Trong vô số những món ăn làm nên tên tuổi của vùng đất Tuy Hòa (Phú Yên) như bò một nắng, cơm gà, sò huyết đầm Ô Loan, cơm niêu... thì mắt cá ngừ đại dương là món ăn lạ mà các hướng dẫn viên thường giới thiệu với du khách phương xa bởi nét độc đáo của nó.
Cá ngừ đại dương còn có tên gọi khác là cá bò gù, loại hải sản không phải chỉ có ở Phú Yên nhưng không biết từ bao giờ, các món ăn chế biến từ cá ngừ, đặc biệt là mắt cá ngừ lại gắn liền với đời sống ẩm thực của người dân Tuy Hòa. Theo cách lý giải của những đầu bếp có tiếng tại miền đất này, ban đầu khi làm cá người ta thường bỏ mắt, nhưng thấy mắt cá ngừ to mà bỏ thì quá uổng nên làm thử, đến khi ăn thì lại thấy quá ngon.
Mới nghe món mắt cá, người miền khác đến chơi thường lắc đầu bởi hầu hết mọi người cho rằng "ăn gì mắt con cá bé tí", thế nhưng đến khi nhìn thố mắt cá ngừ bốc khói tỏa mùi thơm ngây ngất trên bàn, sự tò mò của thực khách mới bắt đầu chuyển dần sang thích thú.
Theo các đầu bếp vốn nổi tiếng trong việc chế biến mắt cá ngừ tại Phú Yên, mắt cá có thể chế biến nhiều món, nhưng ngon nhất vẫn là tiềm thuốc Bắc bởi các loại nguyên liệu này giúp món ăn giảm mùi tanh. Thố tiềm phải là thố có miệng nhỏ, làm bằng đất sét, mới có thể giữ được độ nóng ấm và hương vị của món ăn.
Khó nhất trong chế biến là việc khử mùi. Mắt cá ngừ tươi mang về được chần qua nước muối nấu sôi, sau đó rửa sạch, lấy các gân máu rồi mang đi hấp với lá dứa, sả, gừng để ngấm đủ mùi hương và giảm mùi tanh. Tiếp theo sau khâu khử mùi, mắt cá được ướp với đường, muối, bột nêm, hành tím bằm, gừng băm nhỏ, ớt hiểm nguyên trái và một số vị thuốc Bắc.
Sau thời gian ướp chừng hơn 30 phút, mắt cá được xếp vào thố, trên cùng là hành lá cắt ngắn và hành tím cắt khoanh. Muốn thố mắt cá ngừ ngon hơn, nhiều đầu bếp còn chèn vào ít thịt hoặc lườn cá ngừ trước mang đi chưng cách thủy khoảng gần một giờ đồng hồ.
Do món ăn có vị tanh, mắt cá ngừ đại dương tiềm thuốc Bắc nên dùng lúc còn nóng chính vì thế thố mắt cá ngừ vừa lấy ra khỏi lò còn bốc khói thì nên dùng ngay. Tại Phú Yên, mắt cá ngừ đại dương được xem là món ăn chơi nên ít ai dùng với cơm trắng mà chỉ ăn kèm với cải bẹ xanh xắc nhuyễn, bánh đa nướng nóng giòn và chén nước tương cay.
Mắt cá ngừ to gần bằng nắm tay người lớn, có vị béo dễ gây ngán nên người ăn khỏe lắm cũng chỉ dùng được chừng 2 phần. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của các đều bếp tại quán mắt cá ngừ Bà Tám trên đường Lê Duẩn, TP Tuy Hòa, chỉ cần ăn một phần mắt cá là đã đủ cảm nhận được nét độc đáo của món ăn này.
Nói như những người dân sành ăn khi đến xứ "Hoa vàng cỏ xanh", không gì ngon bằng dưới trời lất phất mưa, đưa đũa gắp miếng mắt cá béo ngậy, kẹp thêm miếng gừng và mớ cải xanh cho vào miệng rồi nhắm mắt lại để cảm nhận được đủ đầy hương vị biển cả đúng như tên gọi của món ăn.
Mr. True