Triển lãm diễn ra từ ngày 7/10 đến 27/10 tại ART30 Gallery, Hà Nội trưng bày 28 tác phẩm của họa sĩ Trương Văn Ngọc từ năm 2020, khi chuyển từ tranh hiện thực sang trừu tượng; chất liệu màu nước kết hợp mực tàu. Họa sĩ cho biết: "Những năm gần đây, việc mô phỏng và tái tạo hiện thực bên ngoài không giúp tôi thỏa mãn, vì vậy tôi chọn thể hiện tâm thức qua những bức tranh trừu tượng kết hợp với màu nước, thể hiện sự phóng khoáng, lãng mạn, tự do nhưng cũng tinh tế uyển chuyển".
Trương Văn Ngọc sinh năm 1990, tại Phú Thọ, tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ tại Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Họa sĩ từng có ba triển lãm cá nhân gồm: Hanoi's watercolors (2013), Nguồn (2019), Ánh sáng bên trong (2022). Ngoài ra, anh cũng tham gia các triển lãm nhóm ở trong và ngoài nước. Bản thân Trương Văn Ngọc luôn khát khao tìm hiểu thiên nhiên và con người, do đó anh chủ yếu thể hiện sự đa dạng của các yếu tố tự nhiên, như vẻ đẹp đất nước, cảnh quan, núi, biển, sông, mây và cỏ...
Họa sĩ cho biết ưu điểm của màu nước là có thể truyền tải được cảm xúc của người vẽ một cách nhanh nhất. Đây cũng là chất liệu có tính linh hoạt cao, nhưng cũng vì thế mà khá khó kiểm soát. Trương Văn Ngọc hiểu rõ về màu nước, biết rõ lợi thế tình tứ của màu nước, nhưng là sự hiểu biết hoàn toàn không có chút lý tính nào. Đúng hơn, họa sĩ có sự đồng cảm mãnh liệt với chất liệu, và đôi khi, chất liệu còn dẫn lối cho anh.
Bởi tính chất "đỏng đảnh" nên màu nước và mực tàu rất mất công để luyện tập nhưng khi thành thục lại dễ bị quen tay mà không thoát được kỹ thuật thuần túy. Vì vậy khi đạt được kỹ thuật rồi, họa sĩ phải nương vào chất liệu để nó tự do biểu đạt một cách mạnh mẽ nhất.
Trương Văn Ngọc ví việc chuyển từ vẽ tranh hiện thực sang trừu tượng giống như "lột xác" để thay lớp vỏ cũ, anh phải gạt bỏ hoàn toàn những cái cũ sang một bên. Anh dùng trực giác, khai mở tâm thức để đồng điệu với chất liệu, "như hai người bạn hiểu nhau mà không cần cộng hưởng". Anh cho biết bản thân không còn áp đặt chất liệu hay tính toán một hình thù cụ thể mà khi tinh thần đủ tốt, bức tranh tự khắc hoàn thiện. Tuy nhiên, mặt trái của những bức tranh trừu tượng là nó không được mô phỏng, không dễ nắm bắt mà là những hình ảnh rất ước lệ, phổ quát.
Chị Hà Linh Lam - khách dự triển lãm - nhận xét các tác phẩm có màu sắc đẹp, lôi cuốn. "Có thứ gì đó lôi cuốn tôi khi dừng chân xem những tác phẩm này. Những vệt màu loang rộng tạo cảm giác mượt mà, khiến cho tâm trí tôi được thư thả, an yên", chị Lam nói.
Nhà sưu tập tranh Nguyễn Thùy Linh nhận xét: "Hội họa cũng là một phương thức để chữa lành và chỉ có người nào đã sống lành mới có thể giúp người khác cảm thấy bình thản khi ngắm nhìn tác phẩm của họ".
"Nghệ thuật cần có tư tưởng, điều đó hoàn toàn đúng. Nhưng tôi cũng muốn giải phóng khỏi ý nghĩ là phải có tư tưởng. Tôi muốn tâm thức được biểu hiện tự do trên giấy. Ở đó, có thể sẽ lại có tư tưởng", họa sĩ cho biết.
Phạm Linh