![]() |
Nguyễn Chí Dũng (phải) và Phạm Văn Định - hai tử tù trong băng cướp Dũng "Chim Xanh". |
Tuy tất cả đều có cùng kết thúc, nhưng không phải tử tù nào cũng sống những ngày chờ đợi giống nhau. Đời quản giáo của thượng úy Thắng không thể quên được Vinh, một tử tù trẻ măng, có mẹ làm giáo viên, một lần về quê đã phạm tội hiếp dâm rồi bóp cổ nạn nhân. Những lần được mẹ vào thăm, nó chỉ gục mặt khóc. Bà mẹ cũng khóc, không thốt nổi lời nào. Hành động duy nhất mà nó có thể làm là dập đầu lạy xin mẹ tha thứ. Bởi sự thật chỉ có trái tim của một người mẹ mới có thể tha thứ cho những đứa con tội lỗi như thế.
![]() |
Một ngày đặc xá. |
Là một tử tù trẻ hiếm hoi không viết đơn xin giảm án, nó lặng lẽ trầm uất chờ đợi ngày đền tội. Quản giáo ngạc nhiên hỏi: “Sao anh không viết, không thử xem số phận của mình thế nào?”. Nó gục mặt trả lời như đay nghiến với chính bản thân mình: “Những ngày ngồi trong đây, em mới thật sự hiểu có những cái sống còn đau đớn hơn cả cái chết mà quan tòa đã phán xét cho tội lỗi của em. Cứ chợp mắt là em lại thấy đôi mắt nạn nhân của mình, gương mặt đau khổ của mẹ em. Nếu may mắn được ân giảm, được sống, em cũng không còn dám ngửa mặt nhìn ai nữa...”.
Tiếp cận với nhiều tử tù, quản giáo Thắng hiểu rất rõ tâm trạng chờ đợi cái chết của họ. Nó thật kinh khủng với người hèn nhát. Nhưng thường cũng đau đớn tột cùng với ngay cả những kẻ đủ can đảm chờ đợi. Đó là sự hối tiếc, cắn rứt đến chảy cả máu mắt vì tội ác không còn cơ hội sửa chữa. Đó là nỗi dằn vặt, đau khổ trước bao điều còn dở dang, trước cha mẹ, vợ con ở lại.
Nhiều tử tù nhớ cha mẹ quá cứ ngày ngày dập đầu xuống đất thống thiết xin tạ tội. Trong khi có kẻ thương con đến mức nhổ tóc của mình để bện búp bê, thậm chí nhịn cả phần cơm để nặn hình đứa con mà mình đã sinh ra nhưng không đủ tư cách làm người để nuôi nấng.
Thậm chí có tên mới học được vài chữ cắn đôi đã ra giang hồ, bình thường tay dao tay súng, không bao giờ ngó đến cuốn sách nào, nhưng những ngày chờ chết đã cắm cúi làm thơ. Những câu thơ thô kệch, không vần không điệu, nhưng được rứt ra từ tim gan sâu thẳm. Những câu thơ ngập ngụa máu và nước mắt của sự ân hận, nuối tiếc muộn màng...
Hằng ngày, tử tù Vinh rất ít nói, gương mặt trầm uất giấu hết xúc cảm vào trong. Nhưng quản giáo Thắng hiểu nó đang đau khổ xé lòng. Ngày nó nằm im lìm. Đêm xuống, nó thức trắng, trừng trừng mắt nhìn vào bức tường lặng ngắt. Những ngày chuẩn bị ra pháp trường, nó mới mở miệng bộc bạch cũng từng mơ mộng hình bóng một người con gái để làm người yêu, để làm vợ, vậy mà chính tay nó xé toạc đi tất cả. Nó là con thú chứ không phải là người nữa.
Giở lại hồ sơ, những bản án đã đưa đẩy nhiều số phận vào đây, thượng úy Thắng nhiều khi rợn người không tin rằng trên cõi đời này lại có những con người, những tội ác ghê tởm như thế.
Nhiều lúc không kìm nổi anh đã nổi giận, mong muốn nhanh chóng loại bỏ vĩnh viễn những kẻ nửa người nửa thú đó ra khỏi xã hội, chứ đưa vào đây làm gì cho mất công, mất sức người khác. Nhưng khi đối diện với họ, tận mắt chứng kiến những việc cuối cùng họ làm, lặng nghe những tiếng nói xuất phát từ tận ruột gan con người chuẩn bị phải chết, lòng anh tự nhiên lắng lại. Thậm chí anh còn nuối tiếc, xót xa cho họ.
