh sẽ làm lây nhiễm bệnh ra cộng đồng. Khi ở trên máy bay, để không gây ảnh hưởng tới bất kỳ ai, con đã mặc áo mưa, đeo khẩu trang, đội mũ, đeo găng tay", tiến sĩ Vũ Thu Hương chia sẻ.

Tiến sĩ Vũ Thu Hương bên con gái. Con gái chị là du học sinh trở về nước hôm 18/3, đang cách ly tập trung tại Hưng Yên.
Trước đó, con gái chị Hương chưa có ý định về Việt Nam dù dịch bệnh bùng phát trên toàn cầu. Tuy nhiên, một ca dương tính nCoV ở trường học đã khiến tiến sĩ và con gái suy nghĩ lại. Cô bé đã phải đợi rất lâu mà chưa tới lượt xét nghiệm virus vì em không học cùng bạn đã nhiễm bệnh.
"Khi đó, tôi nghĩ đến chuyện đưa con về Việt Nam bởi vì tôi hiểu con ở lại sẽ phải đối mặt với sự nguy hiểm và đánh đổi. Còn tại sao tôi không thể an tâm khi ốm đau ở nơi xa xứ? Đó là bởi sự khác biệt hoàn toàn của hệ thống y tế mỗi nơi. Tôi từng bị đau tim ở Đức, đi khám ở nhiều nơi, vào cả viện. Nhưng kết luận của phòng khám là tôi không bị sao cả và không chuyển tôi lên viện. Tôi không hiểu hệ thống y tế ở nước ngoài, cụ thể là nước Đức hoạt động như thế nào và làm gì để được mổ. Vì thế, tôi vội vàng quay về Việt Nam. Tôi được các bác sĩ Việt Nam chẩn đoán bị thông liên nhĩ tim 2 lỗ, phải mổ và được cứu sống. Tôi được cứu cũng vì tôi thật sự hiểu hệ thống y tế của Việt Nam", chị chia sẻ.
Lúc về đến sân bay, nghe tên mình được gọi đi cách ly, con gái chị Hương reo lên mừng rỡ khiến các cán bộ ngạc nhiên. Sau đó, em được chuyển tới khu cách ly tập trung ở Hưng Yên. Tuy điều kiện cơ sở vật chất chỉ ở mức tối thiểu trong thời buổi khó khăn nhưng em báo cho mẹ biết mình vui và thoải mái ở khu cách ly. Em và các bạn cùng phòng sống hòa nhã, tuân thủ quy định, cố gắng làm tốt mọi việc để không làm phiền đến cán bộ trại.
"Con tôi từng nói: Điều kiện tốt nhất để dạy dỗ một đứa trẻ là không có điều kiện gì cả. Con đã được bố mẹ cho trải nghiệm các điều kiện khó khăn nên khi gặp phải điều kiện kém một chút, con sẽ cảm thấy dễ chịu và vui vẻ. Gia đình tôi thật sự mong có thể trả phí cách ly của con. Tuy nhiên, do chưa có chế tài về việc này nên tôi còn gặp khó khăn", người mẹ chia sẻ.
Về việc tiếp tế cho con trong thời gian cách ly, bản thân tiến sĩ cũng thực hiện nhưng quan tâm con có chừng mực. Chị hiểu ở khu cách ly, con đã được các cán bộ chăm sóc từ bữa ăn tới giấc ngủ, luyện tập thể dục thể thao hàng ngày. Việc các bậc phụ huynh ồ ạt tiếp tế cho con cũng làm tăng nguy cơ lây nhiễm chéo Covid-19, điều mà toàn bộ cộng đồng đang tránh. Do đó, chị chỉ đưa thêm cho con quần áo ấm vì lúc về Việt Nam, con chưa kịp trang bị đủ trang phục. Hàng ngày, chị giữ liên lạc thường xuyên với con qua mạng xã hội, kịp thời nắm bắt tình hình sức khoẻ của con.
"Là cha mẹ, chắc chắn chúng ta sẽ cảm thấy lo lắng cho các con. Tuy nhiên, đừng biến khu cách ly trở thành resort. Các du học sinh cách ly nghĩa là đang nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ công dân, nghĩa vụ giữ bình an cho cả dân tộc, đất nước, không phải đang đi nghỉ. Hơn nữa, thời gian cách ly là 14 ngày, không quá dài, là lúc để các con chứng tỏ sức mạnh bản thân", chị nhấn mạnh.
Vincent