Bác sĩ (BS) K. ở đường Hàm Tử Quan (Hà Nội) được phát hiện ung thư gan khi trên tầng 5 nhà ông đang nuôi 5 con gấu ngựa sung sức. Sẵn nguồn mật gấu, BS K. thường xuyên sử dụng điều trị bệnh. Mỗi ngày ông dùng 1-2cc. Kết quả ban đầu thật kỳ diệu.
Năm 2005, khi tới thăm BS K., ông cho biết cảm thấy khỏe hơn, hình ảnh khối u qua phim chụp đã teo lại gần như không nhìn thấy. Trong khi đó, theo chẩn đoán của nhiều đồng nghiệp đầu ngành ung bướu, lẽ ra ông đã qua đời từ nửa năm trước.
Thực tế, BS K. còn dùng nhiều phương thuốc cổ truyền điều trị ung thư khác như linh chi, xạ đen… Tuy nhiên, tác dụng của mật gấu vẫn được đặt lên hàng đầu. Nhiều người cho rằng nguyên nhân do BS K. có điều kiện dùng nhiều và dùng liên tục.
Tuy nhiên, đầu năm 2006, BS K. qua đời. Khối u kỳ thực vẫn phát triển và di căn. Mật gấu đã không cứu sống được ông.
“Nhiều tài liệu, tờ rơi truyền tay quảng cáo dùng mật gấu chữa ung thư rất hấp dẫn, nhưng hoàn toàn thiếu cơ sở khoa học. Người tiêu dùng nên thận trọng”, PGS Phó Đức Thuần, nguyên Trưởng phòng Đông y thực nghiệm (Viện Đông y Việt Nam), khuyến cáo.
PGS Phó Đức Thuần nói: “Chưa có tài liệu nào đáng tin cậy hoặc có đủ cơ sở khoa học để nói chỉ riêng mật gấu có thể chữa được ung thư. Một số trường hợp điều trị ung thư bằng hóa chất, xạ trị, phẫu thuật phối hợp với đông y và mật gấu cho kết quả tốt hơn. Nghĩa là mật gấu chỉ có tác dụng hỗ trợ trong điều trị ung thư mà thôi”.
PGS Thuần lý giải: “Nghiên cứu cho thấy mật gấu đóng vai trò tăng cường miễn dịch cho chủ thể và giúp các phương pháp truyền thống phát huy tác dụng tốt hơn. Nếu chỉ bổ sung mật gấu vào môi trường nuôi cấy tế bào ung thư thì mật gấu không làm thay đổi sự phát triển của tế bào. Nhưng bổ sung mật gấu vào môi trường nuôi cấy tế bào miễn dịch thì ngay ở nồng độ thấp đã làm trẻ hóa và kích thích tế bào miễn dịch sinh sản. Đó có thể là lý do mật gấu giúp BS K. sống thêm được ít lâu nữa”, ông nói.
Tuy nhiên điều lo lắng nhất hiện nay là vấn đề nhiều người lạm dụng mật gấu để trị bệnh mà không quan tâm đến chất lượng và cách chế biến mật gấu để đem lại hiệu quả điều trị như mong muốn.
Với kiểu nuôi nhốt chật chội, cho ăn uống tuỳ tiện, dùng thuốc mê, thậm chí ma túy tổng hợp tiêm vào gấu khi lấy mật, PGS Thuần cho rằng mật gấu bán ở thị trường gần như không có tác dụng. Thậm chí, mật gấu kém chất lượng còn ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.
Nguy cơ viêm gan
PGS Đỗ Khắc Hiếu, Trưởng Bộ môn Công nghệ Tế bào Động vật (Viện Công nghệ Sinh học), người được cấp bằng sáng chế độc quyền về công nghệ lấy mật không cần giết gấu vào năm 1983, cho biết: "Không phải mật loài gấu nào cũng tốt. Chẳng hạn, mật gấu chó ít có tác dụng chữa bệnh mà dễ gây viêm gan. Đó là do acid chenodeoxycholic (CDC) có trong mật gấu chó. Khi bệnh nhân uống mật gấu chó, vi khuẩn trong đường ruột sẽ ăn CDC và sản sinh ra acid lithocholic, tác nhân gây viêm gan".
Ngoài ra, gấu nuôi thường mắc các bệnh tụ cầu trùng, xoắn trùng. Người dùng mật của những con gấu mắc các bệnh này cũng có nguy cơ nhiễm bệnh. Mật của gấu mắc bệnh tụ cầu trùng thường trương to, có thể lên tới 200-300 cc trong khi bình thường mật gấu chỉ 100 cc.
Ngoài ra, việc lấy mật không đúng quy cách khiến gấu dễ bị áp xe gan. Rất nhiều trường hợp, người lấy mật không sát trùng kim bằng cồn y tế mà chỉ đơn thuần đổ rượu Lúa Mới lên bụng gấu rồi chọc kim vào khiến gan gấu nhiễm trùng, mưng mủ.
“Có những gấu nuôi khi mổ ra có cả khối u to tướng trong gan. Mổ khối u, mủ chảy ra tràn trề. Khi hút mật gấu, mủ theo mật ra ngoài. Nhiều người không biết nhìn mật gấu có cặn trắng lại tưởng mật gấu bình thường. Kỳ thực đó là mủ. Uống thứ mật có mủ này rất có hại cho sức khỏe và dễ viêm gan”, tiến sĩ Hiếu nói .
Đó là chưa nói, nhiều hộ nuôi gấu chạy theo lợi nhuận, giảm khẩu phần ăn của gấu đến mức tối thiểu, cho gấu ăn cám như lợn, hoặc cho ăn rất ít thịt (trong khi để đảm bảo dinh dưỡng, gấu cần 30-50% lượng đạm từ thịt, cá mỗi ngày) và khai thác mật liên tục (có nhà lấy mật 2 tuần đến 2 tháng/lần) khiến mật loãng còn gấu thì dễ mắc bệnh. Mật của gấu bệnh cũng chứa mầm bệnh vì mật là dịch của cơ thể tiết ra.
Trong khi đó, người tiêu dùng khó có thể biết đó là mật của con gấu khỏe mạnh hay ốm yếu, dù đã cẩn thận mua mật hút trực tiếp.
(Theo Tiền Phong)