Chiếc máy bay tư nhân đầu tiên Việt Nam đang nằm chờ tại sân bay của Nhật Bản đợi thời tiết tốt lên mới cất cánh về Tân Sơn Nhất, dự kiến trong một hoặc hai ngày tới.
Hành trình về nước, chiếc máy bay cất cánh từ Mỹ vào ngày 8/5 và mất 3 ngày để bay qua các bang của nước này; trước khi qua Nga, đến Nhật Bản. Lịch bay kế tiếp, phi cơ sẽ quá cảnh Đài Loan trước khi về đến Việt Nam.
Dự kiến sau khi về Việt Nam, hoàn tất thủ tục xin phép cũng như kiểm tra kỹ thuật, 2 phi công người Mỹ sẽ tạm thời điều khiển chiếc máy bay trong khoảng 2 tuần đầu. Trong thời gian đó, Công ty dịch vụ hàng không (Vasco) theo hợp đồng với bầu Đức, sẽ cử 2 phi công Việt sang Mỹ để học lái King Air 350. Hoàn tất khóa huấn luyện, phi công Mỹ sẽ chuyển giao tay lái cho đồng nghiệp Việt Nam.
Chiếc King Air 350. |
Chỉ mất hai tháng đàm phán với hãng sản xuất, ông chủ đội bóng phố núi Hoàng Anh Gia Lai đã trở thành người Việt đầu tiên sở hữu máy bay tư nhân khi mua chiếc Beechcraft King Air 350 trị giá 7 triệu USD. Ông cho biết đã xuất tiền túi để mua máy bay phục vụ cho nhu cầu di chuyển quá nhiều trên một địa bàn rộng trong và ngoài nước.
Sau khi đáp xuống Tân Sơn Nhất, theo Luật Hàng không dân dụng, King Air 350 phải trải qua quá trình kiểm tra kỹ thuật của Cơ quan quản lý an toàn bay và hoàn tất thủ tục xin phép bay. Khi có đầy đủ các chứng chỉ, chiếc máy bay mới được cất cánh lên không trung.
Tuy nhiên do đây là lần đầu tiên Việt Nam có máy bay tư nên nhiều thủ tục chi tiết chưa được luật quy định. Ví dụ phí đậu tại sân bay là bao nhiêu; khi cất cánh có phải xin phép và xin trước thời điểm bay bao lâu; thủ tục check-in, check-out thế nào... vì không phải máy bay chở khách công cộng.
Chiếc máy bay có số seri FL-417, đã qua 3.000 giờ bay, bảo hành 3 năm. Đây là máy bay phản lực cánh quạt hai động cơ loại nhỏ, do hãng Beech Aircraft Corporation Mỹ chế tạo. Sức chở tối đa 11 người, thân máy bay dài hơn 10 m, sải cánh hơn 15 m, buồng lái có chỗ cho 2 phi công.
Tùng Dương