Động cơ máy bay này mang tên Hyshot III, được phóng thử lên không trung tại Woomerra, cách Adelaide (Australia) 500 km về phía Bắc, trên tên lửa Terrier Orion.
Khi đạt độ cao 313 km, Hyshot rơi trở lại mặt đất, đạt tốc độ mà các nhà phân tích hy vọng sẽ vượt cả Mach 7.6 (9.000 km/giờ).
Người ta hy vọng chiếc máy bay Hyshot III do Anh thiết kế sẽ mở đường cho việc thực hiện những chuyến bay xuyên lục địa với tốc độ siêu nhanh.
Một nhóm các nhà nghiên cứu từ nhiều nước hiện đang phân tích các dữ liệu từ thử nghiệm vừa thực hiện để xem động cơ có đạt các mục tiêu đề ra hay không. Các nhà khoa học theo dõi hoạt động của động cơ trong vòng 6 giây trước khi động cơ trị giá 1 triệu bảng rơi xuống mặt đất.
Theo Rachel Owen, nhà nghiên cứu từ Công ty quốc phòng QinetiQ của Anh, Công ty thiết kế chiếc động cơ máy bay này, mọi thứ đều có vẻ đúng với kế hoạch đề ra.
Một động cơ máy bay siêu tốc scramjet có nguyên tắc hoạt động rất đơn giản. Nó không có các bộ phận chuyển động mà chỉ lấy toàn bộ oxy cần thiết từ không trung bên ngoài để đốt khí đốt hydro.
Như vậy loại động cơ này còn hoạt động tiết kiệm năng lượng hơn cả động cơ tên lửa thông thường và không cần mang theo mình bình cung cấp oxy để hoạt động.
Các máy bay scramjet chỉ bắt đầu hoạt động theo nguyên lý này khi đã đạt tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh.
Ở tốc độ này, không khí đi qua động cơ được nén lại và trở nên đủ nóng để có thể đánh lửa. Khí đốt nở nhanh chóng tạo ra lực lao về phía trước.
(Theo Tiền Phong)