
Ảnh: Read This
Mất ngủ là gì?
Bác sĩ Mao Wei, Giám đốc Khoa Trị liệu Tâm lý và Trung tâm Giấc ngủ của Bệnh viện Zhenxing, Trung Quốc định nghĩa chứng mất ngủ là không ngủ ngon giấc ít nhất ba ngày một tuần và có các triệu chứng như mệt mỏi, buồn ngủ, khó chịu, khó tập trung hoặc suy nhược cơ thể, ảnh hưởng đến học tập hoặc làm việc. Nếu kéo dài dưới một tháng gọi là mất ngủ cấp tính, kéo dài trên một tháng gọi là mất ngủ mãn tính.
Chứng mất ngủ có thể được chia thành ba loại:
- Khó ngủ: Phải hơn 30 phút mới ngủ được sau khi lên giường
- Thức đêm: Tổng thời gian thức giấc lúc nửa đêm hơn 30 phút
- Thức dậy sớm: Tỉnh sớm hơn dự kiến khoảng 30 phút và không thể ngủ lại
Trường hợp bạn thường xuyên thức khuya vì thích tiệc tùng, hoặc ở văn phòng đến tận sáng để hoàn thành công việc, đó không phải là ví dụ về chứng mất ngủ.
Mất ngủ là khi bạn không thể ngủ được, mặc dù rất muốn, hoặc bạn không thể ngủ đủ lâu. Một số sự kiện trong cuộc đời có tính tác động lớn, ảnh hưởng đến tinh thần thường gây ra một số đêm mất ngủ. Bác sĩ có thể gọi đó là chứng mất ngủ cấp tính miễn là nó tự khỏi sau vài đêm. Lo lắng kéo dài, cũng như rối loạn lo âu, các cơn hoảng loạn và PTSD (rối loạn căng thẳng sau sang chấn), có thể dẫn đến chứng mất ngủ mãn tính, nghiêm trọng hơn.
Dưới đây là những bệnh trạng, tình huống liên quan trực tiếp đến việc bạn bị mất ngủ, do bác sĩ Zilpah Sheikh, chuyên khoa da liễu, có bằng thạc sĩ của Nga, đang là chuyên gia của trang WebMd - kho tư liệu y khoa uy tín của Mỹ - đưa ra.
Thời gian ngủ không đều đặn
Đồng hồ sinh học bị rối loạn có thể khiến bạn thức giấc khi đến giờ đi ngủ. Có lẽ đó là kết quả của giờ đi ngủ không nhất quán, chuyến bay dài từ múi giờ khác, làm việc qua đêm hoặc thay đổi ca làm việc. Một số người đơn giản là có nhịp sinh học khác người bình thường, vì vậy họ khó ngủ khi màn đêm buông xuống.
Bệnh về tâm thần, thần kinh
Những người bị trầm cảm có nhiều khả năng gặp vấn đề về giấc ngủ, bao gồm mất ngủ. Những người mắc chứng lo âu, rối loạn lưỡng cực và rối loạn ám ảnh cưỡng chế cũng vậy. Cách giấc ngủ của bạn bị ảnh hưởng có thể cung cấp manh mối về loại bệnh.
Các vấn đề về hô hấp
Ngáy to có thể là biểu hiện của chứng ngưng thở khi ngủ, làm gián đoạn hơi thở và có thể đánh thức bạn hàng trăm lần chỉ trong một đêm, gây mất ngủ. Bạn có thể không nhớ, nhưng bạn sẽ cảm thấy uể oải vào ngày hôm sau. Đôi khi nó liên quan đến cân nặng, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Dị ứng mũi và hen suyễn cũng có thể ảnh hưởng đến hơi thở của bạn. Bác sĩ có thể kiểm tra các tình trạng này cho bạn, giúp kiểm soát và điều trị chúng.
Bệnh mất trí nhớ
Cùng với chứng mất trí nhớ, bệnh Alzheimer và các dạng mất trí khác có thể gây mất ngủ, bồn chồn. Người mắc các bệnh này có thể bị bối rối, lo lắng, bồn chồn hoặc cáu bẳn vào giờ đi ngủ. Họ bắt đầu đi lại trong nhà hoặc đi lang thang.
Bị đau trên cơ thể
Cho dù là do viêm khớp, các vấn đề về lưng mãn tính, đau xơ cơ, ung thư hay một tình trạng bệnh lý khác, cơn đau có thể ngăn cản bạn chìm vào giấc ngủ một cách bình yên hoặc làm gián đoạn việc ngủ say giấc. Tình trạng mất ngủ cũng có thể khiến cơn đau trở nên đau đớn hơn, tạo thành một chu kỳ lặp lại.
