Minh Trang cho bé Daisy đi học khi con được 12 tháng tuổi, độ tuổi khá sớm so với quan niệm của nhiều người. Cô bé hòa nhập rất nhanh và chưa phải nghỉ buổi học nào. Chia sẻ về quan điểm và kinh nghiệm khi cho con đi nhà trẻ, MC Minh Trang viết: "Lúc đó, Daisy chưa biết đi, chưa biết nói, chỉ bò lung tung, răng mới có một chiếc, uống sữa công thức, chưa bỏ bỉm bao giờ... đại loại là như tất cả các bạn 12 tháng khác, chỉ có điều, chậm răng và chậm biết đi hơn. Cảm giác ngay từ buổi đầu tiên đến lớp, Daisy thích vô cùng và vẫn còn nguyên niềm yêu thích đó cho đến tận sáng nay. Quay sang nhìn các bạn 18 tháng, 2 tuổi mới nhập học, nước mắt đầm đìa mà nghĩ bụng không biết Daisy đi học sớm hay muộn hơn thì con sẽ thích nghi ra sao?". Bà mẹ một con cũng chỉ ra nhiều ưu điểm của việc cho bé đi học sớm từ trải nghiệm cá nhân.
1. "Đi trẻ sớm, con được chơi, được chăm sóc, được yêu thương chứ không hề khổ, tội nghiệp, tủi thân"
Theo Minh Trang, lớp học của bé rộng hơn ở nhà, nhiều đồ chơi hơn và đặc biệt là luôn có (trung bình) ba cô giáo một lớp trông các con, xử lý các tình huống "rối ren" cho bé (bé trớ, bé bày bừa đồ chơi, dọn dẹp bát sau giờ ăn...). Cô kể: "Trường mầm non Daisy học khi 12 tháng, một tuần đầu tiên có riêng một cô lúc nào cũng ngồi bên con, ôm con, nói chuyện và chăm con để cho con vẫn có cảm giác như là mẹ, ông, bà, người giúp việc bên cạnh, giống ở nhà".
2. "Ông, bà hay người giúp việc không phải là chuyên gia"
Bà mẹ một con quan niệm: "Ông, bà dù có yêu thương cháu nhiều đến mấy, giúp việc có tuyển chọn đến mấy thì cũng không thể có nghiệp vụ sư phạm, được đào tạo bài bản trong việc chăm sóc và giáo dục cho trẻ như các cô ở trường (tất nhiên, phải chọn trường có lớp cho lứa tuổi của con, các cô giáo được đào tạo để chăm lứa tuổi đó, tránh gửi con 12 tháng ở lớp toàn các bạn 2 tuổi). Ông, bà hay giúp việc trong đa số trường hợp chỉ giải quyết được vấn đề 'dỗ' mà ít khi có thể 'dạy' được".
Minh Trang cho rằng, trẻ con hay bắt chước nên nếu người chăm sóc nói ngọng hoặc có tác phong mất vệ sinh thì bé sẽ làm theo. Hoặc những thói quen của ông bà như cho bé vừa ăn vừa xem ti vi, uống sữa xúc thìa... cũng làm ảnh hưởng đến con mà bố mẹ (vì giữ ý) nên không dám góp ý. Nếu đi lớp, bé sẽ hạn chế được những điều này.
3. "Đi trẻ sớm, con sẽ biết nhanh hơn, nhiều hơn"
Nói riêng về trường hợp bé Daisy, Minh Trang chia sẻ, trước khi đến lớp, bé chưa biết đi nhưng sau một tháng đã có thể đi và bi bô tập nói. Sau 2 tháng thì bé nói rõ ràng khoảng 30 từ. Daisy lúc 1,5 tuổi thì hát được 10 bài đầy đủ, đếm được từ 1 đến 10 và phân biệt được hơn 20 con vật khác nhau, nhớ tên của tất cả các cô giáo, bạn bè trong lớp. Và đến 2 tuổi, con đã "leo lẻo như một cái máy khâu".
MC kênh VTV4 còn cho rằng, không chỉ học ở lớp, việc đi học còn là quãng đường đến lớp, những con người con gặp, những thứ con được nhìn thấy... ". Mình nghĩ tới ngày hôm nay, Daisy học ở lớp 70%, còn lại là những điều con học được khi hai mẹ con đi bộ đến lớp mỗi ngày. Con được ra ngoài, được nhìn ngắm thiên nhiên, đường phố, được tiếp xúc với mọi người xung quanh...", cô viết.
4. "Đi trẻ sớm sẽ hạn chế tối đa việc con lạ, khóc, quấy vào những ngày đầu tiên"
Theo quan sát của mình, Minh Trang thấy 90% các bé 1,5 tuổi - 2 tuổi mới nhập học sẽ khóc trong cả tuần đầu tiên. Nhiều bé còn không qua được ngày đầu và đến trưa, bố mẹ phải đón về. Còn với bé Daisy, khi vừa qua sinh nhật một tuổi đã được mẹ cho đi lớp, con ngồi trong lòng cô giáo chơi đồ chơi vui vẻ. Khi mẹ nói: "Daisy bye bye mẹ đi làm nào", con còn giơ tay lên chào rồi lại chơi tiếp. Vì thế, cô cho rằng, các bé các đi học sớm thì càng hạn chế được tình trạng lạ lớp, khóc quấy.
5. "Đi trẻ sớm sẽ có xác suất ốm đau nhưng nếu ở nhà, cũng đâu đảm bảo 100% con không bị ốm"
"Không phủ nhận, việc đi trẻ sớm, con sẽ có xác suất ốm hoặc lây ốm từ các bạn xung quanh. Nhưng đâu có nghĩa là nếu ở nhà, con sẽ 100% không bị ốm bao giờ? Vì có những bệnh, như sởi chẳng hạn, bé ở nhà 24/24 vẫn bị nhiễm. Tất nhiên, việc con bị ốm khi 12 tháng và khi 1,5 tuổi - 2 tuổi là khác nhau vì khi đó sức đề kháng, thể trạng, khả năng giao tiếp của con... sẽ khác, nhưng đó chỉ là trường hợp thiểu số, hoàn toàn không thể lấy lý do này để gây áp lực cho mẹ nghỉ việc hoặc con phải ở nhà", MC Minh Trang chia sẻ.
M. Trang