Nhiều người tóc đã mênh mang mây trắng, cuộc đời đã trả gần xong lại mắc sai lầm. Nhiều kẻ tóc xanh láng mượt, tương lai tất cả còn ở phía trước lại gây những tội lỗi mà loài người không thể dung thứ. Vẫn biết tội ác phải bị trừng phạt. Nhưng phát đạn tử hình đã là bản án cao nhất. Vậy thì, họ cần phải được giúp đỡ, phải được sống đàng hoàng, phải được làm người dù chỉ là những ngày cuối cùng.
Có rất nhiều điều mà các tử tù trong lúc cô đơn, bức bối hay tâm sự, hỏi han quản giáo. Thắng nhớ nhất là câu hỏi xoáy vào tim của tử tù Tăng Minh Phụng: “Anh nói thật đi. Anh nghĩ tôi như thế nào? Tôi bị luật pháp loại bỏ. Tôi không đáng là người nữa. Vậy tôi là con gì?”.
Nhìn thật sâu vào mắt người tử tù, Thắng nhẹ nhàng nhưng rành rọt từng tiếng: “Anh phạm tội với pháp luật, chứ không phạm tội với tôi. Pháp luật đã xét xử, đã đưa anh vào đây. Còn tôi chỉ là người thực thi pháp luật. Nếu anh tôn trọng chính mình, tôn trọng nội quy, tôn trọng chúng tôi, thì chúng tôi cũng tôn trọng anh như một con người...”.
Là doanh nghiệp tên tuổi một thời, dám đột phá nhiều thứ, rồi phạm tội kinh tế nghiêm trọng, Minh Phụng lần lượt bị kết hai án tử hình. Tóc tử tù này bạc trắng đi theo từng ngày ngồi trong tù chiêm nghiệm bao điều đúng sai, được mất của cuộc đời. Có lần Minh Phụng buồn buồn tâm sự với quản giáo Thắng rằng, đời mình xem như là xong. Cái ông ta day dứt nặng nề là người mẹ già và những đứa con. Cha bị tử hình, mẹ ở tù, chỉ sợ chúng sẽ hư.
Mỗi tháng một lần các con được phép vào thăm cha, Minh Phụng dành hết thời gian để kể lại những chiêm nghiệm phải trả giá cả sinh mệnh mình. Ông khuyên các con cố gắng học hành, sống đùm bọc lẫn nhau và nhất là không được hỗn láo với người lớn.
Một đứa đang đi học ngân ngấn nước mắt than với cha rằng đang gặp khó khăn vì quy định mới không cho học sinh đi xe máy. Minh Phụng chỉ nhẹ nhàng khuyên: “Vì không tuân thủ pháp luật nên cha phải như thế này. Con sống cần có trước có sau, cần biết chấp hành quy định, luật pháp. Học sinh không được sử dụng xe máy thì con nên đi xe đạp, hay đi bộ cũng được mà...”.
Những đứa con gục đầu khóc nức nở, Minh Phụng phải quay mặt đi để giấu giọt nước mắt từ tận cùng đau khổ. Từng ngồi trong những chiếc xe hơi đời mới, từng uể oải trước thừa mứa món ngon vật lạ mà người nghèo mơ cũng không dám, Minh Phụng không ngờ có ngày này. Nhưng những đứa con có lẽ còn bất ngờ hơn cả cha...
Những ngày biết đơn xin ân giảm án tử hình bị bác, Minh Phụng trầm uất, suy sụp hẳn, nhưng vẫn cư xử rất đàng hoàng với quản giáo và bạn tù. Quà thăm nuôi, ông ta chia sẻ cho những bạn tù có hoàn cảnh khó khăn, không người thăm nuôi. Trước những tử tù yếu đuối, bấn loạn, Minh Phụng cũng tìm cách trấn an.
Hầu hết thời gian còn lại trong những ngày cuối cùng, Minh Phụng ăn chay, lặng lẽ ngồi cầu nguyện, sám hối cuộc đời. Cái cuộc đời mà ông ta trăn trở nếu được lặp lại một lần nữa thì chỉ xin làm người đạp xích lô để được sống lặng lẽ nhưng bình yên lo cho cha mẹ và vợ con...
4h sáng một ngày tháng 7/2003, Minh Phụng đang lơ mơ trong giấc ngủ mệt mỏi thì tiếng khóa buồng giam lách cách mở ra. Những người lạ mặt trong đội thi hành án tử hình lặng lẽ bước vào cùng với quản giáo quen thuộc. Bữa cơm cuối cùng có xôi, gà được bày lên, nhưng Minh Phụng không thể nuốt trôi. Ông ta run run viết lá thư đẫm nước mắt cuối cùng cho con, rồi lê bước lên chiếc xe bít bùng có bạn tử tù Phạm Nhật Hồng chờ sẵn...