Ngứa
Các tình trạng như bệnh vẩy nến và bệnh chàm có thể khiến da bạn ngứa dữ dội. Khi ngủ thiếp đi, bạn còn có thể bị ngứa hơn và dẫn tới mất ngủ. Nếu không rõ nguyên nhân gây ngứa, bạn nên đến bác sĩ.
Bệnh Parkinson
Những người mắc bệnh này có xu hướng ngủ ít hơn và thức dậy thường xuyên hơn những người khác cùng độ tuổi. Bệnh này ảnh hưởng đến não và tín hiệu thần kinh, bệnh nhân có nhiều khả năng bị ngưng thở khi ngủ, phải thức dậy để đi tiểu. Tình trạng này cũng có thể làm gián đoạn giai đoạn ngủ REM (giấc ngủ chuyển động mắt nhanh) quan trọng.
Mãn kinh
Ở độ tuổi trung niên, cơ thể phụ nữ sẽ dần ngừng sản xuất progesterone và estrogen. Sự thay đổi cân bằng hormone, cũng như những biến hóa khác thường trong cuộc sống vào lúc này, có thể khiến bạn nhạy cảm hơn. Những cơn bốc hỏa nghiêm trọng, hormone adrenaline được giải phóng làm tăng nhiệt độ cơ thể, có thể khó chịu đến mức khiến bạn thức dậy trong tình trạng đẫm mồ hôi, đôi khi là nhiều lần trong đêm.
Hội chứng tiền kinh nguyệt

Ảnh: Woolcock
Phụ nữ mắc hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) và rối loạn tiền kinh nguyệt (PMDD) nghiêm trọng thường gặp vấn đề về giấc ngủ. Điều này thường xảy ra ngay trước hoặc trong kỳ kinh nguyệt của bạn. Sự thay đổi hormone có thể ảnh hưởng đến nhiệt độ cơ thể và quá trình sản xuất melatonin, một loại hormone quan trọng đối với giấc ngủ. Ngoài ra, những thay đổi về tâm trạng do PMS hoặc PMDD có thể khiến bạn khó có được một giấc ngủ ngon vào ban đêm.
Vấn đề tiêu hóa
Các rối loạn tiêu hóa (GI) như hội chứng viêm ruột (IBS) và bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) cũng liên quan đến các vấn đề về giấc ngủ. Khoảng 55% những người có vấn đề về GI cho biết họ bị mất ngủ.
Mang thai
Hầu hết phụ nữ gặp vấn đề về giấc ngủ vào một thời điểm nào đó trong lúc mang thai. Có rất nhiều lý do cho điều đó, bao gồm:
- Thay đổi nội tiết tố
- Cần đi tiểu thường xuyên hơn
- Ợ nóng hoặc buồn nôn
- Đau lưng hoặc chuột rút ở chân
- Sự lo lắng
- Những giấc mơ sống động
Ngủ đủ giấc đặc biệt quan trọng khi bạn đang mang thai. Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn gặp vấn đề về giấc ngủ.
Thuốc men
Thuốc điều trị dị ứng, bệnh tim, tăng huyết áp, các vấn đề về tuyến giáp và trầm cảm có thể gây mất ngủ. Thuốc điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý - ADHD và bệnh Parkinson cũng có thể khiến bạn mất ngủ, cùng với thuốc giống thần kinh giao cảm - pseudoephedrine có trong nhiều loại thuốc thông mũi không kê đơn. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc điều chỉnh hoặc thay đổi thuốc nếu bạn nghĩ rằng nó ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Mất ngủ nguyên phát
Các bác sĩ cho rằng não của một số người chỉ đơn giản là tỉnh táo hơn khi đến giờ đi ngủ. Điều này có thể là kết quả của một số khác biệt về mặt vật lý, có thể là di truyền ở trong não. Dường như không có bất cứ điều gì về môi trường, sức khỏe thể chất hoặc sức khỏe tinh thần của bạn có thể gây ra các vấn đề về giấc ngủ.
Phần bổ sung: Cách giúp bạn trị mất ngủ
Để giúp chu kỳ giấc ngủ của bạn đi đúng hướng, hãy bắt đầu với phòng ngủ của bạn. Phòng ngủ phải tối, yên tĩnh, an toàn, thoải mái và mát mẻ. Tránh dùng caffeine bởi ngay cả ở liều lượng bình thường, nó cũng có thể gây mất ngủ. Cân nhắc tắm nước nóng, đọc sách hoặc giãn cơ nhẹ trước khi đi ngủ. Tránh các hoạt động ồn ào và cuộc nói chuyện căng thẳng, cũng như các loại thực phẩm nhiều gia vị, chất béo. Tập thể dục sớm hơn vào ban ngày và tắm nắng vào buổi sáng. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm những cách trị mất ngủ ban đêm hiệu quả.
>> Xem thêm 6 nhóm người không nên ăn hạt hướng dương
Hằng Trần (Theo WebMd)