Cha cũng chết vào cái ngày 26/9 định mệnh. Đặng Thị Thùy Dương (13 tuổi) ôm mẹ khóc ngất. Nhưng cô bé nói ngày mai em sẽ đi học lại. Đường đến trường của em ngày mai sẽ dài hơn, xa hơn, gian khó hơn...
![]() |
Em Huỳnh Anh Toán, con trai anh Huỳnh Văn Thanh, ở xã Mỹ Hòa, Bình Minh, Vĩnh Long... |
Nhiều người cha đã mãi mãi ra đi sau thảm họa sập cầu Cần Thơ. Bi kịch giáng xuống các gia đình nạn nhân, đè nặng lên tương lai con em những người đã khuất...
Giữa giảng đường ĐH Cần Thơ, một thông tin truyền tai: "Sập cầu Cần Thơ, chết nhiều người!". Nguyễn Thị Thanh Loan đứng vụt dậy, chạy ra bãi xe... Căn nhà nhỏ nằm sâu trong ấp Mỹ Hưng I (xã Mỹ Hòa, Bình Minh, Vĩnh Long) đóng kín cửa. Mẹ và những đứa em đã chạy ra hiện trường.
"Cha chết em sẽ phải nghỉ học thôi, làm sao mẹ em gánh nổi gia đình này?". Nhà có bốn anh em, suất đại học dành cho Loan. Để có nó, những người hàng xóm cho hay hai đứa em trai của Loan nghỉ học từ mấy năm trước để gánh lấy việc nhà. Kiệt, 17 tuổi và Phương, 15 tuổi, đi làm hồ, làm ruộng mướn. Chị Dợn, mẹ của Loan, vợ nạn nhân Nguyễn Văn Sớt, kể: "Mấy đứa em của Loan chưa đủ tuổi để xin đi làm trong công trình, nếu đủ tuổi chắc cũng không còn ngồi đây giờ này".
Cách đó không xa, ngôi nhà của anh Nguyễn Văn Đùng vắng đến lạnh người dưới bóng tre. Ba ngày sau tai nạn, chủ nhân của ngôi nhà ấy vẫn còn đang nằm trong đống đổ nát. Chòm xóm nói rằng hình như người ta mới phát hiện tay chân gì đó mà chưa đưa lên được. Giờ đây ngôi nhà anh Đùng là tâm điểm của xóm Chùa bởi họ có đến hai anh em chết, một người em bị thương còn đang nằm trong bệnh viện. Ai đó chỉ ra ngoài vườn: anh Nguyễn Văn Tâm (28 tuổi) vừa chôn lúc sáng, còn mọi người trong nhà đi hết ra ngoài cầu chờ thi thể anh Đùng.
Anh Đùng có năm đứa con tên theo vần điệu: Nhi, Ni, Mi, Nơ, No. Nhi, con gái lớn nhất, mới 19 tuổi, đang đi rửa chén mướn cho một tiệm cơm ở Cần Thơ. Hai đứa kế thì nghỉ học đi làm mướn đã lâu. Giờ trong nhà chỉ còn hai thằng con trai: Nơ, 13 tuổi, học lớp 6 ở thị trấn Cái Vồn; No, 9 tuổi, học lớp 3 Trường tiểu học Mỹ Hòa. Người đàn ông 43 tuổi, gánh một gia đình với sáu miệng ăn. Khi anh còn sống mà có tới ba đứa trẻ nghỉ học. Giờ tai nạn cướp mất anh, con đường của những đứa con lại càng khốn khó hơn.
