Bé Phúc Anh, 1 tuổi, có tên ở nhà là Sóc. Bé là con thứ hai của chị Thanh Nga, 29 tuổi, ở Hà Nội. Rút kinh nghiệm từ bé đầu lòng, ngay khi Sóc vừa tròn 3 tháng tuổi, chị Nga đã tìm hiểu kỹ càng về cách ăn dặm BLW.
BLW (Baby led weaning - Bé tự chỉ huy) là phương pháp ăn dặm kiểu Mỹ, khác với ăn dặm kiểu Nhật và kiểu truyền thống. Đây là chế độ để bé tự chủ trong việc ăn uống, tự dùng tay và ăn thô từ những ngày đầu thay vì ăn bột, cháo hay mẹ xúc thìa cho ăn.
Bé Sóc được mẹ tập cho ăn dặm từ khi 6 tháng tuổi và kéo dài đến 12 tháng tuổi. Theo chị Nga, đây là thời điểm thích hợp để ăn dặm vì hệ tiêu hóa của bé đã có thể tiếp nhận được thức ăn mới ngoài sữa mẹ. Hơn nữa, trong độ tuổi này, bé đã ngồi vững, cứng cổ hoặc đã có thể ngồi kiểu ếch mà không cần hỗ trợ. Với tư thế ngồi này, bé có thể tự đưa thức ăn vào miệng, cắn nhai mà không gây ra nhiều nguy hiểm.
Trong quá trình tập ăn dặm cho Sóc, mẹ 8X cho rằng đồ ăn phải đủ chất và cân bằng dinh dưỡng, không quá nhiều dầu mỡ, không nêm gia vị và cần bắt mắt để bé hứng thú thưởng thức. Chị Nga kể, bé Sóc thích tự tập nhai và nuốt thức ăn thô. Vì vậy, chị Nga đã tập cho Sóc ăn với rau, củ, quả luộc mềm, cắt miếng nhỏ dài để bé dễ cầm nắm.
Với chế độ ăn dặm BLW dành cho bé Sóc, chị Nga chia làm 3 giai đoạn, tương ứng với sự phát triển kỹ năng của bé. Bởi khả năng nắm bắt của những đứa trẻ là khác nhau nên các tháng tuổi áp dụng có thể bị chênh lệch. Đó là: Giai đoạn tập kỹ năng (khoảng từ 5 đến 6 tháng tuổi), giai đoạn phát triển kỹ năng (khoảng từ 7 đến 8 tháng tuổi) và giai đoạn hoàn thiện kỹ năng (khoảng từ 9 đến 12 tháng tuổi).
Giai đoạn 1: Giai đoạn tập kỹ năng (tập kỹ năng nhai nuốt cho trẻ)
Ở giai đoạn đầu, bé Sóc được học cách nhai nuốt. Vì vậy, thực phẩm chủ yếu là rau, củ, quả cắt thanh dài. Các thực phẩm này nên được hấp, luộc hay áp chảo, luộc mềm vừa phải để bé không bóp nát khi cầm.
- Rau củ: Bông cải xanh, cà rốt, măng tây, dưa chuột, su su, su hào, súp lơ trắng, bí đỏ, ớt chuông, bí ngòi, bí xanh, ngô bao tử, súp lơ trắng, cần tây bỏ lá. (Khoai lang, khoai tây dễ nghẹn nên thích hợp sử dụng ở cuối giai đoạn).
- Trái cây: Táo, lê, đào, chuối, đu đủ, quả bơ, dứa, cam, dưa hấu, dưa lưới, xoài, roi.
- Các thực phẩm giàu chất đạm: Thịt lợn, thịt gà, cá.
- Tinh bột: Bánh mì gối, bánh mì, bánh mì Pháp, mì udon.
Khi bé Sóc nuốt tốt hơn, chị Nga sử dụng thêm: bún, phở, nui, mỳ ống, bánh pancake và cuối giai đoạn này có thể cho ăn cơm, bánh bao.
Giai đoạn 2: Phát triển kĩ năng (tập kỹ năng ăn bốc)
- Rau củ: Ngoài những thực phẩm ở giai đoạn 1, có thể bổ sung: cà chua bi, hành tây, nấm, bắp cải, cải thảo, ngô nếp, cà tím, rau lá và đậu.
- Trái cây bổ sung: Nho, dâu tây, mận, táo, cắt miếng nhỏ, nhãn, vải, thanh long, cherry, kiwi, chôm chôm, bưởi, quýt, cam.
- Tinh bột: Miến, xôi, bánh ăn dặm nhỏ, bánh muffin. Cơm nên nắm thành viên vừa ngón tay bé.
- Đạm: Thịt bò, cua xé, mực, cá các loại, trứng chiên.
Giai đoạn 3: Hoàn thiện kĩ năng (tập dùng thìa)
Có thể cho bé dùng thìa xúc các loại trái cây như: hồng xiêm, na, dâu tằm, sầu riêng hay sữa chua, yến mạch.
Nguyên tắc cho bé ăn dặm
Chị Nga đưa ra một số lưu ý khi cho ăn dặm là nên để bé ngồi vào bàn ăn; không sử dụng ti vi, điện thoại hay làm trò dụ dỗ bé ăn. Không đưa đi ăn rong và nên tôn trọng quyền quyết định ăn món gì và ăn bao nhiêu của bé. Không ép bé ăn.
Ngoài ra, khi tập ăn dặm cần chú ý với các phản xạ hóc, ọe của bé. Cha mẹ nên nắm vững, tuân thủ các nguyên tắc và trang bị kiến thức cần thiết để có thể xử lý đúng cách.
Dĩnh Anh