Con trai đang học mầm non, chị Trà Nguyễn (Hà Nội) thường xuyên trò chuyện cùng các cô giáo ở trường để vừa cập nhật tình hình của con vừa trau dồi thêm kỹ năng nuôi dạy trẻ. Trong một lần nói chuyện với cô hiệu trưởng, Trà đã học được cách xử lý khi con cắn bạn khá hiệu quả. Đây cũng là điều mà không ít bà mẹ còn lúng túng khi gặp phải nên bài viết về 4 bước của Trà nhận được khá nhiều sự quan tâm.
1. Phản ứng ngay khi bé cắn bạn
Ngay sau khi bé làm đau bạn, hãy bế và ôm bé vào lòng để con bình tĩnh. Việc làm đau bạn thường xảy ra với các bé dưới 2 tuổi do bức xúc: muốn tranh đồ chơi với bạn, đang ngồi yên mà bị bạn quấy rầy... mà bé chưa nói được để người khác hiểu nên thể hiện bằng hành động "cắn".
Nếu con đánh/cào bạn, hãy đưa tay con vuốt lên má cô (hoặc bố, mẹ) và nói: "Tay là để yêu con ạ".
2. Xử lý khi hành vi tiếp tục tái diễn
Để giải quyết được vấn đề cần tìm ra lý do chính xác. Cô giáo và bố mẹ cùng nhau nói chuyện để tìm hiểu lý do vì sao con cắn bạn. Ở nhà, bố mẹ có làm chuyện gì khiến con buồn không? Con có trải qua những biến đổi gì lớn gần đây như cai ti mẹ, mẹ có em bé nên con phải tách mẹ...?
Có trường hợp, bé cắn bạn chỉ vì hồi nhỏ, bé bụ bẫm nên bố mẹ hay cắn yêu con nên bé tưởng đó là hành động thể hiện yêu thương, nên mới cắn bạn.
3. Tách hai bé ra
Bé thường chỉ hay cắn 1-2 bạn cố định. Nguyên nhân có thể do hai bé tính cách ngược nhau, ví dụ một bạn thích yên tĩnh, một bạn thích nói nhiều. Các cô sẽ để ý và tạm thời tách hai bạn này ra, không ngồi gần, chơi cùng nhau cho đến khi tình hình được cải thiện.
4. Sử dụng 'ghế bình tĩnh'
Mỗi lần bé làm đau bạn, bé sẽ được mời ngồi riêng ở 'ghế bình tĩnh' để con có thời gian suy nghĩ về hành động của mình và hiểu rằng không ai muốn bị đau. Con làm đau bạn, bạn sẽ không muốn chơi với con nữa.
Với các bố mẹ có con bị cắn:
Phụ huynh hãy cố gắng thông cảm cho bé làm đau con mình vì các bé còn nhỏ, còn thể hiện cảm xúc bằng hành động vì chưa nói, diễn tả được cho người khác hiểu. Tuy nhiên, khi con bị làm đau nhiều lần mà các cô chưa xử lý bằng cách xin lỗi thì có lẽ cần trao đổi với hiệu trưởng để xem có cách giải quyết nào khác không.
Với riêng con trai mình, Trà Nguyễn dạy bé Sâu đi mách cô giáo khi bị bạn làm đau và chỉ ra được bạn nào làm đau con. "Tuyệt đối không dạy Sâu đánh lại bạn. Khi con đánh lại bạn, con sẽ được làm quen với khái niệm dùng bạo lực để chống lại bạo lực", bà mẹ trẻ chia sẻ.