Ông Trần Ngọc Thắng. |
Từ đầu năm 1998, cuộc đấu tranh chống tiêu cực trong nội bộ Xí nghiệp Xăng dầu hàng không miền Nam rất căng thẳng. Một số cán bộ của xí nghiệp đứng đơn tố cáo các hành vi tham nhũng của lãnh đạo mà đã bị buộc thôi việc hoặc bị kỷ luật giáng cấp, giáng lương. Ông Trần Ngọc Thắng cũng bị Giám đốc Công ty Xăng dầu hàng không (đơn vị chủ quản) hạ "đo ván" bằng quyết định buộc thôi chức phó giám đốc do "tố cáo và tiếp tay cho quần chúng tố cáo sai sự thật".
Ông Thắng bị điều về làm chuyên viên tại văn phòng đại diện Công ty Xăng dầu hàng không miền Nam tại TP HCM, nhưng vẫn không bỏ cuộc và tiếp tục gửi đơn đến Cục Cảnh sát kinh tế, Bộ Công an vào tháng 10/1999 tố cáo 5 vụ tiêu cực lớn tại Công ty Xăng dầu hàng không miền Nam. Theo đó, "Kinh doanh Xăng dầu hàng không miền Nam lỗ hàng chục tỷ đồng; khai man quân số; khu kho cảng Nhà Bè TP HCM làm trái Nghị định 52 CP (chưa có phê duyệt dự án đã bồi thường và không tiếp tục đầu tư xây dựng); nhập xăng dầu về Ghềnh Rái, Vũng Tàu qua chuyển tải mà không tổ chức đấu thầu; tham nhũng khi làm đường K1-K3 trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất...".
Ngày 6/9/2001, thượng tá Nguyễn Hiếu Vinh, Cục phó Cục Cảnh sát kinh tế, ký thông báo số 924/C15 (P6) gửi ông Trần Ngọc Thắng xác nhận: "Cục đã nhận được đơn thư của ông tố cáo một số cán bộ của Công ty Xăng dầu hàng không miền Nam có hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý kinh tế. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được pháp luật quy định, Cục Cảnh sát kinh tế chỉ xác minh một số nội dung liên quan đến việc thất thoát tài sản nhà nước. Kết quả đã phát hiện một số cán bộ tại Xí nghiệp Xăng dầu hàng không miền Nam miền Nam (thuộc Công ty Xăng dầu hàng không miền Nam VN) và Xí nghiệp Xây dựng công trình hàng không miền Nam (thuộc Công ty Công trình hàng không) đã không thực hiện đúng quy định của Nhà nước trong đầu tư và xây dựng, gây thất thoát tài sản nhà nước trong việc xây dựng đường kho K1, K3 tại Xí nghiệp Xăng dầu hàng không miền Nam miền Nam. Xét tính chất, mức độ của việc vi phạm trên chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, Cục đã có công văn thông báo đề nghị Tổng công ty Hàng không Việt Nam kiểm tra, làm rõ vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân có liên quan và xử lý theo thẩm quyền".
Khi thông báo này đến tay ông Trần Ngọc Thắng thì từ trước đó hơn một tháng, ngày 3/8/2001, ông bị Giám đốc Công ty Xăng dầu hàng không VN ký quyết định sa thải khỏi cơ quan vì lý do "tự ý bỏ việc từ ngày 7/5/2001-20/7/2001". Trong khi vào tháng 5/2001, mẹ ông Thắng bị ốm (mất ngày 1/6/2001), mẹ vợ cũng bị bệnh, nên ông có đơn xin nghỉ không lương 2 tháng.
Theo Thanh Niên, ông Trần Ngọc Thắng tiếp tục thu thập những tài liệu, chứng cứ về "đường dây buôn lậu xăng dầu quốc tế bằng thủ đoạn tạm nhập tái xuất nhưng để lại trong nước để tiêu thụ" có liên quan tới một số đơn vị của Công ty Xăng dầu hàng không miền Nam để làm đơn tố cáo gửi đến các cơ quan chức năng. Sau quá trình điều tra, xác minh, ngày 30/10/2004, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ - Bộ Công an đã bắt giữ Giám đốc Xí nghiệp Thương mại dầu khí hàng không miền Nam và một số cán bộ của Công ty Xăng dầu hàng không miền Nam về hành vi tham nhũng liên quan đến đường dây buôn lậu xăng dầu của Hùng "Xì Tẹc".