Trong vai người nhà của MC Phi Phụng (“nghệ danh” khi đi làm MC cho các đám cưới của SV Nguyễn Trần Lan Phương, Trường Cao đẳng Văn hóa TP HCM), Nam ngồi phía bên ngoài sân khấu một quán ăn lớn ở khu Thanh Đa để xem cô “múa giọng”.
Đám cưới hôm nay là của một đôi công nhân đang làm việc tại Khu chế xuất Tân Thuận. Do không tìm người “ăn nói” trong đám cưới của mình, cô dâu chú rể nhờ chủ quán tìm giúp. Đã hai lần đến làm MC tại đây, Phụng trở thành người quen của quán.
Đúng 18h, các thủ tục bắt đầu. Giới thiệu nhà trai, nhà gái, cô dâu, chú rể, bạn bè, văn nghệ giúp vui chưa quá một giờ, vai trò của Phụng kết thúc. Nhận 80.000 đồng tiền công và 20.000 đồng bồi dưỡng, Phụng cười tươi tỉnh: “Mai sẽ làm MC cho một đám nữa trên Tân Bình...”.
Bạn bè không mấy ngạc nhiên khi thấy Thanh Hải xuất hiện trong nhiều chương trình của Đài Phát thanh Truyền hình Đồng Nai với vai trò MC: tự tin, nói chuyện lưu loát và ứng biến tình thế linh hoạt.
Năm 2002, khi còn là SV năm 2 khoa Ngữ văn, Báo chí ĐH KHXH & NV (ĐHQG TP HCM), Hải tham gia chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh, hoàn thành xuất sắc vai trò làm MC cho đội văn nghệ xung kích của Thành đoàn TP HCM. Một người biết rồi nhiều người biết, số điện thoại của Hải ngày càng có nhiều cuộc gọi để nhờ giới thiệu giùm sản phẩm mới của công ty, MC đám cưới.
Nhờ có khiếu ăn nói, Hương Giang, SV năm 4, khoa Kế toán Kiểm toán ĐH Kinh tế (ĐHQG TP HCM), trở thành MC của trường mỗi khi có lễ hội, văn nghệ... Trong lần dẫn chương trình cho trường, giám đốc nhân sự của Trung tâm tin học Viễn Tin, nhà tài trợ cuộc thi, đã đến dự và ấn tượng với cô MC may mắn này.
Sau đó, mỗi khi trung tâm có việc gì cần người ăn nói, anh ấy lại gọi cho Hương Giang. Ngày 25/1, Giang lại đi dẫn cho chương trình trao học bổng học sinh nghèo vượt khó của Báo Tuổi Trẻ; ngày 3/12, MC cho lễ khai trương chi nhánh Công ty cổ phần Viễn Đông...
Mai Lâm, SV năm 3, khoa Ngữ văn Anh ĐH KHXH & NV, gương mặt khá quen thuộc với khán giả truyền hình TP HCM trong những chương trình “Lớn lên cùng thành phố”, “Ngày chủ nhật của em”, “Những thiên tài nhỏ”...
Mai Lâm trong chương trình "Ngày chủ nhật của em" do Đài Truyền hình TP.HCM thực hiện. |
Sự xuất hiện thường xuyên trên tivi đã giúp Mai Lâm có được những lời mời dẫn các chương trình lớn như phát học bổng, giới thiệu sản phẩm của Omo, LG... với thù lao lên đến vài triệu đồng.
Lan kể đã có lần cô bị người nhà đàng trai ném tiền vào người và nặng nhẹ không tiếc lời vì lỡ đọc lộn tên cô dâu đến hai lần. MC là cán bộ phong trào thì thường chủ quan, thoải mái trong phát ngôn nên dễ rơi vào dạng sinh hoạt tập thể và thỉnh thoảng... vô duyên. Một vấn đề khác là các đơn vị mời SV cộng tác thường trả thù lao rất thấp vì “SV đi làm thêm mà”...
Chính vì thế MC SV thường phải học hỏi rất nhiều, dùng kiến thức khắc phục vốn sống còn non nớt của mình. Để dẫn chương trình GS-TS Trần Văn Khê giao lưu với SV ĐH KHXH & NV, Thanh Hải đã phải vào thư viện, lên mạng, tìm những tập sách nói về sự nghiệp của thầy dù đã biết thầy từ lâu qua sách báo...
Giờ làm trực tiếp “Mỗi tuần một nhân vật” trên sóng phát thanh của đài, Hải còn phải gặp gỡ, tìm hiểu nhân vật từ trước, thậm chí đi hỏi khán giả về nhân vật đó và những gì họ quan tâm, muốn biết.
Theo Tuổi Trẻ, không ít SV đã biến nghề tay trái thành nghề tay phải sau khi ra trường và ngày càng chuyên nghiệp như Ngọc Linh - VTV, Nguyệt Ánh - HTV, Phương Thảo - NVH Thanh niên...
Chuyện SV làm và sống bằng nghề MC hiện nay không mới, cũng là một cách nắm bắt cơ hội và tiếp thị mình.