Theo lời người mẹ, hàng ngày bà nấu cháo cho T. bằng cách lóc thịt bỏ hết xương và gửi cho cô giáo cho bé ăn. Nhưng hôm đó bà sơ ý làm không kỹ, để sót một mẩu xương và cô giáo cũng vô tình cho T. ăn khiến T. bị hóc.
Bác sĩ Bạch Văn Cam, trưởng khối hồi sức cấp cứu bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết hóc dị vật là tai nạn rất thường gặp ở trẻ. Tuy nhiên, nếu dị vật mũi, dị vật tai xử trí không khó, thì những trường hợp phức tạp như dị vật đường thở, dị vật đường ăn có thể khiến trẻ ngạt thở, thủng thực quản, áp xe thực quản, thậm chí tử vong.
Các trường hợp tai nạn này có thể do sự hiếu động nghịch ngợm của trẻ, tuy nhiên thường do sự bất cẩn, chủ quan của chính ba mẹ hoặc người trông giữ trẻ.
Một khảo sát của bệnh viện Phạm Ngọc Thạch năm 2007 cho thấy ở trẻ em bị hóc dị vật đường thở thường là những mảnh thức ăn, các loại hạt khác nhau hay những mẩu đồ chơi nhỏ. Tai nạn đến khi trẻ lê la dưới đất, cầm nắm bất kỳ đồ vật gì để bỏ vào miệng. Nếu đó là đồ vật nhỏ, trẻ hít phải vào đường thở, nhẹ thì ho, sặc, tím tái; nặng hơn thì ngưng thở.
Có trường hợp hóc dị vật do cháo, sữa, hạt đậu. Thấy trẻ không chịu ăn, người lớn dùng tay bóp mũi để ép trẻ nuốt. Lúc này trẻ giãy giụa, khóc lóc, làm mất phản xạ vùng hầu họng phía sau, vì thế thức ăn được hít thẳng vào đường thở. Hóc dị vật như trên thường gặp ở trẻ 1-3 tuổi, đối với trẻ lớn hơn, hóc dị vật thường do trẻ vừa ăn vừa cười giỡn, nói chuyện.
Theo bác sĩ Bạch Văn Cam, trường hợp nghi trẻ bị hóc dị vật có thể thò tay vào móc dị vật ra, nhưng nếu không thấy thì đừng cố gắng vì có thể làm họng trẻ trầy xước. Đã có trường hợp người nhà làm đủ cách, khi đưa đến bệnh viện thì trẻ quá nặng, không kịp cấp cứu.
Một sai lầm khác là không chịu gọi xe đưa ngay đến bệnh viện mà cố cạo gió hoặc nặn chanh vào miệng trẻ. Để phòng ngừa hóc dị vật, các chuyên gia khuyên bỏ xa tầm tay trẻ nhỏ những đồ vật nhỏ, dễ bỏ vào miệng trẻ. Khi cho trẻ ăn không nên chọc đùa hoặc bóp mũi trẻ.
Các chuyên gia cấp cứu cho biết khi thấy trẻ khó thở đột ngột thì cần nghĩ ngay đến hóc dị vật đường thở. Nếu trẻ còn hồng hào, không quá khó thở thì để trẻ ngồi, giữ yên và chở ngay đến cơ sở y tế để được lấy dị vật ra. Nếu trẻ sặc sụa, không khóc, khóc yếu, nằm bất động, tím tái có thể thực hiện sơ cứu trước khi đưa đến bệnh viện.
Với trẻ dưới hai tuổi, đặt trẻ nằm sấp, đầu thấp trên cánh tay trái, giữ chặt đầu và cổ trẻ bằng bàn tay trái. Dùng gót bàn tay vỗ mạnh vào lưng, giữa hai xương bả vai để tạo ra một áp lực đẩy dị vật ra ngoài. Lật ngửa lại, nếu trẻ còn khó thở, dùng hai ngón tay trái ấn mạnh năm cái vào nửa dưới xương ức hoặc dưới đường nối hai vú một khoát ngón tay (bề ngang một ngón tay). Nếu dị vật chưa ra, lật sấp trẻ lại tiếp tục vỗ lưng.
Đối với trẻ lớn, để trẻ nằm ngửa dưới đất, đặt gót lòng bàn tay lên vùng thượng vị, dưới chóp xương ức, đặt bàn tay kia chồng lên bàn tay này rồi ấn năm cái dứt khoát thật mạnh theo hướng từ dưới lên trên. Lặp lại nhiều lần cho tới khi dị vật ra ngoài.
Nếu trẻ ngưng thở, cần kết hợp với thổi ngạt. Hít một hơi thật sâu với lực đủ mạnh rồi thổi miệng qua mũi - miệng (trẻ nhỏ) hoặc thổi miệng qua miệng (trẻ lớn), làm hai lần thật chậm. Khi hà hơi, cần quan sát lồng ngực trẻ có nhấp nhô không, nếu có thì việc hà hơi thổi ngạt mới hiệu quả.
Nếu hà hơi thổi ngạt mà mặt trẻ không hồng, có thể trẻ đã ngưng tim, cần kết hợp ấn tim. Ấn vào nửa dưới xương ức. Dùng hai ngón tay cái (đối với trẻ dưới một tuổi) ấn vào vị trí giữa và dưới đường dưới hai đầu vú một khoát ngón tay. Dùng một bàn tay (trẻ 1-8 tuổi) hoặc hai bàn tay chồng lên nhau (trẻ lớn hơn) ấn vào phía trên mõm xương ức hai khoát ngón tay. Phối hợp ấn tim và thổi ngạt theo tỷ lệ 5/1 (trẻ dưới 8 tuổi) hoặc 15/2 (trẻ lớn hơn).
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)