Ăn dặm truyền thống và trữ đông thức ăn kiểu Nhật
Khi con gái đầu lòng - bé Dâu, được 6 tháng tuổi và bước vào giai đoạn ăn dặm, Thanh Thảo áp dụng phương pháp truyền thống. Cô bảo, do hồi đó, các tài liệu về ăn dặm hay chăm sóc trẻ sơ sinh còn chưa nhiều, dễ tìm kiếm như bây giờ nên cô chọn cách quen thuộc nhất với mình nhưng trước đó, cô đã tham gia các lớp học về dinh dưỡng cho bé để biết cách phân bổ khoa học chất đạm, chất xơ, vitamin... trong thực đơn của bé.
MC chia sẻ: "Với Dâu, mình áp dụng ăn dặm truyền thống rất 'bài bản', bắt đầu từ bột ngọt rồi mới đến bột mặn, cháo và cơm với tăng số lượng dần dần (từ một muỗng ngày đầu và tăng 2-3 muỗng sau đó). Khi bé 8 tháng, mình đã cho bé ăn đa dạng các loại thực phẩm: thịt (heo, gà, bò), cá, tôm, rau, phô mai... Nhưng Dâu có đặc điểm là không ăn nhiều, mỗi thứ chỉ một chút và mình không bao giờ ép con phải ăn đúng lượng theo sách vở mà tôn trọng nhu cầu của con. Riêng với phô mai, mình không cho con ăn nhiều ngay mà chỉ để bé 'nhấm nháp' làm quen vì bé còn uống sữa nữa nên sẽ đảm bảo đủ dưỡng chất, canxi.
Dâu được 9 tháng thì mình chuyển qua cho bé ăn cháo. Ban đầu, mình ninh chung cả gạo, thịt, rau củ vào một nồi rồi lọc qua rây cho mịn trước khi bé ăn. Nhưng sau đó mình thấy làm như vậy sẽ mất chất dinh dưỡng nên đã thay đổi một chút cách chế biến. Mình nấu sẵn một nồi cháo trắng và đến bữa mới chế biến rau củ, thịt. Như vậy, thực phẩm vẫn giữ được dinh dưỡng, tươi ngon, bé ăn bữa nào hết bữa đấy.
Những khi bận công việc, mình làm sẵn thịt, rau củ và trữ đông trong ngăn đá để ở nhà, bà không mất nhiều thời gian nấu nướng cho bé. Mình định lượng cụ thể mỗi bữa, bé ăn mấy thìa thịt, mấy thìa rau theo đúng hướng dẫn của bác sĩ dinh dưỡng. Hồi đó, mình chưa đọc về ăn dặm kiểu Nhật, cách trữ đông đó là do mình tự nghĩ làm vậy sẽ phù hợp với mình thôi. Vì thế, mình nghĩ các mẹ cũng đừng quá quan trọng phải cho con ăn theo kiểu nào mới đúng mà cân nhắc sao cho thuận tiện với cả mẹ và con. Quan trọng là bé ăn ngoan, vui vẻ, thức ăn đảm bảo vệ sinh.
Mình cho Dâu ăn cơm khi bé được 18 tháng tuổi. Ở giai đoạn đầu, mình nấu cơm nát và chan thêm canh cho bé dễ ăn. Nói là bé ăn cơm nhưng lúc này chỉ đặc hơn và hạt gạo cứng hơn cháo chút thôi. Khi bé đã ăn ngon lành, mình tăng dần độ thô và cho bé ăn thêm súp trước mỗi bữa ăn thay vì chan canh vào cơm. Khi thì mình nấu súp bò, lúc lại súp cua... Bé ăn súp trước rồi mới ăn cơm trắng (không thức ăn). Cách này có ưu điểm là bữa ăn của bé rất linh hoạt. Nếu cả nhà phải đi ăn cưới, đi tiệc hay sang ông bà chơi, mình có thể cho bé ăn trước một bát súp và khi đến nơi, bé ăn thêm cơm, bánh mỳ... (tinh bột) sau".
Ăn dặm kiểu Nhật + Ăn dặm bé chỉ huy = Ăn dặm sáng tạo
Rút kinh nghiệm từ việc ăn dặm của bé Dâu, đến cậu con trai thứ 2 là Bòn Bon, Thanh Thảo áp dụng ăn dặm kiểu Nhật ngay khi bé được 5 tháng 1 tuần và có dấu hiệu lười bú sữa. "Bon dễ ăn hơn Dâu rất nhiều. Bé tỏ ra rất 'happy' với bữa ăn của mình và cũng ăn được lượng nhiều hơn Dâu, vì thế mình cũng đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên, về độ thô và độ sệt của thức ăn, mình để giảm hơn so với hướng dẫn của Nhật để phù hợp với đặc điểm của con.
