Trước đó, bệnh nhân kể trên đã xét nghiệm máu tại bệnh viện tỉnh, kết quả là nhiễm ký sinh trùng sốt rét Falciparum. Sau 2 ngày chữa sốt rét tích cực tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM mà sốt không hết, người này được thử máu lại, mới biết trong cơ thể mình không có con vi trùng sốt rét nào, thay vào đó là khuẩn thương hàn. Chỉ sau một ngày dùng thuốc chữa thương hàn, bệnh nhân giảm sốt lập tức. Theo bác sĩ Trần Tịnh Hiền, Phó Giám đốc bệnh viện, sai lầm này có thể do nhân viên xét nghiệm ở địa phương đã đọc nhầm mẫu máu hoặc ghi nhầm tên bệnh nhân này sang bệnh nhân khác.
Theo Người Lao Động, ngay cả ở một trung tâm y khoa nổi tiếng ở TP HCM cũng có những sai lầm tương tự. Hai mẫu máu của cùng một người xét nghiệm tại đây ngày 20/4 đã cho 2 kết quả hoàn toàn khác nhau về định lượng số copy ADN của virus viêm gan. Một mẫu cho kết quả 3,21 x 103, mẫu kia lại là 1,22 x 106. Với mẫu sau, bệnh nhân bị nhiễm virus viêm gan, mẫu đầu không phải.
Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Trưởng khoa Xét nghiệm Bệnh Nhiệt đới, cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả xét nghiệm sai: máy móc chất lượng không ổn định, nhân viên thao tác không đúng kỹ thuật, lộn mẫu thử... Một nguyên nhân thường gặp là các phòng xét nghiệm (laboratoire, gọi tắt là lab), nhất là cơ sở tư nhân, không đạt chất lượng do sử dụng hóa chất xét nghiệm và sinh phẩm rẻ tiền. Nhiều lab mua sinh phẩm chưa hề qua kiểm định chất lượng.
Một bác sĩ xét nghiệm cho biết bệnh viện nơi anh làm từng được nhiều hãng chào hàng các test HIV rẻ hơn 10% so với các test khác trên thị trường; đó là chưa kể “tiền hoa hồng” cho người duyệt mua. Vị bác sĩ này nói: “Ham rẻ mua những test này về thử thì hậu quả không biết đến chừng nào, chẳng hạn người HIV âm tính thì cho kết quả dương tính và ngược lại".
Một bác sĩ chuyên khoa gan mật cho biết ông từng được các lab quanh Bệnh viện Chợ Rẫy mời làm xét nghiệm với mức hoa hồng lên đến 30%. Ông nói: “Hoa hồng cao như thế thì phải xem lại chất lượng xét nghiệm”.
Theo một khảo sát tại TP HCM, chỉ 25% số lab có môi trường không khí tốt, 44% đạt yêu cầu tối thiểu và 31% có môi trường không khí xấu. Trong khá nhiều labo có pha lẫn các hơi khí độc xuất phát từ dung môi ngâm bệnh phẩm hay tẩy trùng. Có labo hiện diện cả vi sinh vật độc hại như trực khuẩn tan huyết, nấm Aspergillus gây hoại sinh... Về chất lượng nhân viên xét nghiệm, có 34% mắc bệnh mạn tính, 36% suy giảm trí nhớ, 52% suy giảm thị lực, 36% bị dị ứng da khi dùng phương tiện bảo hộ bằng cao su. Môi trường làm việc và con người như vậy không thể không ảnh hưởng đến chất lượng xét nghiệm.
Theo một cán bộ Sở Y tế TP HCM, tại thành phố hiện chỉ có 1-2 lab đạt chuẩn. Để bảo đảm chất lượng kết quả xét nghiệm, lab phải tiến hành nội kiểm hằng tháng, hằng quý, nhưng trên thực tế rất hiếm nơi làm công việc này. Lab Nhà nước thì do không có kinh phí, còn lab tư nhân thì sợ giảm lợi nhuận. Ngay cả việc đơn giản nhất là chuẩn hóa máy mỗi ngày mà nhiều nơi cũng không làm, khiến kết quả cho ra khác một trời một vực. Tháng 8 vừa qua, ông Nguyễn Công Sang (67 tuổi, quận 10) phải một phen hết hồn khi kết quả xét nghiệm đường máu lúc đói là 2 g/lít, đồng nghĩa với bị tiểu đường. Ông đã xét nghiệm nơi khác thêm 2 lần để đối chiếu, kết quả đều là bình thường: 1 g/lít.
Ở nước ngoài, các lab phải được một trung tâm kiểm định độc lập đánh giá chất lượng định kỳ. Nhưng ở TP HCM, chỉ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới làm việc đó. Lab của cơ sở này được định kỳ kiểm định tại nước ngoài, thông qua hệ thống kiểm định quốc tế UK-NEQAS Anh Quốc, kinh phí ước tính 1.000 USD/năm.
Bác sĩ Nguyễn Thế Dũng, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho rằng cần nhanh chóng thành lập một trung tâm kiểm chuẩn của thành phố. Lab nào được kiểm chuẩn hằng tháng mới được cấp giấy chứng nhận. Việc này sẽ giúp bệnh nhân không phải thử đi thử lại nhiều nơi, gây lãng phí tiền bạc".