3. Tại ấp Mỹ Thới I (xã Mỹ Hòa), chị Nguyễn Thị Quỳnh Giao, có tật một chân, hằng ngày ráng làm thêm phụ chồng bằng nghề đưa đò cho khách qua sông, đang gục ngang ngoài cửa khi có đoàn khách là người của Công ty Vĩnh Thịnh ghé viếng người chồng xấu số của chị. Có ai đó la lên: "Làm ơn đừng đội cái nón vàng giống chồng nó, nó chịu không nổi, nó xỉu". Khi tỉnh lại, chị Giao nói trong nước mắt: "Chú ơi, tôi tật nguyền, làm gì được, giờ tính cho đứa con gái lớn (bé Trần Thị Bảo Yến, 13 tuổi) nghỉ học giữ em để tôi còn đi làm mướn nuôi cả nhà”. Chôn ba xong, mẹ bảo con nghỉ học, con lắc đầu: "Bữa nay có kiểm tra, con phải đi học!".
![]() |
Nước mắt đã cạn khô trên mắt Thanh Loan và những người thân của anh Nguyễn Văn Sớt. |
Đặng Thị Thùy Dương (13 tuổi), con anh Đặng Văn Bảy (xã Nguyễn Văn Thảnh, Bình Minh, Vĩnh Long), cũng đã nghỉ học mấy ngày nay từ khi cha tử nạn. Anh Bảy đi bộ đội, chị đi gặt lúa mướn, gặp và yêu thương nhau. 14 năm, căn nhà luôn rôm rả tiếng nói cười, giờ chỉ còn hai mẹ con thui thủi. Trong lúc chị Huỳnh Thị Thủy, vợ anh Bảy, lả đi trước tin dữ, Dương lại là chỗ dựa, vỗ về. "Mẹ đừng khóc, cha nghe được sẽ buồn. Mai mốt con đi mần nuôi mẹ”, Dương an ủi.
Sau chín năm sống chung với cha mẹ chồng, hai vợ chồng chị được ra ở riêng. Dành dụm, vay mượn bà con, anh chị cũng cất được căn nhà cấp bốn. Một vách của ngôi nhà vẫn được ké nhà người chị. Anh đi làm ở cầu, chị làm công nhân cho công ty than từ hơn hai năm nay. Hằng ngày hai vợ chồng chở nhau đi làm, tối lại chở về.
Sau hai ngày nghỉ học, Dương nói hôm nay đến trường. Trường học cách nhà không xa nhưng đường đến trường đã dài hơn...
Tình người trong hoạn nạn Lụm cụm ngồi xuống, cụ lấy từ trong túi áo bà ba một gói tiền được bọc cẩn thận. Giọng cụ yếu ớt, run run: "Bà góp 1 triệu". Trong thời gian chờ ghi biên nhận, cụ lại đếm. "Thôi, biên 1 triệu rưỡi đi! Mà bây đếm giùm bà đi. Tay run quá rồi", cụ vừa nói vừa thở gấp. Cụ tên Nguyễn Thị Dân, ở phường 10, quận 8, TP HCM. Cụ Dân đã 76 tuổi, mắc bệnh tim nên con cái ít khi cho cụ đi xa. Vậy là sau khi con đi làm, cụ đón xe ôm, lén đến tòa soạn. Tài xế xe ôm biết cụ Dân đi làm từ thiện, ông không có tiền để ủng hộ nên tình nguyện làm tài xế miễn phí. Vậy đó, gần 2 tỷ đồng đã được hàng vạn tấm lòng, hàng vạn bàn tay góp trong hai ngày thông qua báo Tuổi Trẻ. Đó là số tiền từ ba ngày dầm mưa dãi nắng của người thợ hồ 55 tuổi. Đó là số tiền từ năm ngày ngồi may gia công của chú Lê Quang Đức, 65 tuổi. Đó là số tiền ăn sáng của một cụ 82 tuổi chỉ để lại cái tên "ông già Gò Vấp". Đó là 110.000 đồng của một nữ sinh lớp 11 Trường Marie Curie. Đó là 200.000 đồng của một sinh viên đi làm thêm. Đó là 100.000 đồng tiền mừng tuổi của một học sinh để dành từ tết. Đó là số tiền 50 triệu đồng của Công ty chứng khoán Âu Việt thay vì để làm lễ khai trương hoành tráng, công ty đã dành cho gia đình các nạn nhân. |
(Theo Tuổi Trẻ)