Cùng với đó, mình cũng đan xen phương pháp ăn dặm bé chỉ huy (BLW) để luyện cho bé tập nhai và tăng sự thích thú trong bữa ăn. Bé 8 tháng tuổi có thể nhau được rau, đậu hũ và 'nhấm nháp' đùi gà. Phương pháp BLW có ưu điểm là tạo tính chủ động cho bé, tăng khả năng nhai và khi nhai như thế, bé tiết nước bọt sẽ làm tăng cảm giác thèm ăn, kích thích ăn ngon.
Mục đích của mình khi áp dụng BLW không phải là hướng bé tự ăn sớm, ăn nhiều mà mong muốn bé tập được cách nhai tốt. Không biết các mẹ khác thế nào nhưng khi Bon ăn dặm BLW thì cứ 10 lần ăn là ậm ọe tới 5 lần (50/50) rồi quăng đồ 'nhiệt tình' ra khắp sàn... Ăn kiểu này, bé thích thú nhưng mẹ thì rất cực vì phải dọn 'bãi chiến trường'. Nếu mẹ không kiên nhẫn thì khó áp dụng được BLW. Ngoài ra, để tập thói quen nhai cho Bon, mình còn cho bé thử các loại bánh ăn dặm.
Các nhóm thực phẩm mình vẫn áp dụng giống như đã thực hiện với Dâu. Bon 8 tháng thì mình cho bé ăn thêm sữa chua, loại dành cho trẻ để dễ tiêu hóa. Bé uống bổ sung thêm sữa công thức nhưng mình pha đặc hơn sơ với giai đoạn sơ sinh. 1-2 tiếng sau khi ăn bột, bé uống được tối đa là 180 ml sữa".
Vất vả với chứng trào ngược của bé
Đây là vấn đề khiến Thanh Thảo stress hơn cả trong giai đoạn bé ăn dặm. Bé Dâu bị hai lần mắc chứng trào ngược dạ dày là lúc 6 tháng và một tuổi. Và bé Bon lúc 6 tháng tuổi cũng vậy. Bà mẹ hai con chia sẻ: "Hồi Dâu 6 tháng, có một giai đoạn, bé cứ ăn cháo hay uống sữa vào là bị ói ọc ra hết. Có khi đang nằm ngủ, bé ho rồi sặc ói ra luôn. Mình cho bé đi khám thì bác sĩ bảo do axit trong bao tử trào lên và cho bé uống thuốc điều trị. Mỗi lần như thế, mình xót con lắm. Dâu đã ăn ít thì chớ mà ói ọc ra hết, nhìn cái bụng con lép kẹp thấy thương".
Nuôi con vất vả nên Thanh Thảo thấy mình cũng học được nhiều điều. Bây giờ, cô hay nói vui rằng cô đã có kỹ năng "nhanh như điện" mỗi khi con ói ọc. Cô kể: "Hồi Dâu hay bị ói, mình cực lắm vì mỗi lần như thế phải dọn dẹp 'thôi rồi'. Mà Dâu lại tóc dài nên cứ ói xong, hai mẹ con phải vác nhau đi tắm, đến nỗi không dám cho con xõa tóc ra nữa. Dâu cứ đi ngủ là mình lót sẵn cái khăn, phòng trường hợp con ói.
Còn với Bon, mình luôn để sẵn cái chậu bên cạnh, thấy con ậm ẹ là hứng cái chậu gọn lỏn luôn. Cu cậu thấy mẹ làm thế nhiều cũng quen. Thỉnh thoảng bé còn giỡn ba mẹ, tự lấy chậu rồi giả vờ ọe ọe và có khi ọe luôn".
Nói về cách xử lý khi bé bị trào ngược, Thanh Thảo chia sẻ: "Nếu bé còn nhỏ, mẹ đang bế mà bé bị ói thì mẹ xoay bé nằm nghiêng để bé ọc hết ra rồi mới bế dựng lên, vỗ nhẹ ở lưng cho bé dễ chịu. Sau khoảng 10-15 phút mới cho bé bú hoặc ăn lại nhưng lần ăn sau thì giảm lượng ít hơn lúc trước, không bắt dạ dạy bé phải làm việc quá nhiều".
Song Giang