Ngoài những người thấu hiểu lẽ đúng sai, chấp nhận phán xét cuối cùng, các tử tù có học cũng thường trải qua những ngày chờ đợi ra pháp trường với vẻ bình tĩnh, đàng hoàng. Tuy nhiên, sự thật bên trong cái bề ngoài vẫn là những cuộn sóng lòng quăng quật, những giằng xé nội tâm tan nát.
Tử tù Nguyễn Đăng Đức có kiến thức khá sâu sắc, giỏi tiếng Anh. Những ngày ngồi biệt giam, ông ta chỉ trầm ngâm nhìn sợi chỉ sinh mệnh trên bàn tay mình. Họa hoằn lắm Đức mới mở miệng, nhưng chỉ là những lời độc thoại rời rạc bằng tiếng Việt, tiếng Anh. Không được biết chính xác ngày ra pháp trường, nhưng ông ta hình như linh tính.
Gần đến ngày chết, Đức tâm sự với quản giáo Thắng sở dĩ ông ta phải vào đây vì đi xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV. Trời đất như sụp đổ, Đức mua thuốc ngủ cho gia đình cùng uống. Nghiệt ngã là cuối cùng chỉ có vợ con chết! Ông ta sống và bị án tử hình. Chính xác sự thật thế nào quản giáo Thắng không hiểu hết, nhưng anh biết người tử tù này tan nát cõi lòng.
Những đêm cuối cùng, Đức thức trắng, hết rì rầm tâm sự với bức tường, với chiếc bóng chính mình, với oan hồn trong mắt ông ta... rồi lại phủ phục xuống nền buồng giam cầu xin vợ con tha thứ...
![]() |
Châu Phát Lai Em trong vụ án Năm Cam. |
Thời gian của một tử tù tồn tại ở buồng biệt giam thường ngắn ngủi, nhưng đời quản giáo lại rất dài, có lúc căng thẳng, mệt mỏi. Ngày nối ngày, họ lặng lẽ tiếp nhận những tử tù mới, để dù muốn hay không cũng phải vui buồn với đau khổ của kiếp người.
Theo Tuổi Trẻ, trại tạm giam Chí Hòa có rất nhiều quy định, và Thắng phải thực thi.
Ngoài nhiệm vụ, anh còn phải gần gũi với các tử tù, để hiểu họ, giúp họ giảm bớt lo lắng, sống cho ra sống những ngày cuối cùng. Hơn nữa, anh còn cố gắng gieo cho họ niềm hy vọng. Bởi theo quy định, họ vẫn còn một cơ hội sống khi đặt bút viết đơn xin ân giảm án chết...
Quản giáo Thắng đã chứng kiến nhiều con người trước giờ chết, nhưng cũng không ít lần được đối diện với tâm trạng, thái độ của một tử tù được giảm án chết. Các tử tù như Tân, Ngọc... đã nhảy cẫng lên và thét to đến mức như vỡ tung cả buồng giam khi bất ngờ được thông báo đơn xin ân giảm đã được Chủ tịch nước chấp thuận. Họ cúi lạy trời đất, cúi lạy Chủ tịch nước, và hôn cả quản giáo. Họ mừng như được sống lại một cuộc đời mới.
Và tự nhiên lúc ấy, Thắng cũng thấy lòng nhẹ nhàng đến lạ. Những bức tường bê tông hằn sâu bao hình bóng tử tù như không còn xám xịt và lạnh lẽo vô hồn. Về nhà, vợ làm cùng trại tạm giam hiểu tâm trạng chồng. Nhưng đứa con mới học lớp 8 thấy mặt bố tươi tỉnh khác với vẻ trầm ngâm nặng nề thường ngày, cứ ngạc nhiên mãi. Không thể kể công việc đặc biệt của mình, anh chỉ cười cười: “Đêm qua, khi con ngủ, mặt trời đã mọc lúc nửa đêm đấy con à!”.
Bây giờ, quản giáo Thắng vẫn chưa già với tuổi 40, nhưng công việc nặng nề đã hằn trên trán nhiều nếp nhăn sớm. Anh có niềm tin tội ác phải bị trừng phạt, để đảm bảo bình yên cho xã hội. Nhưng anh cũng có ước mơ đến một lúc nào đó sẽ không còn trọng tội, để không còn những buồng biệt giam tử tù nữa. Và khi ấy, anh sẽ có thể nở nụ cười thật tươi với con cái mình...